Dự thảo Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ô tô: Bên trọng, bên khinh?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GTVT vừa ban hành Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng ô tô, trong đó có quy định gắn hộp đèn “TAXI E” cho taxi Grab, Uber...

Những quy định này đã vấp phải sự phản đối của các DN taxi truyền thống.

Phá vỡ mọi quy định

Theo Dự thảo, xe taxi tính tiền bằng đồng hồ trên xe (taxi truyền thống - PV) phải có hộp đèn với chữ “TAXI” và xe taxi tính tiền thông qua phần mềm điện tử (taxi Grab và Uber - PV) phải có hộp đèn với chữ “TAXI E” gắn cố định trên nóc xe. Như vậy, nếu dự thảo này được thông qua, số lượng xe taxi, đặc biệt là ở các đô thị lớn sẽ tăng lên chóng mặt. Bởi, chỉ cần có mào “TAXI E” là những chiếc xe cá nhân sẽ thoải mái tham gia KDVT.
Taxi truyền thống hoạt động trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Công Hùng
Taxi truyền thống hoạt động trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Công Hùng
Chưa hết, cũng theo Dự thảo, xe taxi truyền thống tính tiền bằng đồng hồ trên xe phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe, và lái xe phải in hóa đơn tính tiền trả cho hành khách khi khách thanh toán tiền. Trong khi đó, xe "TAXI E" chỉ phải cung cấp cho hành khách thông tin về chuyến đi gồm: BKS xe, điểm đầu, điểm kết thúc; hành trình, cự ly di chuyển; thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến đi, số tiền hành khách phải trả.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, nếu Dự thảo được thông qua thì số lượng xe taxi Grab, Uber sẽ giảm đi đáng kể. Bởi việc bắt buộc phải gắn mào “TAXI E” sẽ gây khó cho một số phương tiện hoạt động thời vụ, bán thời gian. Tuy nhiên, nhìn chung dự thảo này đang đẩy cái khó cho các hãng taxi truyền thống: Không chỉ gặp cạnh tranh với số lượng xe taxi sẽ tăng lên, các hãng taxi truyền thống còn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử của các cơ quan quản lý. Bởi, các hãng này hiện vẫn phải chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng về điều kiện KDVT…, trong khi đối với taxi Grab, Uber, Dự thảo lại không quy định đơn vị nào sẽ giám sát các vấn đề trên.

Hợp thức hóa khi...đang thí điểm

Với lý do nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân về tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch…, từ đầu năm 2016, Bộ GTVT đã cho phép Công ty TNHH GrabTaxi, các đơn vị KDVT hành khách theo hợp đồng được thí điểm dịch vụ Grab Taxi tại 5 tỉnh, TP là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh. Thời gian thí điểm từ tháng 1/2016 - 1/2018. Thế nhưng, khi thời gian thí điểm chưa hết 1/4, việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam soạn thảo Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi quy định về điều kiện KDVT bằng ô tô đã khiến các hãng taxi truyền thống vô cùng bức xúc.

Theo ông Đỗ Quốc Bình – Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, khi đề án vẫn đang trong giai đoạn thí điểm, chưa tổng kết đánh giá hiệu quả của phương tiện, tác động với xã hội mà Bộ GTVT đã hợp thức hóa loại hình taxi Grab, Uber như trong Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi là đốt cháy giai đoạn. Ở góc độ DN, ông Nguyễn Anh Quân - Chủ tịch HĐQT Taxi Thành Công cho biết, trong khi taxi truyền thống đang bị ràng buộc bởi hàng tá quy định của luật pháp thì xe Grab, Uber lại được bỏ qua nhiều quy định như: Niên hạn của phương tiện; thiết bị giám sát hành trình; đồng hồ tính cước; máy in hóa đơn, bảng giá... là điều bất hợp lý và không công bằng với các hãng taxi truyền thống.

Không thể phủ nhận những tiện lợi mà các hãng taxi Grab, Uber đem lại cho người sử dụng từ khi được áp dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, suy cho cùng, những tiện lợi này đều xuất phát từ những quy định, những ràng buộc của các văn bản pháp luật mà các hãng taxi truyền thống đang phải tuân thủ. Do đó, để tạo một sân chơi công bằng, bình đẳng, các đơn vị có liên quan, đặc biệt là Bộ GTVT cần phải lắng nghe ý kiến nguyện vọng của các DN vận tải, đặc biệt là các hãng taxi truyền thống, tránh tình trạng nhất bên trọng, nhất bên khinh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần