Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dù yêu cầu 500 tên đường mới ngay lúc này cũng có thể đáp ứng

Linh Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thực hiện yêu cầu đổi mới đặt tên đường phố nhằm mục tiêu số hóa dữ liệu trong quản lý và đáp ứng thực tế phát triển của xã hội, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội về vấn đề này.

Sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP về việc số hóa đặt tên đường phố và các công trình công cộng, có thể hiểu từ nay trở đi, các tuyến phố của Hà Nội sẽ được đánh số, thưa ông?
- Lãnh đạo TP chỉ đạo nghiên cứu đổi mới đặt tên đường, phố trước yêu cầu số hoá dữ liệu trong quản lý và đáp ứng thực tế phát triển của xã hội. Việc đặt tên theo số ngắn gọn, đơn giản, sẽ thuận tiện cho ứng dụng công nghệ thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của Nhân dân.
 Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong nhiều phương án, lãnh đạo TP vẫn yêu cầu đặt tên đường, phố theo truyền thống, nghĩa là tên danh nhân, địa danh tiêu biểu của Thủ đô và cả nước. TP Hà Nội cũng không đặt vấn đề đổi tên hay thêm số vào các đường phố đã có tên. Chỉ những tuyến phố chưa có tên thì mới nghiên cứu đặt như thế nào cho phù hợp, trong đó có việc đặt theo số.

Tuy nhiên, theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ không có quy định lấy số để đặt tên đường, vậy Hà Nội sẽ xử lý vướng mắc này thế nào?

- Phương pháp đặt tên phố theo số ở Việt Nam hầu như chưa được áp dụng. Nghị định của Chính phủ về đặt tên đường phố, công trình công cộng cũng không có quy định đặt tên theo số. Tuy nhiên, quy chế sửa đổi của TP đã cho phép đặt tên số ở các khu đô thị mới. Chính vì vậy, ở một số khu đô thị như Yên Hòa, Trung Yên, Mỹ Đình… đã đánh số tên đường. Thực tế mới chỉ trong phạm vi khu đô thị, còn ngoài khu đô thị chưa thể thực hiện vì chưa có quy định. Hơn nữa, chúng ta chỉ áp dụng đánh số được cho các đường là địa danh, còn là danh nhân thì không thể được.

Đánh số tên đường có thể hiểu quỹ tên đặt cho đường phố của Hà Nội đang hạn hẹp?

- Hiện tại, quỹ tên đường Hà Nội cũng có hơn 500 tên danh nhân, khoảng hơn 2.400 tên lấy từ tên di tích đã xếp hạng. Trong khi đó, nhu cầu đặt tên đường phố mới từ nay tới năm 2030 dự kiến cần khoảng 500 tên đường mới. Nên dù có yêu cầu 500 tên đường mới ngay lúc này cũng có thể đáp ứng.

- Đánh số tên đường phù hợp đô thị hiện đại, tiện cho công tác quản lý, theo ông, đến thời gian nào, Hà Nội có thể có những đường được chính thức đánh số?

- Trước mắt, Sở phải chuẩn bị, xem xét ở nhiều khía cạnh, lấy ý kiến Nhân dân, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, sau đó mới xây dựng phương án trình UBND TP xem xét. Đồng thời, nếu các ý kiến đồng thuận, Hà Nội cũng sẽ phải kiến nghị và chờ điều chỉnh Nghị định 91 của Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!