Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa chính quyền đến gần dân, sát cơ sở

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các tư liệu nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy, Người đã chỉ rõ các nguyên tắc đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đó là phải tin vào dân, dựa vào dân, vì lợi ích của dân để đoàn kết toàn dân, phát động các phong trào thi đua yêu nước; đoàn kết lâu dài, rộng rãi, chặt chẽ, tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo; đoàn kết trên cơ sở hiệp thương dân chủ, chân thành, thẳng thắn, thân ái, đoàn kết gắn với đấu tranh, tự phê bình, phê bình và đoàn kết trên cơ sở kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết của dân tộc. Bởi thế, theo tư tưởng của Bác, thực hành dân chủ rộng rãi chính là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn, thực hiện mọi nhiệm vụ.

Cán bộ bộ phận một cửa quận Tây Hồ tận tình hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Hải
Cán bộ bộ phận một cửa quận Tây Hồ tận tình hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Hải

Vận dụng vào thực tiễn bằng nhiều giải pháp

Trong những ngày này, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đang được tổ chức rộng khắp ở các khu dân cư, lãnh đạo các cấp đến dự và chung vui với người dân. Đây không chỉ là ngày hội, cũng là dịp để mọi cán bộ, các cấp ủy Đảng, chính quyền gặp gỡ, tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của Nhân dân; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; cùng với Nhân dân bàn bạc, trao đổi, xây dựng giải pháp thực hiện có hiệu quả mọi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một trong những giải pháp để thực hành dân chủ tại cơ sở hiệu quả.

Đồng thời với đó, thời gian qua tại Hà Nội cho thấy, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở theo hướng sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, vận động, thuyết phục, hạn chế các biện pháp hành chính trong giải quyết các vụ việc phát sinh. Việc thực hiện quy chế dân chủ được gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo sự chuyển biến về nhận thức, lề lối làm việc của cán bộ, công chức theo hướng gần dân, tôn trọng dân, lắng nghe ý kiến của dân, có trách nhiệm với dân, chống tiêu cực, quan liêu, nhũng nhiễu gây phiền hà đến Nhân dân.

Như tại quận Hai Bà Trưng, từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng, trước hạn của quận luôn đạt 100%; góp ý của người dân về chất lượng giải quyết tại bộ phận một cửa đều cho kết quả “hài lòng”, “rất hài lòng”. Hiện tại 18 phường lập được 250 tổ “xung kích số” với nòng cốt là lực lượng thành thạo công nghệ thông tin thực hiện thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công. Tại huyện Thanh Trì, công tác kiểm tra công vụ, cải cách hành chính được đẩy mạnh, chú trọng giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân. Huyện đổi mới công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động của bộ phận một cửa tiếp tục được tăng cường, tỷ lệ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn đạt hơn 99,78%.

Phát huy tính công khai, dân chủ

Như lãnh đạo TP Hà Nội đã nhấn mạnh quan điểm, TP luôn xác định tăng cường đối thoại, tiếp thu góp ý, tích cực giải quyết kiến nghị chính đáng của Nhân dân là giải pháp căn cơ, đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân khi triển khai những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp.

Tại các quận huyện, trong những tháng cuối năm này, liên tục các cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân cũng diễn ra. Như Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng đã cho biết, quận luôn coi trọng các cuộc đối thoại này để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, phát hiện những vấn đề từ cơ sở để từ đó kịp thời giải quyết, không để hình thành những “điểm nóng” gây bức xúc, đồng thời, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân trên địa bàn quận.

Đến nay, toàn bộ 8 phường trên địa bàn quận đã tổ chức hội nghị đối thoại, nhiều vấn đề liên quan đến phát huy tiềm năng, lợi thế của quận hay giải đáp những vướng mắc của người dân đã cùng được đưa ra trao đổi. Sau buổi đối thoại, lãnh đạo quận đều chỉ đạo các phòng, ban, chuyên môn thực hiện nghiêm túc những vấn đề đã trao đổi, thống nhất để giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị chính đáng của Nhân dân.

Tại quận Đống Đa, vừa qua, trong cuộc đối thoại với lãnh đạo quận về cải cách hành chính, đại diện DN, người dân trên địa bàn đã đặt nhiều câu hỏi về các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, về quy hoạch kiến trúc, giấy phép xây dựng… Qua đó, giúp lãnh đạo quận thấy được mong muốn của người dân, để đáp ứng tốt hơn việc cải cách thủ tục hành chính, lấy sự hài lòng của tổ chức, công dân là mục tiêu phục vụ.

Có thể nói rằng, các hoạt động này đã tạo “diễn đàn dân chủ của Nhân dân”, người dân được quyền nói, quyền bày tỏ suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng chính đáng một cách thẳng thắn trước các vấn đề bức xúc liên quan đến lợi ích trực tiếp của mình. Như nhiều ý kiến đã nhận định, chính việc hiểu đúng về dân chủ ở cơ sở, gắn với công tác dân vận chính quyền đã đưa chính quyền đến gần người dân, để mọi người cùng dốc sức, đồng lòng thực hiện mục tiêu chung ở mỗi cấp chính quyền và tạo thành khối đoàn kết toàn dân.