70 năm giải phóng Thủ đô

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế tổng hợp, mũi nhọn

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi– Hàng trăm doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý dự “Đại hội liên ngành công nghiệp du lịch Quốc gia” lần thứ I đã chia sẻ giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế tổng hợp, mũi nhọn.

Ban tổ chức điều hành. Ảnh: Khắc Kiên
Ban tổ chức điều hành. Ảnh: Khắc Kiên

“Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia” lần thứ I diễn ra ngày 7/10, tại Hà Nội, do Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia phối hợp với UBND các tỉnh thành, Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam… tổ chức.

Nền tảng để phát triển

Sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, ngành du lịch đã và đang bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế. Du lịch cũng là ngành góp phần giảm tụt hậu, chênh lệch giàu nghèo cho những vùng sâu, vùng xa, còn ít điều kiện để phát triển, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.

TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia. Ảnh: Khắc Kiên
TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia. Ảnh: Khắc Kiên

Phát biểu tại chương trình, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia đánh giá, du lịch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn khai thác tài nguyên, là giải pháp căn cơ tháo gỡ những hạn chế, yếu kém. Các nghị quyết ban hành đã yêu cầu các cấp, các ngành phối hợp cùng doanh nghiệp, người dân thực hiện, phấn đấu đến năm 2030, du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế trọng tâm, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội. "Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Việt Nam nên tiếp tục tạo nên dấu ấn về phát triển kinh tế, bằng cách sáng tạo và phát triển du lịch. Đây cũng được coi là nền tảng để phát triển, có chính sách hút du khách du lịch” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

TS. Đinh Việt Hoà - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, Trưởng ban tổ chức sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
TS. Đinh Việt Hoà - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, Trưởng ban tổ chức sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Theo TS. Đinh Việt Hoà - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, Trưởng ban tổ chức cho biết, Diễn đàn tập trung chia sẻ tầm quan trọng việc phát triển du lịch, ý tưởng, kế hoạch thúc đẩy phát triển hệ sinh thái du lịch địa phương của các chuyên gia, doanh nhân - chiến sĩ thời bình phát triển Du lịch Quốc gia.

Bên cạnh đó, các diễn đàn chuyên sâu được chia sẻ như: Xu hướng du lịch chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp của tương lai, Marketing và mở rộng thị trường cho du lịch trong thời đại số; Du lịch - Xuất nhập khẩu và kết nối thương mại; Mạng xã hội và truyền thông số phát triển thương hiệu Du lịch Quốc gia.

Ký kết hợp tác để phát triển công nghiệp du lịch Việt Nam. Ảnh: Khắc Kiên
Ký kết hợp tác để phát triển công nghiệp du lịch Việt Nam. Ảnh: Khắc Kiên

"Đại hội có góc nhìn mới về du lịch không chỉ là ngành dịch vụ, mà là một ngành công nghiệp và là một ngành kinh tế tổng hợp, mũi nhọn có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Quốc gia” - TS Đinh Việt Hòa nhấn mạnh.

Kiến giải và đồng hành

Tại Đại hội, nhiều nhà quản lý, chuyên gia, diễn giả đã tham luận, làm rõ những thuận lợi, tiềm năng, thách thức trong phát triển du lịch, cũng như đưa ra các giải pháp thúc đẩy du lịch quốc gia.

Du khách quốc tế trải nghiệm tại Mai Châu, Hòa Bình. Ảnh: Khắc Kiên
Du khách quốc tế trải nghiệm tại Mai Châu, Hòa Bình. Ảnh: Khắc Kiên

Ấn tượng sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam và những nơi đã ghé thăm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski cho rằng, tiềm năng đối với ngành du lịch Việt Nam là không giới hạn. Việt Nam có sự thu hút, nên có tham vọng hơn trong thu hút nhóm du khách cao cấp. Đại hội là dấu ấn đưa nền công nghiệp du lịch Việt Nam thêm một bước tiến mới.

Trong khi đó, Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, để phát triển du lịch, tỉnh cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện tốt công tác quy hoạch, hạ tầng du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số cho phát triển du lịch; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ. Cùng với đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch, quảng bá, xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng môi trường du lịch an toàn và hấp dẫn…

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế tổng hợp, mũi nhọn - Ảnh 1
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế tổng hợp, mũi nhọn - Ảnh 2
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế tổng hợp, mũi nhọn - Ảnh 3
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế tổng hợp, mũi nhọn - Ảnh 4
 

Cộng đồng doanh nghiệp đến dự và mang nhiều sản phẩm để quảng bá, giới thiệu, kết nối phát triển du lịch tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Đáng chú ý, Phó Tổng Giám đốc NovaGroup Nguyễn Thị Thùy Dương đã đưa ra nhiều đề xuất để phát triển công nghiệp du lịch quốc gia. Theo bà, mỗi tỉnh, thành cần xác định một sản phẩm du lịch đặc thù (du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, MICE, wellness…) phù hợp với thế mạnh của địa phương.

Còn Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Công nghệ Vzone Glob-al Nguyễn Thị Thủy chia sẻ, với mục đích mang lại quyền, lợi ích cho cộng đồng xã hội, từ những phần mềm của doanh nghiệp phát triển sẽ đem lại giải pháp kết nối hữu ích khi sử dụng. Doanh nghiệp hướng tới sẽ có 33 triệu người dùng trong hệ sinh thái với phần mềm để chuyển đổi số…

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc MISA Đinh Thị Thúy cho rằng, tiềm năng của du lịch là rất lớn. Misa đồng hàng chuyển đổi số ngành du lịch, giúp các doanh nghiệp du lịch tối ưu chị phí, gia tăng năng suất, mở rộng thị trường, giúp phát triển ngành công nghiệp du lịch của Việt Nam. MISA cam kết sẽ đồng hành và đó là lý do MISA ký kết hợp tác để ngành công nghiệp du lịch phát triển.

 

Tại Đại hội, các hoạt động đáng chú ý như: Diễn đàn Quốc gia về Du lịch nhằm trao đổi chiến lược công nghiệp du lịch quốc gia; Học tập, trao đổi kinh nghiệm kinh doanh, hiến kế phát triển liên ngành công nghiệp du lịch Việt Nam; Hội nghị đầu tư, xúc tiến thương mại; Giới thiệu, quảng bá nhãn hàng, thương hiệu, sản phẩm trưng bày tại sự kiện; Gala Dinner và Lễ tôn vinh...