Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa hàng Việt đến với công nhân

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, cùng với thị trường nông thôn, các DN bán lẻ đã bước đầu đưa được hàng Việt đến với người lao động tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX). Tuy nhiên, để hàng Việt lan tỏa sâu rộng hơn nữa, đòi hỏi DN cần bắt tay chặt chẽ hơn với Ban quản lý các KCN - KCX.

Hàng Việt được chào đón
Xách cả lô nước mắm Phan Thiết mua tại phiên chợ Việt tổ chức tại KCN Thăng Long, huyện Đông Anh, chị Nguyễn Thị Tươi - công nhân Công ty TNHH Kanayama Precision Việt Nam cho biết, hiện mức thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ 14 - 15 triệu đồng/tháng, lại phải lo cho 2 con ăn học nên khi mua sắm các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, chị thường chọn hàng giá rẻ bán tại chợ truyền thống mà không biết chất lượng sản phẩm thế nào.
Công nhân khu công nghiệp Thăng Long mua hàng Việt tại siêu thị Hapro đặt tại khu nhà ở Kim Chung. Ảnh: Hoài Nam
Mới đây, Ban quản lý KCN phối hợp với DN bán lẻ tổ chức phiên chợ Việt và bán hàng lưu động đã tạo cơ hội cho gia đình chị mua hàng Việt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá bán phải chăng. “Mong rằng, TP Hà Nội liên tục tổ chức chương trình để người công nhân đang làm việc tại các KCN mua được hàng tốt mà không phải đi vào tận nội thành mua sắm” - chị Tươi chia sẻ.
Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn, để đưa hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng các huyện ngoại thành và công nhân các KCN, thời gian vừa qua, bên cạnh việc tổ chức các chuyến bán hàng lưu động, phiên chợ Việt Hapro đã đưa vào hoạt động 2 siêu thị Hapromart bày bán khoảng 10.000 mặt hàng thực phẩm tiêu dùng thiết yếu tại khu nhà ở Kim Chung dành cho công nhân trong KCN Thăng Long.
Chị Nguyễn Thị Trang -công nhân KCN Thăng Long chia sẻ, trước đây khi chưa có siêu thị Hapromart tại KCN, mỗi khi nghe có bán hàng Việt tại các KCN là chị đều đến mua, bởi hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá rẻ hơn thị trường, đồng thời có thêm thông tin để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, giai đoạn 2009 - 2018, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với DN tổ chức hơn 3.000 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng đến các bếp ăn tập thể tại các KCN, huyện vùng sâu, vùng xa. Riêng từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương và các DN bán lẻ đã tổ chức 125 chuyến bán hàng lưu động, phiên chợ Việt tại các huyện ngoại thành, KCN.
Cần cái bắt tay của Ban quản lý
Nhiều DN sau khi triển khai các chuyến bán hàng lưu động, phiên chợ Việt tại KCN phản ánh, một số quận, huyện và Ban quản lý KCN truyền thông về hàng Việt chỉ mang tính phong trào, làm chiếu lệ nên tác động và sức lan tỏa không đạt kết quả như mong muốn. Vì vậy, để chương trình cung ứng hàng Việt vào KCN đạt được hiệu quả cho cả DN, người lao động, đòi hỏi công đoàn cơ sở và Ban quản lý các KCN cần đẩy mạnh phối hợp với DN trong công tác truyền thông chương trình hàng Việt tới người lao động, cũng như tạo điều kiện cho DN có được mặt bằng cố định để bố trí bán hàng; đưa hàng Việt vào các bữa ăn của công nhân, lao động. Đồng thời cần có cơ chế hỗ trợ về thuế, tiền thuê mặt bằng trong thời gian nhất định.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Tiến Vượng cho rằng, việc Ban quản lý KCN đẩy mạnh phối hợp với DN sẽ giúp DN nắm rõ được tâm lý người tiêu dùng đang cần những loại hàng hóa như thế nào. Ở chiều ngược lại, công nhân sẽ có thêm cơ hội nắm bắt thông tin về chương trình và về lợi ích mà họ có được từ các chuyến bán hàng lưu động, phiên chợ Việt...
Đồng tình với ý kiến này, tại hội nghị giao ban đánh giá công tác triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do MTTQ TP Hà Nội vừa tổ chức, Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cũng yêu cầu các đơn vị thành viên nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng.
“Chính quyền cơ sở và Ban quản lý các KCN cần đổi mới cách tuyên truyền theo chiều sâu, tập trung đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ của TP. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền tổng thể, lâu dài, đổi mới cả về thời lượng, nội dung, hình thức theo hướng trọng tâm, trọng điểm, chuyên đề; tập trung tuyên truyền sâu hơn tới giới trẻ, nông dân” - bà Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.
Phản ánh, kiến nghị từ phía DN cũng như sự chỉ đạo của MTTQ TP Hà Nội cho thấy, để người lao động tại các KCN tiếp cận hàng Việt, đòi hỏi sự chung tay giữa DN với Ban quản lý các KCN trong việc tăng cường truyền thông và triển khai các chuyến bán hàng lưu động.

"Mỗi năm, hệ thống siêu thị Co.op Mart tổ chức tối thiểu 10 -12 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, KCN. Khi đưa hàng Việt về nông thôn, KCN - KCX, 100% hàng hóa được bán cho người tiêu dùng với giá gốc. Từ các hoạt động đó, đối tượng người tiêu dùng là công nhân cũng biết đến và ưu tiên hơn trong sử dụng hàng hóa Việt Nam tại hệ thống siêu thị Co.op Mart." - Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội Nguyễn Kim Dung