Phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, mà trọng tâm là HTX trong hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân được nâng lên.
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể của Việt Nam đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX đề ra. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm. Năng lực nội tại của các HTX còn yếu. Phần lớn HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ; tính liên kết trong nội bộ trong HTX còn yếu…
Một trong những nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém là do nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bản chất, vị trí, vai trò của kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của còn nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền còn hình thức, chưa thực sự quyết liệt.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Bùi Trường Giang khuyến nghị 4 giải pháp đột phá. Một là sửa đổi căn bản Luật HTX năm 2012; Hai là nhân rộng mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả; Ba là hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai; và Bốn là tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước cho phát triển các hình thức kinh tế tập thể, HTX.
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình, quan điểm của Đảng luôn xác định kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển, cùng kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể cũng là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn. Khuyến khích việc tích luỹ và sử dụng hiệu quả vốn, tài sản chung trong tổ chức kinh tế tập thể.
Đặc biệt, quan điểm của Đảng nhấn mạnh: Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh HTX Việt Nam và các tổ chức đại diện phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể.
Báo chí tuyên truyền mạnh mẽ về kinh tế tập thể
Sau khi Nghị quyết số 20-NQ/TW được ban hành, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 10-KH/TW để tổ chức triển khai. 5 nhiệm vụ trọng tâm đã được đề cập tới trong kế hoạch, trong đó, tuyên truyền được xếp ở nhóm nhiệm vụ thứ 2, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục về phát triển kinh tế tập thể phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm hiệu quả và thiết thực.
Thực tiễn cho thấy, sau 20 năm đổi mới, phát triển theo Nghị quyết số 13-NQ/TW, cùng với sự tuyên truyền, cổ vũ, tham góp của báo chí, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX tiếp tục có những bước tiến mới đáng ghi nhận. Ngày nay, báo chí tiếp tục đồng hành tích cực cùng khu vực kinh tế tập thể, HTX, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Theo Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, nhiệm vụ chủ yếu đầu tiên mà báo chí góp phần thực hiện hiệu quả là tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể trong các cơ quan quản lý. Cùng với đó là thay đổi, nâng cao nhận thức của Nhân dân, tạo sự thống nhất về quan điểm và hành động trong toàn Đảng, toàn dân về bản chất, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, HTX trong xây dựng và phát triển đất nước.
Nhưng không dừng lại ở việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, nhiều khó khăn, vướng mắc của khu vực kinh tế tập thể, HTX được báo chí đi sâu, phản ánh trung thực, đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ. Từ những vấn đề lớn như nhận thức chung, hạ tầng pháp lý, nguồn nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất… đến những bất cập cụ thể trong triển khai Luật HTX, trong phát triển kinh tế hộ; khó khăn trong tiếp cận vốn, xúc tiến thương mại đều được báo chí thông tin, phân tích khách quan, trung thực, từ đó giúp các cấp, các ngành có thêm cơ sở nghiên cứu, giải quyết.
“Với tinh thần xây dựng, báo chí không chỉ tuyên truyền chủ trương đúng đắn của kinh tế tập thể, phản ánh bất cập trong thực thi chính sách, mà còn lên tiếng đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận, đòi xóa bỏ mô hình kinh tế tập thể của các phần tử cơ hội chính trị, thế lực thù địch. Từ đó, vai trò của kinh tế tập thể được đánh giá đúng hơn, đầy đủ hơn. Nhiều mô hình HTX mới ra đời, khu vực kinh tế tập thể ngày càng được nâng cao về quy mô và chất lượng…” - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ thêm.
Cấp thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, Liên minh HTX Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động, trong đó đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm đưa Nghị quyết số 20-NQ/TW đi vào thực tiễn, mang lại những chuyển biến tích cực hơn cho khu vực kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Theo đó, Liên minh HTX Việt Nam sẽ tổ chức học tập, quán triệt để thống nhất về tư tưởng, nhận thức Nghị quyết số 20-NQ/TW; đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; vai trò nòng cốt của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam trong phát triển kinh tế tập thể.
Tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách, củng cố, tăng cường hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam. Thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên. Đổi mới hoạt động tư vấn, hỗ trợ; cung ứng dịch vụ công và nhiệm vụ khác do Chính phủ, bộ ngành, địa phương giao, ủy thác; chủ trì vận động thành lập, thu hút thành viên tham gia kinh tế tập thể…
Cũng theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, sau 10 năm đi vào thực tiễn, Luật HTX năm 2012 đã có nhiều tác động tích cực đối với đổi mới, phát triển kinh tế tập thể. Dù vậy đến nay, nhiều nội dung của Luật đã không còn phù hợp thực tiễn. Nhiều quy định được đề cập trong Luật còn chồng chéo, chưa thống nhất với các văn bản pháp luật khác, gây khó khăn, trở ngại, vướng mắc cho HTX.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, việc sửa đổi Luật HTX năm 2012 phù hợp thực tiễn là yêu cầu đặt ra cấp thiết đối với mục tiêu đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể.
“Thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam đã tích cực tham gia, đóng góp ý kiến trong quá trình tổng kết, dự thảo Luật HTX năm 2012 (sửa đổi). Liên minh cũng đã gửi văn bản đóng góp ý kiến về nội dung dự thảo Luật HTX năm 2012 cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Chúng tôi kỳ vọng Quốc hội sẽ sớm xem xét, thông qua Luật HTX sửa đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới…” - ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết thêm.
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII:
Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.