Đủ “chiêu” lấy lòng
Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm, nhiều khách hàng quay lưng với kênh đầu tư này, hàng loạt "chiêu" hút vốn truyền thống như bốc thăm trúng thưởng, tặng quà, khuyến mại… đã được các ngân hàng tung ra.
Để hút vốn, các ngân hàng đưa ra nhiều hình thức trúng thưởng và khuyến mại. Ảnh: Thu Hà
Từ ngày 28/8 - 22/11, với mỗi 1 triệu đồng tiền gửi bằng VND hoặc 100 USD/EUR kỳ hạn một tháng tại SeAbank, khách hàng sẽ nhận được 1 mã số dự thưởng. Chương trình quay thưởng sẽ được thực hiện 2 tuần/lần và quay số giữa và cuối chương trình với 2 giải nhất, mỗi giải là 1 máy tính bảng Apple 4G 32 Gb và nhiều giải thưởng có giá trị khác.
Tại SHB, khách hàng gửi tiết kiệm từ 20 triệu đồng trở lên sẽ được bốc thăm trúng thưởng để có cơ hội nhận phiếu mua hàng và nhiều chuyến du lịch hấp dẫn. Từ 12/9 - 7/12, ACB cũng dành nhiều ưu đãi cho người gửi tiền với cơ hội trúng xe BMW.
Không dừng ở việc "lấy lòng" khách hàng bằng chiêu khuyến mại, nhiều ngân hàng còn chi thưởng trực tiếp cho khách hàng gửi tiết kiệm. Tại một phòng giao dịch ngân hàng trên phố Huỳnh Thúc Kháng, nếu gửi trên 100 triệu đồng, khách hàng sẽ được ngân hàng "tri ân" bằng việc chi thưởng tiền mặt. Trong khi tại một phòng giao dịch khác của một ngân hàng có trụ sở chính tại TP. HCM trên đường Láng Hạ (Hà Nội), với số tiền gửi trên 500 triệu đồng, người gửi có thể thỏa thuận lãi suất với ngân hàng.
Một vài ngân hàng còn "giữ chân" người gửi tiết kiệm bằng cách lập sổ kỳ hạn dài với lãi suất trên 9%/năm, nhưng nếu trên một tháng thực gửi, khách có nhu cầu rút, vẫn sẽ được hưởng lãi suất bằng trần lãi suất.
Câu hỏi thanh khoản
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20/8, tăng trưởng tín dụng đạt 1,4%, nhưng tăng trưởng huy động vốn lên tới 11,23%.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng thừa nhận, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, hàng tồn kho cao, việc "đẩy" tín dụng ra là điều hết sức khó khăn. Khó đầu ra nhưng ngân hàng vẫn tìm mọi cách, thậm chí cả việc lách luật để hút đầu vào. Đó là một nghịch lý không dễ giải thích.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, một chuyên gia kinh tế phân tích, hiện, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản... hết sức èo uột, ngân hàng không dại gì huy động vào để đầu tư tài chính. Bởi vậy, vị chuyên gia này đặt câu hỏi: "Phải chăng vẫn còn một số ngân hàng đang khó khăn về thanh khoản?".
Tuy nhiên, ở một phương diện khác, lãnh đạo một ngân hàng TMCP lại cho rằng, ngày 1/9/2012, Thông tư 21/2012/NHNN của Ngân hàng Nhà nước siết chặt việc cho vay liên ngân hàng có hiệu lực nên các ngân hàng gặp khó khăn về vốn. Không thể nhờ cậy vào thị trường liên ngân hàng nhiều như trước, các ngân hàng buộc phải đẩy mạnh huy động vốn trên thị trường. Một nguyên nhân khác để lý giải cho việc các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn là để chuẩn bị cho "mùa giải ngân" cuối năm.
Để chấn chỉnh công tác thanh tra ngân hàng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Văn bản số 5652/NHNN-TTGSNH yêu cầu Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay những tồn tại, yếu kém trong công tác thanh tra tại chỗ thời gian qua. Công văn cũng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng tại chi nhánh, đặc biệt là khi ban hành kết luận thanh tra phải đảm bảo đạt được một số yêu cầu cơ bản về thời gian, địa điểm, nội dung sai phạm, mức độ và trách nhiệm, đối tượng thực hiện cụ thể, kiến nghị rõ ràng và tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các kiến nghị sau thanh tra.