Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa nông sản Việt vào chuỗi cung ứng giá trị

Thời Nguyễn - Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để nông sản của các HTX có thể đi vào chuỗi cung ứng giá trị, vai trò của các DN trong thúc đẩy các mô hình liên kết là rất quan trọng. Đây cũng là giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bài 3: Lời giải từ liên kết chuỗi
Khách mua hàng tại một hội chợ hàng nông sản của các hợp tác xã tại Hà Nội đầu năm 2019. Ảnh: Lâm Nguyễn
Mấu chốt là liên kết với doanh nghiệp 
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 22.000 HTX đang hoạt động. Tuy nhiên, số lượng các HTX đưa được nông sản vào chuỗi bán lẻ nông sản hàng hoá an toàn chưa nhiều. Để có thể tổ chức sản xuất theo chuỗi cung ứng giá trị, thì vai trò liên kết của HTX và DN là hết sức quan trọng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, liên kết sản xuất nông sản an toàn sẽ giải quyết được nhu cầu của cả DN và HTX. Trong đó, DN sẽ có đủ nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định với chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngược lại, HTX cũng ổn định được sản xuất, đáp ứng nhu cầu hàng hoá an toàn. Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình này, bà Phạm Thị Thùy Linh – Giám đốc thu mua miền Bắc của Siêu thị Big C cho rằng, các HTX phải thúc đẩy sản xuất an toàn. Theo bà Linh, thực tế, nhiều HTX, hộ kinh tế cá thể mong muốn tham gia chuỗi cung ứng của Big C, nhưng chưa thực hiện sản xuất an toàn, chưa có sản phẩm truy xuất được nguồn gốc…
Để tạo chuỗi liên kết giá trị bền vững, đáp ứng nhu cầu trước mắt về nông sản cho Thủ đô, các HTX cần không ngừng đổi mới, chú trọng hơn nữa đến đầu tư, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bảo đảm yêu cầu đặt ra đối với nông sản sạch, an toàn thực phẩm.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo

Theo Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội Lê Văn Thư, liên kết sản xuất nông sản an toàn mở ra cơ hội phát triển cho nhiều HTX, hộ sản xuất. Chỉ có sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, truy xuất nguồn gốc mới có cơ hội vào chuỗi cung ứng hàng hoá hiện đại và xuất khẩu, cải thiện thu nhập cho nông dân.

Nhiều chính sách thúc đẩy liên kết

Nhằm thúc đẩy các hoạt động liên kết chuỗi cung ứng nông sản cho các HTX, Chính phủ, các bộ, ngành đã quan tâm, ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Điển hình nhất là Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng. Đồng thời, hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết. Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách còn hỗ trợ đào tạo nghề, kỹ thuật sản xuất, quản lý chuỗi và phát triển thị trường…

Tính riêng năm 2018, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã sử dụng các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và xã hội hóa khoảng 18 tỷ đồng để hỗ trợ, xây dựng 77 HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị tại 51 tỉnh, TP.

Tại Hà Nội, sau khi Nghị định số 98 được ra đời, ngày 5/12/2018, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội. Trong đó, đáng chú ý có công tác hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý chuỗi và phát triển thị trường cho cán bộ các HTX…

Trước đó, ngày 4/10/2018, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 192/KH-UBND thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển HTX trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019 – 2020. Trong đó, TP sẽ hỗ trợ các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh. Các HTX cũng sẽ được hưởng những chính sách hỗ trợ theo chương trình xúc tiến thương mại của Hà Nội.

Chủ tịch Liên minh HTX TP Hà Nội Lê Văn Thư cho rằng, để những chính sách của Nhà nước đến được với HTX và nông dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng cần chung tay, tạo điều kiện xây dựng hạ tầng đồng bộ, cho vay vốn đầu tư, giúp các HTX đổi mới quy trình sản xuất cho phát triển an toàn, bền vững.