Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại khu vực đô thị trên cả nước hiện vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích nhà ở lên tới 150 triệu mét vuông, tương đương nguồn vốn đầu tư tới 300 - 400.000 tỉ đồng. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Quĩ được xây dựng giống như hình thức bảo hiểm xã hội và mức đóng góp dự kiến từ 1% tổng tiền lương hàng tháng của người lao động. Việc đóng góp hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện.
Sau khi đóng góp, người lao động sẽ được hưởng lãi suất từ 3 - 5%/năm tùy theo giá trị đóng góp và đối tượng huy động. Ngoài qui định cho người dân được vay tiền mua nhà ở với lãi suất thấp, Quĩ cũng dành một phần nhất định ưu tiên cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng lưu ý, mặc dù Quĩ Tiết kiệm nhà ở có mục đích duy nhất là giúp người lao động có điều kiện để mua, thuê được nhà, song điều đó không có nghĩa là có Quĩ thì tất cả đều có nhà ở.
Khơi dậy tinh thần“lá lành đùm lá rách”
Để Quĩ Tiết kiệm nhà ở đi vào cuộc sống cần ý thức xây dựng, đóng góp của cả cộng đồng. Nếu những người có nhà ở đàng hoàng rồi không đóng góp cho quĩ này mà chỉ có những người chưa có nhà mới nộp với nhau thì khó đảm bảo tính khả thi. Bởi rõ ràng, những người có khó khăn về nhà ở, không đủ khả năng để tự trang trải cho nhu cầu ở của gia đình mình đều là những người không mấy khá giả, thu nhập không nhiều nhặn gì. Lấy một ví dụ: mức bình quân thu nhập của cán bộ công chức hiện nay 5 triệu đồng mỗi tháng (chưa kể người thu nhập thấp là người lao động bên ngoài có mức lương ít hơn). Nếu lấy 2% lương tháng của 5 triệu đồng để góp vào Quĩ Tiết kiệm nhà ở, một tháng mỗi người góp 100.000 đồng. Như vậy, để mua một căn nhà (căn hộ) giá khoảng 1 tỉ đồng phải cần… 10.000 người với số tiền góp như trên. Và để mua ba căn nhà, cần đến 30.000 người góp! Một con số khổng lồ. Đó là chưa kể việc "xoay tua" mua nhà trong số 30.000 người trên sẽ thực hiện ra sao?... Việc nêu ví dụ trên để cho thấy, có được nhà ở, bản thân người thu nhập thấp khó có thể tự xoay sở được với nhà ở. Và bên cạnh việc thành lập Quĩ, cần có thêm chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Đặt giả thiết, nếu tỉ lệ người tự nguyện đóng quĩ quá nhỏ thì sẽ rất khó để định hình và phát huy tác dụng của mô hình Quĩ Tiết kiệm nhà ở. Thực tế, lãi suất huy động tiết kiệm vào thời điểm hiện nay là 14%/năm, nếu so với mức lãi suất 3 - 5% của quĩ, chắc hẳn sẽ khó huy động được nguồn lực trong dân. Một băn khoăn khác nữa là quản lý Quĩ thế nào để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả. Người đóng góp quan tâm tới việc cho vay và phát triển nhà ở xã hội được tiến hành ra sao, làm sao để đảm bảo các đối tượng được hưởng lợi một cách bình đẳng.
Vậy làm thế nào để những người đã an cư, những người có mức thu nhập khá và cao trong xã hội tự nguyện tham gia vào Quĩ Tiết kiệm nhà ở? Mấu chốt ở chỗ khơi dậy được tinh thần "lá lành đùm lá rách" của dân tộc ta, cần tuyên truyền và giáo dục để sự phát triển của cộng đồng, của xã hội trở thành niềm hạnh phúc cho mỗi người, mỗi nhà.