Đưa quyền lực vào “lồng kiểm soát”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng, bổ nhiệm thần tốc hay “cả họ làm quan”, đó là những cụm từ xuất hiện ngày càng nhiều thời gian qua, làm nhức nhối dư luận.

 Nguyên nhân của tình trạng này do việc kiểm soát quyền lực chưa tốt dẫn đến một số người đứng đầu lạm quyền, lộng quyền. Để bịt những lỗ hổng, các cơ chế để đưa quyền lực vào “lồng kiểm soát” đang ngày càng hoàn thiện mạnh mẽ hơn.
Tha hóa quyền lực
Soi rọi vào tư tưởng Hồ Chí Minh có thể thấy, sinh thời, Người đã sớm nhìn ra và cảnh báo những căn bệnh nguy hiểm từ sự tha hóa quyền lực. Ngày 17/10/1945, trong Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng đăng trên Báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ ra các thói xấu cần phải lên án, như: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo.
 Cử tri thị xã Sơn Tây phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tháng 4/2019. Ảnh: Phạm Hùng
Rồi hiện tượng con quan thì lại làm quan, “cài cắm” người nhà vào các vị trí lãnh đạo, ưu tiên tuyển dụng người thân, ghen ghét, đố kỵ người tài là một vấn nạn trong không ít cơ quan hành chính thời bấy giờ cũng được nhắc nhở.
Những hiện tượng “tha hóa quyền lực” đã từng được nhắc đến ấy nay đang xảy ra ngày càng nhiều. Chưa bao giờ những sai phạm của cán bộ, thậm chí cán bộ các cấp lại đặc biệt nghiêm trọng đến thế, hàng loạt cán bộ cấp cao bị kỷ luật, vướng vòng lao lý, có nguyên nhân lớn từ lạm quyền.
Nhiều ý kiến đã nhận định, một quan điểm cần được luôn luôn nhận thức đúng đắn: Người làm giáo dục phải được giáo dục nghiêm túc, người lãnh đạo, quản lý phải được quản lý, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ. Nhưng tình trạng buông lỏng quản lý và giám sát, kiểm soát quyền lực đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp và các lĩnh vực đã để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng.
Hàng loạt vụ việc được coi là “dẫn chứng điển hình” tình trạng lạm quyền, lộng quyền như vụ Trịnh Xuân Thanh chạy chức, chạy quyền để được quy hoạch, luân chuyển sai quy định mặc dù trước đó dính vào tham nhũng nghiêm trọng. Rồi hiện tượng thăng tiến một cách “thần tốc” như bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa; vụ bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng, 26 tuổi, quê ở Bắc Ninh đảm nhiệm chức vụ Phó Vụ trưởng khi ông này không làm việc tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, không nhận lương và đang đi du học tự túc tại Nhật Bản; vụ Lê Phước Hoài Bảo (con trai ông Lê Phước Thanh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) nhận được nhiều ưu ái, thăng tiến thần tốc sai quy định, từng trở thành Giám đốc sở trẻ nhất nước… Từ các vụ việc này, đã “lộ” ra hàng loạt những sai phạm khác trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp…
Rất nhiều trường hợp dựa vào "con ông cháu cha" hoặc các quan hệ để thăng tiến thần tốc, "phá vỡ" quy trình công tác cán bộ. Đáng nói nữa là hiện tượng tham nhũng quyền lực, tham nhũng trong xin - cho các dự án đầu tư, biến cổ phần hóa thành “chia phần hóa”… khiến hàng loạt cán bộ bị xử lý kỷ luật. Đặc biệt, hàng loạt tướng lĩnh trong lực lượng công an, quân đội cũng vừa bị kỷ luật và thậm chí bị xử lý hình sự cũng bởi sự lạm quyền như ông Phan Văn Vĩnh, ông Nguyễn Thanh Hóa, Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành.
 Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính điện tử tại UBND huyện Quốc Oai. Ảnh: Công Hùng 
Lạm quyền, diễn ra ở cả T.Ư và địa phương, với những biến thể khác nhau và trở thành một hiện tượng khá nghiêm trọng trong các vụ việc vừa qua. Như ông Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam) nhận định, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lạm quyền, nhưng đều vì lợi ích cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích. Biến tướng nhiều, nhưng biểu hiện chung nhất ở việc "trên chưa cho phép nhưng dưới vẫn làm, trên bảo nhưng dưới không làm".
Xây “lồng cơ chế”
“Đã là lãnh đạo thì ai cũng muốn sử dụng quyền lực để phục vụ lợi ích cá nhân, cho gia đình họ. Điều quan trọng là có kiểm soát được quyền lực để họ không lộng quyền, lạm quyền hay không”. Đó là quan điểm được nhiều người đưa ra. Như nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư Lê Quang Thưởng nhận định: Để xảy ra những vi phạm thời gian qua cũng cho thấy đang tồn tại lỗ hổng trong công tác kiểm soát quyền lực, buông lỏng trong việc kiểm tra, giám sát, giáo dục cán bộ.
Khi bố trí một cán bộ vào những vị trí có chức, có quyền mà lại thiếu kiểm soát, giám sát, người kém bản lĩnh sẽ dễ sa ngã, vi phạm, lợi ích nhóm, chưa nói đến việc con người vốn ham vật chất, tham danh vọng... Điều đó cho thấy kiểm soát quyền lực cho hiệu quả thực sự là yêu cầu cấp bách nhằm ngăn chặn kịp thời các kẽ hở, lỗ hổng phát sinh tham nhũng.
Quá trình xây “lồng cơ chế” để “nhốt quyền lực” đang được thể hiện rõ trên thực tế. Hàng loạt quy định đã được ban hành như về luân chuyển cán bộ; phân cấp quản lý và giới thiệu cán bộ ứng cử; khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ; quy định về trách nhiệm nêu gương… Một trong những điểm luôn được nhấn mạnh là cán bộ phải tuyệt đối không tham vọng quyền lực; không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và tuyệt đối không để người thân, quen lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để trục lợi. Vấn đề hiện nay là đã định rõ khung, lượng rồi, phải làm tốt cơ chế vận hành việc kiểm soát quyền lực, làm rõ ai kiểm soát, kiểm soát ai, kiểm soát những nội dung gì, bằng công cụ gì, thước đo gì.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), phải làm tốt hơn việc kiểm soát quyền lực ở bộ máy quản lý và cơ sở kinh tế của nhà nước. Cán bộ có chức có quyền mà không trong sạch, móc ngoặc với nhau để hình thành nhóm lợi ích gây thiệt hại rất lớn cho đất nước. Những sai phạm về kinh tế tại các vụ án đang xét xử là ví dụ điển hình, gây thất thoát, lãng phí tài sản ghê gớm.
Để kiểm soát được quyền lực đối với cán bộ lãnh đạo thuộc cấp nào quản lý, cấp đó phải nắm chắc về người cán bộ đó, mạnh yếu ra sao, làm việc như thế nào, mọi biến động của người cán bộ đó như thế nào cũng phải biết rõ. “Việc kiểm soát quyền lực của cán bộ lãnh đạo cần phải dựa vào dân vì nếu không có
Nhân dân thì không thể kiểm soát được. Người dân chính là “tai mắt” của Đảng, Nhà nước khi luôn sẵn sàng phản ánh về những cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu để cấp quản lý biết mà xử lý. Đây cũng chính là quyền dân chủ trực tiếp, quyền làm chủ của Nhân dân...” - PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định.
Mạnh tay chống “chạy chức, chạy quyền”
Thực tế cũng cho thấy, tha hóa quyền lực trong công tác cán bộ là khởi đầu của mọi hành vi vi phạm. Bởi kiểm soát quyền lực chính là kiểm soát con người. Một quy trình dù chặt chẽ đến mấy nhưng đều có thể bị hình thức hóa; cơ chế tập trung và dân chủ có thể bị vô hiệu hóa bởi sự lệch chuẩn giá trị, bị chi phối bởi lợi ích nhóm và sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống của cá nhân của người có thẩm quyền và cán bộ tham mưu.
Những người sẵn sàng bỏ tiền “chạy chức, chạy quyền”, về bản chất, khi có chức, có quyền họ sẽ luôn tìm mọi cách bất chấp quy định, chà đạp mọi tiêu chuẩn đạo đức, lạm dụng tối đa quyền lực để nhũng nhiễu, bóp méo chính sách, thu lợi bất chính nhằm “hoàn vốn”. Bởi thế, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống “chạy chức chạy quyền” được nhắc đến là một khâu trọng yếu để bịt những lỗ hổng khác.
Quy định 205 của Bộ Chính trị “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” vừa được ban hành đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và người dân bởi lần đầu tiên việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ được đề cập “trực diện và rõ nét”. Quy định đã nhấn mạnh "kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ" để các cơ quan, cá nhân được giao làm công tác cán bộ phải thực thi đúng quyền hạn của mình.
Không được lợi dụng quyền hạn. Như vậy để tạo ra chuyển biến tích cực hơn trong công tác cán bộ, đồng thời kiểm soát được các hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định này cũng được đánh giá là kịp thời để ngăn chặn tình trạng lộng quyền, lạm quyền và có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe những tổ chức, cá nhân đang có ý định “chạy chức, chạy quyền”.
Ông Nguyễn Túc nhận định, dù các cơ chế kiểm soát quyền lực đã được chú trọng hơn, nhưng tham nhũng quyền lực, thoái hóa, biến chất vẫn thể hiện qua việc chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển… tức là vẫn chưa giảm hẳn được. Đây là thời điểm chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, do đó Quy định này của Bộ Chính trị được ban hành nhằm ngăn chặn, cảnh báo, Đại hội Đảng các cấp cần phải quán triệt những tư tưởng, quy định đó, không cho những phần tử thoái hóa, biến chất, những đối tượng tham nhũng, “chạy chức chạy quyền” lọt vào các cấp ủy đảng.
Quan trọng nhất, quy định đã thể hiện được tính thời điểm, góp phần ngăn chặn ngay những người có ý đồ không tốt phải từ bỏ ý định. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế từ Đảng đến chính sách pháp luật, áp dụng những hình thức xử lý mạnh mẽ; chú trọng rèn luyện đạo đức, phẩm chất cho cán bộ, bởi bản thân họ phẩm chất không tốt thì kiểm soát thế nào họ cũng có cách để lạm quyền.
Đồng thời với đó, một số ý kiến còn cho rằng, để tránh lạm quyền, không chỉ cần có cơ chế kiểm soát mà còn cần phải có cả tổ chức để kiểm soát quyền lực, cũng như quy trình để đánh giá, kiểm soát từng chức vụ, từng cán bộ có chức, có quyền thì mới phòng ngừa được các biểu hiện tiêu cực.

"Đã giao quyền lực cho cán bộ đến đâu thì phải giám sát quyền lực đến đó. Quyền lực không được giám sát sẽ dẫn đến tha hóa, đó là quy luật. Trong các giải pháp đã được đưa ra, nhóm giải pháp quan trọng không thể không nhắc đến đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của người dân, MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội cũng như các cơ quan báo chí, có một cơ chế thực sự rõ ràng để thực hiện điều này. Bởi tai mắt của Nhân dân là một trong những thước đo quan trọng để nhận biết, đánh giá những kẻ “chạy chức”, “chạy quyền”.

“Bộ lọc Nhân dân” là bộ lọc chính xác nhất. Phải đặt công tác cán bộ dưới ánh sáng, vì nếu càng bí mật, càng “chạy chức”, “chạy quyền”, khó kiểm soát quyền lực. Chọn cán bộ lãnh đạo thì người dân, các thành viên trong đơn vị phải được biết người nào là tốt nhất, giỏi nhất." - PGS.TS Lê Văn Cương

- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an

"Nhiều năm trở lại đây, vấn đề "chạy chức, chạy quyền", bổ nhiệm "người nhà", "người thân", bổ nhiệm "thần tốc"… gây ra rất nhiều bức xúc trong dư luận. Thiếu sót trước đây trong bổ nhiệm cán bộ là do chúng ta trao chức, trao quyền quá lớn, nhưng không có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực.

Do vậy, phải kiểm soát quyền lực bằng giám sát để những người có chức, quyền thấy rằng quyền càng cao, thì trách nhiệm của họ càng lớn và vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 vào thời điểm này là rất đúng và kịp thời. Quy định đã đề ra nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền, lạm dụng quyền lực, đặc biệt là đề ra quy định để phát huy vai trò giám sát của MTTQ.

Bởi thực tế, người ta có thể chạy được ông A, ông B, ông C…; có thể che giấu vi phạm trước cơ quan thanh tra, kiểm tra nhưng làm sao mà che giấu được "tai mắt" của tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở. Vấn đề là phải khơi dậy được sự tham gia của người dân, có những tiếng nói thẳng, nói thật, để góp phần giám sát quyền lực, để hệ thống chính trị sạch hơn, tốt hơn như Bác Hồ đã nói “đánh chuột nhưng không được vỡ bình ngọc”." - Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam (Trần Hà ghi)


Những hiện tượng “tha hóa quyền lực” đã từng được nhắc đến ấy nay đang xảy ra ngày càng nhiều. Chưa bao giờ những sai phạm của cán bộ, thậm chí cán bộ các cấp lại đặc biệt nghiêm trọng đến thế, hàng loạt cán bộ cấp cao bị kỷ luật, vướng vòng lao lý, có nguyên nhân lớn từ lạm quyền.