Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đua tài trực tiếp

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc vận động tranh cử tổng thống ở nước Mỹ năm nay đến giai đoạn vừa là đỉnh cao vừa là nước rút với cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình giữa hai ứng cử viên: Tổng thống đương nhiệm Donald Trump phe Cộng hoà và cựu Phó Tổng thống Joe Biden phía Dân chủ.

Hai cuộc đua tài trực tiếp còn lại giữa 2 người này sẽ diễn ra trong các ngày 15 và 22 tháng 10 tới đây.
Từ nhiều thập kỷ nay tại nước Mỹ, các cuộc tranh luận trực tiếp như thế này là cơ hội gần như cuối cùng trước ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống để các ứng cử viên thể hiện trước cử tri Mỹ những năng lực của họ, hoặc chỉ ra những yếu kém của đối thủ chính trị để thuyết phục cử tri bỏ phiếu ủng hộ mình, hoặc ít nhất thì cũng không ủng hộ đối thủ chính trị. Diễn biến các cuộc tranh luận này có tác động không hề nhỏ tới tâm lý và nhận thức của cử tri, qua đó tới kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống.
Ông Trump và ông Biden có lợi thế và điểm yếu rất khác nhau khi bước vào các cuộc tranh luận này. Lợi thế của ông Biden là được cử tri Mỹ tín nhiệm hơn hẳn ông Trump. Nếu đa số phiếu bầu phổ thông chứ không phải đa số đại cử tri quyết định ai thắng ai thua trong cuộc bầu cử tổng thống thì ông Trump không thể thắng nổi ông Biden giống như lẽ ra đã không thể trở thành tổng thống Mỹ cách đây 4 năm.
Hệ thống bầu cử ở Mỹ đã giúp Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ năm 2016. Hệ thống này năm nay gây bất lợi cho ông Biden. Lợi thế của ông Trump là bộ phận cử tri trung thành rất ổn định, trong khi có bộ phận cử tri không nhỏ tuy không tín nhiệm ông Trump nhưng lại không muốn bầu ông Biden.
Cho nên sách lược của ông Trump ở các cuộc tranh luận trực tiếp này là tập trung chủ yếu vào công kích ông Biden. Muốn giành về phần thắng, ông Biden phải thể hiện trước cử tri Mỹ để thuyết phục họ thật sự tin và công nhận ông là sự lựa chọn tốt hơn ông Trump. Nếu không, vận may đắc cử sẽ không đến với ông Biden.