Đưa văn hóa Việt Nam hội nhập toàn cầu
Kinhtedothi – Trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng các sản phẩm, thương hiệu văn hóa có chất lượng và năng lực cạnh tranh toàn cầu là nhiệm vụ rất quan trọng.
Phát huy, quảng bá văn hóa dân tộc
Trong bài viết "Vươn mình trong hội nhập quốc tế", Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, hội nhập quốc tế là “đặt đất nước vào dòng chảy chính của thời đại, đập cùng nhịp đập, thở cùng hơi thở của thời đại”, gia tăng sức mạnh của mình thông qua việc gắn kết với thế giới. Đất nước ta đang bước vào Kỷ nguyên vươn mình tới thịnh vượng, hùng cường, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đòi hỏi phải có tâm thế, vị thế mới và tư duy, cách tiếp cận mới về hội nhập quốc tế.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn cách mạng hiện nay được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh cần triển khai quyết liệt, hiệu quả là đẩy mạnh hội nhập toàn diện về văn hoá, xã hội, du lịch, môi trường, giáo dục - đào tạo, y tế và các lĩnh vực khác. Trong đó, về văn hoá, hội nhập nhưng phải gắn với bảo tồn, phát huy và quảng bá văn hóa dân tộc; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp nội dung, các sản phẩm, thương hiệu văn hóa có chất lượng, năng lực cạnh tranh toàn cầu.

MV "Bắc Bling" mang đậm bản sắc văn hóa dân ca quan họ Bắc Ninh của Hòa Minzy gây sốt trên mạng xã hội toàn cầu. Ảnh: NVCC
Vấn đề quốc tế hóa nền văn hóa Việt Nam thời gian qua cũng được Đảng, Nhà nước, ngành VHTT&DL, các địa phương, đơn vị nghệ thuật cũng như giới nghệ sĩ quan tâm. Nghị quyết 33-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng nhấn mạnh nhiệm vụ, phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đồng thời chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc.
Thời gian qua, nhiều sản phẩm văn hóa như âm nhạc, xiếc, múa rối… của Việt Nam gây ấn tượng mạnh với công chúng quốc tế, thậm chí trở thành trào lưu gây sốt trên mạng xã hội. Có thể kể đến như bài hát “See tình” với điệu nhảy đặc trưng của Hoàng Thùy Linh từng gây bão mạng xã hội toàn cầu, được nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng trên thế giới cover lại. Hay các ca khúc “Ngây thơ” của Tăng Duy Tân”, “Dễ đến dễ đi” của Quang Hùng MasterD… cũng được khán giả Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đón nhận nhiệt tình.
Mới đây, MV “Bắc Bling” mang đậm màu sắc văn hóa dân gian quan họ Bắc Ninh của Hòa Minzy cũng trở thành hiện tượng toàn cầu khi chạm mốc 100 triệu lượt xem trên YouTube chỉ trong vòng chưa đầy một tháng ra mắt (tính đến ngày 3/4, MV đạt gần 115 triệu lượt xem). Lượt xem của “Bắc Bling” vượt xa nhiều sản phẩm ra cùng thời điểm của một số ngôi sao quốc tế, thậm chí có thời điểm vươn lên dẫn đầu mục MV ra mắt ấn tượng toàn cầu của YouTube Charts.
Đặc biệt, trên kênh TikTok cá nhân ngày 26/3, Thủ tướng Singapore Laurence Wong đã đăng video ngắn về ngày đầu của chuyến thăm Việt Nam, được dựng trên nền nhạc “Bắc Bling” remix, thu hút hơn 300.000 lượt thích.
Tại buổi đối thoại với thanh niên năm 2025 tổ chức ngày 24/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhắc tới tác phẩm "Bắc Bling” (Bắc Ninh), góp phần quốc tế hóa nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam ra thế giới và dân tộc hóa văn minh nhân loại vào đất nước ta.

Biểu diễn nghệ thuật tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Lại Tấn
“Thanh niên đi đầu trong việc số hóa dữ liệu về các di sản văn hóa, các địa chỉ đỏ; tạo nhiều nền tảng trực tuyến đã giới thiệu nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương. Nhiều nghệ sĩ trẻ đã kết hợp, lồng ghép âm nhạc dân gian với nhạc đương đại, thu hút số lượng kỷ lục người xem” – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ.
Xây dựng thương hiệu văn hóa có sức cạnh tranh toàn cầu
Theo Bộ VHTT&DL, thời gian qua, các loại hình mới như chương trình biểu diễn thực cảnh, tái hiện lại nét văn hóa hoặc một giai đoạn lịch sử đã góp phần đưa văn hóa Việt đến gần hơn với thế giới; phát huy tối đa giá trị văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc; tạo thêm sản phẩm đặc sắc cho du lịch văn hóa của các địa phương. Bên cạnh đó, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa góp phần tăng cường sức mạnh mềm quốc gia, xây dựng và khẳng định thương hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa chất lượng cao và mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
Nhiều di sản văn hóa có giá trị của Việt Nam được UNESCO công nhận và ghi danh, tô sáng thêm hình ảnh Việt Nam trên bản đồ di sản thế giới. Các hoạt động đối ngoại về VHTT&DL, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài tiếp tục được đẩy mạnh.
Sự phát triển bùng nổ của công nghệ số, các nền tảng mạng xã hội cho phép âm nhạc, nghệ thuật hiện đại có thể vượt ra ngoài biên giới, tiếp cận sâu rộng hơn với công chúng quốc tế. Phát biểu tại hội thảo quốc tế "Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", xin ý kiến chuyên gia xây dựng Đề án "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế" tổ chức sáng 3/4 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Phương Hòa cho biết, quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh phát triển đất nước nhanh và bền vững; nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Quang cảnh hội thảo quốc tế "Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" ngày 3/4. Ảnh: Nam Nguyễn
Đề án "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế" cũng kỳ vọng sẽ chiếm lĩnh đỉnh cao mới trong sáng tạo nghệ thuật, tạo ra các tác phẩm đẳng cấp thế giới; hình thành các sản phẩm, thương hiệu văn hóa có chất lượng, năng lực cạnh tranh toàn cầu, xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ văn hóa ra nước ngoài. Đồng thời, xây dựng Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các sự kiện văn hóa, nghệ thuật tầm cỡ quốc tế.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTT&DL Lê Hải Bình, Việt Nam là một đất nước có hơn 4.000 năm lịch sử, trải qua nhiều sự biến đổi, thăng trầm do thiên nhiên và con người gây ra, đã tích luỹ, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, làm nên hồn cốt, sức mạnh của dân tộc; đồng thời tiếp thu và góp phần đóng góp vào nền văn hóa chung của nhân loại. Văn hóa đã đồng hành cùng dân tộc, góp phần đưa Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại.
"Những thành tựu nổi bật của đất nước, của dân tộc, đặc biệt trong 40 năm đổi mới vừa qua, với vai trò không thể thiếu của văn hóa, là nền tảng và điều kiện quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" - Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình chia sẻ.
Tại buổi làm việc mới đây về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa năm 2025, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các đơn vị phải huy động nguồn lực, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đoàn nghệ thuật, công ty tổ chức sự kiện tư nhân tham gia vào quá trình nghiên cứu, hướng tới xuất khẩu văn hóa, đặc biệt ở các loại hình nghệ thuật như xiếc và múa rối.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị, những chương trình nghệ thuật khi biểu diễn ở nước ngoài phải mang đậm bản sắc, có sự tính toán kỹ về thị trường. Trước mắt, phải tập trung vào những thị trường có đông người Việt Nam sinh sống, tổ chức ở các quốc gia Việt Nam đã ký kết văn kiện hợp tác về văn hóa. “Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam đi đôi với bảo tồn văn hóa truyền thống thông qua các chương trình nghệ thuật chất lượng” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Quốc tế hóa nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Kinhtedothi - Tại hội nghị đối thoại với thanh niên Việt Nam năm 2025 ngày 24/3, Thủ tướng nhắc tới MV "Bắc Bling (Bắc Ninh)", góp phần quốc tế hóa nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam ra thế giới và dân tộc hóa văn minh nhân loại vào đất nước ta.
Phát huy giá trị, nâng tầm di sản văn hóa
Kinhtedothi - Việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; nhiều khu vực, di tích, di sản, công trình được tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa... là những vấn đề được quy định rõ trong Luật Thủ đô 2024.

Nhiều hoạt động hấp dẫn tôn vinh sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam
Kinhtedothi - Hưởng ứng tôn vinh Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), từ ngày 1/4 - 4/5, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc với chủ đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam”.