Mở cửa thị trường tiêu thụ
Chia sẻ tại Hội nghị hợp tác quốc tế ngành nông nghiệp tổ chức chiều 10/2, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đánh giá công tác hợp tác quốc tế đóng vai trò ngày càng quan trọng, hỗ trợ cho mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực. Thông qua đó, nâng cao sức cạnh tranh, tạo điều kiện để tăng thu nhập, việc làm cho bà con nông dân, đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và toàn cầu.
Việt Nam đã tham gia và đang triển khai 16 Hiệp định thương mại tự do, tiếp tục đàm phán Hiệp định thương mại tự do mới với Israel và Canada. Về cơ bản, tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết FTA với tất cả các thị trường xuất khẩu nông lâm thuỷ sản trọng điểm. Đây là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh về giá (do giảm thuế) khi xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Trong giai đoạn 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam đã tăng từ 27,4 tỷ USD năm 2013 lên 53,2 tỷ USD năm 2022 (mức tăng trưởng trung bình đạt 9,4%/năm).
Việc ký kết và triển khai các FTA đã tạo ra cơ hội lớn của xuất khẩu nông lâm thuỷ sản. Năm 2022 mặc dù trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, xung đột Nga-Ukraine dẫn tới khủng hoảng về năng lượng và phân bón, tác động của biến đổi khí hậu nhưng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam tiếp tục đạt kỷ lục mới 53,2 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021.
Công tác mở cửa thị trường đã có nhiều bước tiến nổi bật như việc mở cửa thị trường cho sầu riêng, khoai lang, tổ yến sang Trung Quốc, bưởi sang Hoa Kỳ, thịt gà chế biến sang Nhật Bản, bưởi và chanh sang New Zealand… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đối diện và đã vượt qua các cuộc điều tra về yêu cầu kỹ thuật để duy trì các thị trường quan trọng cho nông sản Việt xuất khẩu, đưa hàng hóa nông sản của Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, thể hiện trách nhiệm với an ninh lương thực thế giới.
Cũng theo đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã và đang tích cực thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA); trao đổi kinh nghiệm xây dựng và chuyển giao công nghệ giúp ngành nông nghiệp có thể đẩy nhanh quá trình tiếp cận nền khoa học tiên tiến, trình độ lãnh đạo và quản lý kinh tế hiện đại, nhất là trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Đổi mới, nâng cao chất lượng thể chế
Biểu dương những nỗ lực của đội ngũ hợp tác quốc tế, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đồng thời nhấn mạnh: Công tác hợp tác quốc tế luôn cần đi trước một bước để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi thách thức, tận dụng mọi cơ hội với những cách làm sáng tạo, phục vụ đắc lực cho chủ trương của Đảng và Nhà nước cho vấn đề “tam nông”, xoay quanh 3 trụ cột: Nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân thông minh.
Tư duy phát triển nông nghiệp cần chuyển từ “sản xuất” sang “kinh tế”; từ thiên về năng suất, sản lượng sang tích hợp đa giá trị; từ tận dụng, khai thác sang sử dụng hợp lý, nuôi dưỡng, làm giàu tài nguyên, phục vụ nhu cầu bền vững; từ ngắn hạn, cục bộ sang dài hạn, kết nối liên vùng, liên khu vực; từ cung ứng những mặt hàng có thể sản xuất sang đáp ứng đa dạng nhu cầu theo chuỗi giá trị, hoà nhập với các xu thế phát triển toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, những tư duy mới trong phát triển nông nghiệp đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước khẳng định với cộng đồng quốc tế. Đó là mục tiêu tạo dựng hình ảnh nông nghiệp Việt Nam trở thành nhà sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm “minh bạch - trách nhiệm - bền vững” tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp quốc tháng 9/2022 vừa qua. Đó là cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu toàn cầu (COP26): Việt Nam sẽ trở thành quốc gia trung hòa các-bon vào năm 2050.
Với tầm nhìn đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam có thể tự tin hướng đến khát vọng về một nền nông nghiệp sinh thái, tiên tiến, tích hợp đa giá trị, kết hợp hài hoà tài nguyên bản địa, bản sắc văn hoá, niềm tin xã hội với khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Để tăng cường hiệu quả của công tác hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới, tư lệnh ngành NN&PTNT đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thể chế, nhất là việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng về kinh tế đối ngoại, bảo đảm phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế. Chủ động tham mưu, dự báo tình hình biến động thị trường, chính sách và giải pháp trong quan hệ với các đối tác quốc tế.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội trong đàm phán tiếp cận và mở cửa thị trường, triển khai các Hiệp định thương mại tự do, xử lý rào cản thương mại, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư để phát huy lợi thế tốt nhất của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam. Xây dựng và nâng cao uy tín hình ảnh nông nghiệp Việt Nam có chất lượng, bền vững, nhân văn, có trách nhiệm và là đối tác tin cậy với cộng đồng quốc tế. Triển khai thực chất và có hiệu quả các điều ước, thỏa thuận quốc tế đã ký kết.