Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đức: Tất cả là tại khí đốt của Nga?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Đức đang một lần nữa là "người bệnh của châu Âu'" - Hans Werner Sinn, Chủ tịch danh dự của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, nhận định thách thức đặt ra với nền kinh tế số 1 châu Âu, đặc biệt là về chiến lược năng lượng của nước này.

Biệt danh "người bệnh của châu Âu" của Đức lại nổi lên trong những tuần gần đây khi sản lượng sản xuất tiếp tục trì trệ tại nền kinh tế lớn nhất khu vực, và quốc gia này đang phải vật lộn với giá năng lượng cao.

Tên gọi đáng buồn này ban đầu được sử dụng để mô tả nền kinh tế Đức vào năm 1998 - thời điểm nước này đang nỗ lực vượt qua những thách thức tốn kém của nền kinh tế hậu thống nhất.

"Điều đó (sự suy yếu của nền kinh tế Đức) không phải là một hiện tượng ngắn hạn" - chuyên gia kinh tế hàng đầu Han Werner Sinn nói với CNBC tại Diễn đàn Ambrosetti ở Italia hôm 1/9 - "Nó liên quan đến ngành công nghiệp ô tô, vốn là trung tâm của ngành công nghiệp Đức và có nhiều thứ phụ thuộc vào đó".

Theo dữ liệu của cơ quan thống kê liên bang, ô tô là sản phẩm xuất khẩu chính của Đức trong năm ngoái, chiếm 15,6% giá trị hàng hóa bán ra nước ngoài.

Tháng 5/2022, Đức báo cáo thâm hụt thương mại nước ngoài lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, với tổng trị giá 1 tỷ euro (1,03 tỷ USD). 

Cũng theo cơ quan thống kê liên bang, Đức kể từ đó đã quay trở lại trạng thái thặng dư thương mại, lên tới 18,7 tỷ euro vào tháng 6/2023, nhưng xuất khẩu vẫn ghi nhận mức phục hồi chậm chạp.

Ông Sinn cho rằng, những nghi ngờ của nhà đầu tư về tính khả thi trong các mục tiêu bền vững của Đức đã góp phần làm "sống dậy" biệt danh "người bệnh của châu Âu" lúc này.

Một mục tiêu hiện đang nằm trong tầm ngắm của Chính phủ Đức là trở thành nền kinh tế "trung hòa carbon" vào năm 2045. Những kế hoạch này sau đó được đẩy nhanh khi châu Âu tìm cách tách mình ra khỏi nguồn cung cấp khí đốt của Nga, kể từ sau khi Điện Kremlin tiến hành chiến dịch quân ở Ukraine và giá cả tăng vọt.

Nhưng nhiều ý kiến đã mô tả tham vọng của Đức trong việc loại bỏ khí đốt của Nga là "quá lạc quan", đặc biệt là khi gắn với các mục tiêu khí hậu của đất nước. Phát biểu tại Diễn đàn Ambrosetti, chuyên gia Sinn cho biết việc phụ thuộc vào các công nghệ tái tạo như gió và mặt trời sẽ gây ra nhiều "biến động", ảnh hưởng lớn đến các DN.

"Một mặt là năng lượng xanh tốn kém và mặt khác là thiếu nguồn năng lượng truyền thống" - ông Sinn nói - "Chi phí năng lượng đang cao gấp đôi và điều này không tốt cho ngành công nghiệp. Đó là một bài toán vô cùng khó khăn với Đức". 

Theo một nghiên cứu được Berenberg công bố hồi tháng 8 vừa qua, Đức có thể mất 2 - 3% công suất công nghiệp hiện tại khi các công ty chuyển sản xuất sang những quốc gia có giá khí đốt và điện rẻ hơn, chẳng hạn như Mỹ hay Ả Rập Saudi.

Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Berenberg, viết trong báo cáo rằng chính sự thiếu chắc chắn về giá năng lượng đã góp phần khiến tâm lý kinh doanh lao dốc. Đáng nói, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy công chúng không hài lòng với quá trình chuyển đổi sang một châu Âu bền vững hơn.

Chuyên gia Sinn của Ifo thì dự báo rằng sẽ có sự phân nhánh chính trị xoay quanh yếu tố bền vững này, khi đề cập đến sự phổ biến của đảng cánh hữu AfD đang nổi lên - vốn theo đuổi chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hội đồng quận lần đầu tiên hồi tháng 6 năm nay.