Một nghiên cứu thực tế về áp lực cuộc sống cũng cho thấy: Lứa tuổi vị thành niên phải chịu "áp lực giáo dục" chiếm tỉ lệ cao nhất. Việc học hành quá sức và áp lực nặng nề trong việc học tập đã khiến nhiều trẻ em sống kém vui và già trước tuổi. Ngày càng có nhiều học sinh phàn nàn vì quá mệt mỏi với lịch học dày đặc, sáng học chính khóa, chiều tăng tiết, tối làm bài tập tới khuya. Thứ Bảy, Chủ nhật cũng phải đi học thêm.
Nhiều phụ huynh học sinh đầu tư cho con ngay từ lớp một. Và cũng rất nhiều người quan niệm rằng khi bố mẹ đã "đầu tư" tiền của cho con đi học thêm, thì tỉ lệ thuận với đó, con cái học giỏi là điều hiển nhiên. Chính với suy nghĩ đó, có những bậc bố mẹ, con mới học lớp một nhưng bị điểm dưới 9 là bị đánh mắng, phạt đứng úp mặt vào tường, không cho đi chơi. Có những bố mẹ có học thức hẳn hoi, bình thường cư xử rất nhã nhặn, nhưng lại không giữ nổi bình tĩnh khi con bị điểm kém hoặc không có thành tích cao trong học tập; thậm chí họ còn mắng con bằng những lời nhục mạ.
Sự mong mỏi vào những thành tích vượt trội nhiều khi thái quá đã khiến người lớn chúng ta có tâm lý sốt ruột và biến môi trường sống của các em thành môi trường chỉ biết có học và học. Với kỳ vọng quá nhiều về con cái và đặt ra mục tiêu quá cao cho con phấn đấu, nhiều cha mẹ vô tình đã làm cho việc học trở thành sự áp lực. Điều này, đôi khi khiến cho trẻ rơi vào tình trạng cận kề với bệnh tâm lý. Một cô giáo đã tâm sự, chính bản thân cô, lúc đầu cũng đã đặt ra mục tiêu rất cao và kỳ vọng nhiều vào con. Cho đến một ngày, cô nhận thấy con mình ngày càng có những biểu hiện quá lo lắng, sợ hãi, lập tức cô điều chỉnh lại bản thân. Cô không kỳ vọng nhiều nữa, mà chỉ làm hết khả năng có thể giúp cho con, động viên con học hết sức mình.
Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, nếu bố mẹ ép buộc con cái thì các em sẽ không được thoải mái và phụ huynh sẽ thất vọng nếu con cái không học được. Thay vì quá kỳ vọng, bố mẹ cần phải tự hỏi lại xem con cái mình có khả năng đến đâu, hướng con mình phát huy hết sở trường. Tránh để trường hợp khi ước nguyện của mình không thành, thì sẽ gay gắt và khó chịu với con, khiến con cái bị chấn động nặng nề vì áp lực tâm lý.