Dùng cát biển làm cao tốc: Liều thuốc giải cho “căn bệnh” thiếu vật liệu

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Căn bệnh trầm kha” mang tên thiếu vật liệu tại các dự án cao tốc có thể sắp tìm ra “thuốc giải” với những tín hiệu đáng mừng đến từ cuộc thử nghiệm với cát biển.

Các dự án cao tốc đang thiếu vật liệu, nhất là vật liệu đắp nền.
Các dự án cao tốc đang thiếu vật liệu, nhất là vật liệu đắp nền.

Tín hiệu khả quan

Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có những nhận định đầu tiên về khả năng sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền cao tốc. Nhận định được đưa ra sau một thời gian cơ quan này thí điểm dùng cát biển làm nền đường cho dự án cao tốc Hậu Giang – Cà Mau, một dự án thành phần thuộc “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Cụ thể, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường đánh giá sơ bộ rằng, cát biển lấy từ tỉnh Sóc Trăng có thể thay thế cát sông làm vật liệu đắp nền đường. Các tính chất vật liệu của cát biển sử dụng đắp nền đường tương tự như cát sông. Cơ quan này cũng nhận định, việc sử dụng cát biển đắp nền đường không có tác động lớn về chất lượng môi trường xung quanh; độ mặn của nước mặt và nước ngầm trước và sau khi thi công chưa thể hiện rõ ràng.

Trước đó, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã thí điểm dùng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Phạm vi thí điểm thuộc đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978 tại lý trình km 79+820 dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau.

Kết quả đánh giá bước đầu về cát biển đắp nền đường đoạn thí điểm cho thấy, mẫu cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm đảm bảo các yêu cầu đối với vật liệu đắp nền về hàm lượng muối hòa tan (tổng lượng muối hòa tan dưới 5%) và chỉ số sức chịu tải theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9436:2012 về nền đường ô tô.

 

Đáng mừng là đã thử nghiệm trên 1 số tuyến, đoạn tuyến đường bộ, đường tránh, sử dụng thay thế 100% cát thông thường, qua theo dõi quan trắc tiêu chí về lý hoá phù hợp với môi trường. Về vấn đề chịu tải của cát biển khi làm vật liệu đắp nền đường hiện vẫn đang tiếp tục quan trắc từ nay đến cuối năm nhưng kết quả ban đầu khá là khả quan bởi chỉ riêng Sóc Trăng là 14 tỷ m3 cát biển – Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng

Bên cạnh đó, khi đánh giá chất lượng môi trường nước mặt, nước ngầm và đất xung quanh đoạn nền đường đắp bằng cát biển cũng cho kết quả khả quan khi trước và trong khi thi công chưa có bằng chứng cát biển làm tăng độ mặn và hàm lượng clorua trong nước mặt và nước ngầm; việc thi công cũng không ảnh hưởng đến chất lượng đất.

Được biết, hiện đoạn thí điểm đã hoàn thành lớp đắp bằng cát biển, đang thi công lớp đá dăm láng nhựa. Dự kiến đến tháng 12/2023 hoàn thành đến lớp mặt và có thể thông tuyến đoạn thí điểm. Những đánh giá đầy lạc quan về cát biển mà Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường đưa ra mang đến kỳ vọng lớn về một nguồn vật liệu thay thế mới cho cát sông và đất đắp, vốn đáng thiếu trầm trọng tại các dự án cao tốc.

Sử dụng cát biển được kỳ vọng sẽ là lời giải cho bài toán thiếu vật liệu tại các dự án cao tốc hiện nay.
Sử dụng cát biển được kỳ vọng sẽ là lời giải cho bài toán thiếu vật liệu tại các dự án cao tốc hiện nay.

Cần tiếp tục nghiên cứu

Trên thực tế, ngay từ khi ý tưởng sử dụng cát biển làm vật liệu làm cao tốc mới xuất hiện đã nổ ra nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau trong dư luận cũng như giới chuyên môn. Nhiều người cho rằng, nếu cát biển có thể dùng làm vật liệu làm cao tốc thì đây sẽ là giải pháp hiệu quả và có tính khả thi cao. Đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cát sông và các vật liệu đắp nền khác phục vụ những dự án cao tốc đang ngày một khan hiếm. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có ý kiến bày tỏ lo ngại về tác động không tốt về môi trường cũng như hệ sinh thái, địa chất.

Chuyên gia địa chất Nguyễn Phương – Trường Đại học Mỏ Địa chất nhận định, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay có nhu cầu về vật liệu xây dựng rất cao, đặc biệt nhu cầu cát san lấp phục vụ các dự án làm đường cao tốc. Trong khi đó, nguồn cát sông trong khu vực chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu này. Do đó, theo chuyên gia Nguyễn Phương, việc đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm nghiên cứu, khai thác sử dụng nguồn cát đáy biển thay thế dần cát xây dựng trên đất liền là giải pháp hợp lý và có tính khả thi cao.

Đồng quan điểm trên, Tổng cục phó Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Nguyên cũng khẳng định, việc khai thác sử dụng cát biển trong xây dựng hạ tầng là xu hướng tất yếu và hiện nay đã khoanh định được 9 vùng biển có tiềm năng khai thác với trữ lượng khoảng 196 tỷ m3. Đây là nguồn vật liệu lớn có thể giải quyết những vấn đề mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái Đồng bằng Sông Cửu Long Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, việc lấy cát biển làm cao tốc cần phải được nghiên cứu thật kỹ, bởi cát biển vốn không tự sinh ra mà do sông mang lại. Bởi vậy, việc khai thác nguồn cát biển có thể dẫn đến nguy cơ ngăn chặn quá trình kiến tạo đồng bằng. “Cát này là từ sông Mê Kông mang ra. Trong quá trình bồi đắp kiến tạo đồng bằng, cát luôn đi trước để lót nền, rồi sau đó bùn mới bồi lên dần dần. Trong quá trình kiến tạo đồng bằng trong 6.000 năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long tiến ra hướng biển Đông trung bình 16m/năm theo cách này” – Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện phân tích.

Vị chuyên gia này thừa nhận, việc  xây dựng hệ thống đường cao tốc là rất quan trọng, tháo nút thắt cổ chai của nền kinh tế Đông bằng sông Cửu Long tạo sức bật cho sự phát triển nơi đây và tình trạng thiếu cát để làm đường, đặc biệt là cát san lấp nền đường tại các dự án cao tốc ở khu vực này là điều ai cũng biết. Thế nhưng, nếu lấy cát biển làm vật liệu xây cao tốc sẽ đồng nghĩa với làm ngưng quá trình kiến tạo đồng bằng, việc làm này chẳng khác nào mình "tự ăn thịt mình" và chắc chắn sẽ gây gia tăng sạt lở.

 

Bộ GTVT vừa thành lập Tổ công tác để tổ chức nghiên cứu đánh giá về yêu cầu kỹ thuật, công nghệ xử lý cát biển và hiệu quả kinh tế kỹ thuật, bảo vệ môi trường và tiến tới việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức về sử dụng cát biển xây dựng công trình. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản báo cáo Chính phủ về về tình hình sử dụng cát biển thay thế cát sông làm vật liệu cho các dự án và có đánh giá tương tự như đánh giá của Bộ GTVT về việc sử dụng cát biển. Để có thêm số liệu làm cơ sở đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của các biển sử dụng cho dự án xây dựng đường cao tốc, thời gian tới, Bộ GTVTbáo cáo Chính phủ về việc bổ sung lấy mẫu cát biển từ các vùng miền khác nhau để nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện hơn về nguồn và chất lượng cát biển sử dụng cho các công trình xây dựng.