Đừng chỉ vì... tấm bằng
Kinhtedothi - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã khép lại và thời điểm này, hàng triệu thí sinh và gia đình đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời, đó là chọn ngành, chọn trường. Giữa “ma trận” ngành học, trường học, với vô vàn lời quảng bá, bảng xếp hạng và cả những chuẩn mực xã hội, một câu hỏi lớn cần được đặt ra, tấm bằng đại học để “làm sang” hay là hành trình thực chất để lập thân, phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội?
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, chọn đại học không phải là cuộc đua danh giá để khoác lên một cái “mác” trường top, trường danh tiếng, càng không phải là một cuộc chạy đua để đạt được tấm bằng cho bằng bạn bằng bè. Việc học, đặc biệt là học đại học, nên được định nghĩa lại như một hành trình cá nhân hóa, phù hợp với năng lực, sở thích và mục tiêu phát triển của mỗi người.
Thực tế tuyển sinh nhiều năm cho thấy nhiều câu chuyện đáng tiếc. Có những thí sinh đạt 27 - 28 điểm nhưng vẫn trượt hết các nguyện vọng vì đặt cược tất cả vào những ngành có điểm chuẩn chạm ngưỡng tuyệt đối. Có những thí sinh lại bị cuốn vào làn sóng chọn trường theo phong trào, theo mong muốn của cha mẹ hoặc vì “trường đó dễ xin việc sau này”. Điều này dẫn đến tình trạng học không đúng ngành, không yêu nghề, học xong không làm đúng chuyên môn, hoặc tệ hơn, là bỏ cuộc giữa chừng.
Có thể nói, đây là thời điểm vàng để các sĩ tử nghiên cứu thật kỹ về chương trình đào tạo của ngành học, về môi trường, văn hóa và triết lý giáo dục của ngôi trường mà mình muốn theo học. Khi có đủ thông tin, mỗi người sẽ có những lựa chọn sáng suốt và tự tin hơn khi đặt bút đăng ký nguyện vọng trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT.
Hãy nhìn nhận rằng, bằng cấp, tuy giá trị, nhưng không phải là tấm vé thông hành duy nhất. Năng lực thật, kỹ năng mềm, khả năng thích nghi và tinh thần cầu tiến mới là những thứ nhà tuyển dụng tìm kiếm. Thực tế đã chứng minh, nhiều người thành công không nhờ tấm bằng đại học “xịn”, mà nhờ sự say mê với nghề, sự học hỏi không ngừng và quyết tâm theo đuổi đến cùng con đường đã chọn.
Vì thế, việc chọn trường, chọn ngành nên xuất phát từ chính nội lực bên trong của mỗi học sinh. Bởi vậy, hãy chọn một môi trường học tập phù hợp, nơi có thể phát huy hết tiềm năng và hỗ trợ cá nhân trưởng thành, chứ không chỉ là nơi “rèn” ra một cái bằng.
Mỗi người chỉ có một cuộc đời, và sự nghiệp không phải là một vạch đích cố định mà là hành trình dài. Đại học không phải là tất cả, nhưng nếu chọn đúng, nó có thể là bàn đạp giúp mỗi người đi xa hơn, vững chắc hơn trên hành trình lập nghiệp về sau. Bởi vậy, chọn trường, chọn ngành là chọn con đường phát triển của bản thân. Đừng vì một tấm bằng mà đánh mất niềm tin vào chính mình. Và cũng đừng vì áp lực kỳ vọng mà gạt bỏ đam mê chính đáng.
Mỗi quyết định hôm nay, nếu xuất phát từ sự hiểu biết, đam mê và bản lĩnh cá nhân, sẽ là nền móng vững chắc cho tương lai. Đó mới là ý nghĩa thật sự của việc học, không phải là điểm số hay danh tiếng, mà là hành trình trưởng thành và cống hiến. Và hành trình ấy, nếu được khởi đầu đúng cách, sẽ không dừng lại ở tấm bằng, mà sẽ dẫn đến giá trị đích thực của đời sống.

Nam sinh từng trượt công lập đạt điểm tuyệt đối tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Kinhtedothi - Với điểm số 28,25 và 28 ở khối C00, Nguyễn Minh Đức (lớp 12A9) và Trịnh Hiếu Phong (lớp 12A4) đã xuất sắc trở thành thủ khoa của Trường THPT Hà Đông tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Ít ai biết, 3 năm trước, cả 2 em đều nếm trải cú sốc khi trượt lớp 10 công lập.

Hà Nội có 3 thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Kinhtedothi - Hà Nội có 3 thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, 2 thủ khoa khối A00 với số điểm tuyệt đối 30/30 là em Nguyễn Duy Phong (lớp 12A5 Trường THPT Chương Mỹ A) và em Nguyễn Tự Quyết (lớp 12A9 Trường THPT Nguyễn Gia Thiều). Ở khối A1 và khối D00, em Nguyễn Việt Hưng (lớp 12 Anh Trường THPT chuyên Chu Văn An) là thủ khoa với số điểm lần lượt là 29,75 và 29 điểm.

Hà Nội lập kỳ tích tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Kinhtedothi - Với tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT (tính cả 2 chương trình GDPT 2006 và GDPT 2018) đạt 99,73%, ngành giáo dục Hà Nội lập kỳ tích tại kỳ thi tốt nghiệp, cao nhất 30 năm qua.