Từng bước vượt qua thách thức
Kinhtedothi - Đô thị hóa đã và đang có những tác động ảnh hưởng tới chất lượng sống đô thị. Một trong số đó là tình trạng ngập úng mỗi khi mưa to, nhiều tuyến phố, khu vực dân cư tại Hà Nội rơi vào cảnh ngập nước.
Những năm qua, TP Hà Nội không ngừng để giải quyết vấn đề này, hướng tới mục tiêu trở thành một thành phố đáng sống, với nhiều giải pháp triển khai, với nhiều dự án được thực hiện với mục tiêu từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Cần phải nhìn nhận thực trạng ngập úng ở nội đô Hà Nội là một vấn đề nan giải. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khó lường, rồi địa hình thấp, mặt phủ bê tông hóa cao, thiếu không gian thấm nước tự nhiên và sự liên kết thiếu đồng bộ giữa hệ thống thoát nước mưa và nước thải nên mỗi khi mưa lớn, nhiều tuyến phố, khu vực của
Hà Nội bị ngập úng, đã gây ra khó khăn trong việc đi lại của người dân. Không chỉ vậy, tình trạng ngập úng còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, phát triển kinh tế - xã hội của TP. Do vậy, nhiều năm qua, chính quyền TP Hà Nội luôn thể hiện quyết tâm cao độ trong giải quyết vấn đề này.
Mới đây nhất, TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3834/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng chống úng ngập cục bộ cho một số điểm thuộc khu vực nội đô. Mục tiêu của dự án là triển khai cụ thể hóa điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065; thực hiện đầu tư các tuyến cống, trạm bơm theo quy hoạch, hiện trạng để giảm thiểu úng ngập tại một số điểm chưa có dự án đầu tư như: phố Tông Đản, phố Đinh Tiên Hoàng, 155 Phùng Hưng, Quan Nhân, Cự Lộc, Nguyễn Trãi... Các công trình khi hoàn thiện sẽ cải thiện ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực thoát nước cho khu vực được cải tạo nói riêng và từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước mưa của TP nói chung.
Bên cạnh dự án chống úng ngập cục bộ, TP cũng đang dồn sức vào các việc dài hơi hơn như lên phương án "hồi sinh" các dòng sông nội đô, đặc biệt là sông Tô Lịch, trước ngày 2/9/2025. Hà Nội cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường một cách triệt để, thực chất và toàn diện từ việc thu gom, xử lý rác thải đến việc xây dựng nền kinh tế có mức phát thải thấp và sử dụng năng lượng sạch. Đây là những bước đi quan trọng trong chiến lược tổng thể của Hà Nội nhằm cải thiện môi trường sống cho người dân.
Để những nỗ lực này thành công không chỉ trông chờ vào quyết tâm của chính quyền TP, không phải là nhiệm vụ của riêng ngành xây dựng, mà là sự phối hợp đồng bộ giữa quy hoạch đô thị, giao thông, môi trường, và quản lý đô thị. Để từng bước giải quyết bài toán nan giải đã kéo dài hàng chục năm qua là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, và sự đồng hành của các bộ, ngành T.Ư, sự chung tay của người dân, DN. Chính quyền xã, phường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức cộng đồng; người dân cần được khuyến khích tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường như phân loại rác thải tại nguồn và tiết kiệm nước; cộng đồng DN tích cực đóng góp nhiều hơn nữa vào quá trình này.
Với sự chung tay của toàn xã hội; với những biện pháp cụ thể và toàn diện, bài toán úng ngập chắc chắn sẽ tìm được lời giải, Hà Nội sẽ từng bước vượt qua thách thức để trở thành một TP xanh - sạch - đẹp hơn trong tương lai gần. Quan trọng hơn cả, những nỗ lực này còn là minh chứng cho một Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ – từ ứng phó bị động sang chủ động thích ứng, từ xử lý sự cố sang phát triển bền vững.

TP Hồ Chí Minh: Kết thúc thuê "siêu" máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh
Kinhtedothi - Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề nghị Công ty Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung tiến hành thủ tục chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh.

TP Hồ Chí Minh: Ngừng thuê "siêu" máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh
Kinhtedothi - Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật đã có văn bản gửi Công ty Quang Trung về việc tạm ngưng thực hiện đặt hàng cung cấp dịch vụ chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh.