Thương mà giận...
Kinhtedothi - Cho đến hôm nay, dư luận vẫn không thôi thương cảm, đau xót trước những hình ảnh và thông tin về vụ lật tàu du lịch giữa Vịnh Hạ Long. Một chuyến đi đáng lẽ là hành trình khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, lại trở thành một ký ức ám ảnh với người sống sót và là nỗi đau khôn nguôi với gia đình người ra đi không về.
Vụ lật tàu nhanh chóng trở thành tâm điểm dư luận. Trên mạng xã hội, những bình luận thể hiện tiếc thương đan xen trong những chỉ trích. Có người đặt câu hỏi “Tại sao đi chơi giữa lúc trời báo bão?”, “Biết nguy hiểm mà sao vẫn ra khơi?”, lại có người kêu gọi “ngưng phán xét”, “hãy để họ yên nghỉ”, chia sẻ hình ảnh trời quang mây tạnh trước khi giông bão bất ngờ ập đến với con tàu… Rất nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí có ý kiến cho rằng, đây không đơn thuần là một tai nạn bất khả kháng do “sự cố thời tiết bất thường” như cách một số cơ quan chức năng lý giải.
Thực tế, tại buổi họp báo về vụ việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thừa nhận do nhiều nguyên nhân, nên Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh nhận thông tin vụ việc chậm, dẫn đến lực lượng chức năng ra đến hiện trường có độ trễ. Tuy nhiên, cũng theo thông tin từ cơ quan chức năng, bản tin cảnh báo dông, lốc được phát đi… sau khi tàu đã xuất bến. Nghĩa là khi hàng chục du khách rời bến lênh đênh trên vùng biển ngỡ yên bình ấy, họ đã không được cảnh báo đầy đủ về mối nguy hiểm đang cận kề. Và đến khi cơn lốc bất ngờ ập tới, tất cả chỉ còn biết trông chờ vào số phận…
Vẫn biết thời tiết vốn thất thường, thiên tai là điều khó tránh, không ai phủ nhận. Nhưng dự báo là để đi trước, để chủ động phòng ngừa, chứ không thể là hành động mang tính đối phó, cảnh báo kiểu “nước đến chân mới nhảy”. Dù cho công nghệ chưa hoàn hảo, thì một khu du lịch như Vịnh Hạ Long - kỳ quan thế giới, vốn thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi ngày lại càng cần có hệ thống dự báo và cảnh báo rủi ro theo thời gian thực, đủ độ tin cậy để kịp thời ngăn những chuyến tàu mạo hiểm với sinh mạng con người.
Có ý kiến chuyên gia cho rằng, vụ việc này một lần nữa bộc lộ rõ những lỗ hổng trong hệ thống dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai và quản lý hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch đường thủy. Phải chăng trong lúc mải miết phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng nhanh, người ta đã lơ là sự an toàn, yếu tố cần được đặt lên hàng đầu? Liệu rằng các DN, hướng dẫn viên, lực lượng cứu hộ... đã được tập huấn kỹ lưỡng? Quy trình ứng phó khẩn cấp có đi vào thực tế, hay vẫn chỉ nằm trên giấy, ở những câu khẩu lệnh?...
Một chuyến du lịch tưởng như để thư giãn giữa khung cảnh non nước hữu tình đã biến thành bi kịch. Thương lắm, mà cũng giận vô cùng! Sự cố lật tàu quá đau xót, nhưng cũng là lời cảnh tỉnh đầy nhức nhối. Vịnh Hạ Long hay bất kỳ điểm du lịch nào cũng không thể mãi chỉ sống trên danh xưng “di sản” nếu thiếu đi sự nghiêm túc trong quản lý và phát triển bền vững. Đằng sau mỗi vụ tai nạn đều là những hệ quả nặng nề; không chỉ là sinh mạng con người mà còn là niềm tin xã hội, là hình ảnh quốc gia, là uy tín của cả ngành du lịch. Vì vậy, phải cùng thẳng thắn nhìn lại: làm du lịch không thể bỏ rơi yếu tố sống còn, an toàn của con người. Đã đến lúc ngành du lịch không chỉ cảm thông mà phải hành động, phải đối mặt với sự thật để thay đổi.

Khẩn trương chi trả bảo hiểm cho các nạn nhân vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long
Kinhtedothi - Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm nhanh chóng xác định thiệt hại, tạm ứng và chi trả bảo hiểm cho các nạn nhân vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long, đồng thời chủ động ứng phó với bão số 3.

Lãnh đạo LĐLĐ Thành phố Hà Nội chia buồn cùng gia đình nạn nhân trong vụ lật tàu ở vịnh Hạ Long
Kinhtedothi - Chiều 20/7, Đoàn công tác của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách LĐLĐ TP Lê Đình làm Trưởng đoàn đã đến thăm hỏi gia đình đoàn viên bị thiệt mạng trong vụ lật tàu ở vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).

Đề xuất hỗ trợ thêm các nạn nhân trong vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long cư trú tại Hà Nội
Kinhtedothi – Sở Y tế Hà Nội nghị UBND TP Hà Nội trình Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND TP hỗ trợ thêm các nạn nhân cư trú tại Hà Nội trong vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long mức 5 triệu đồng/người và 25 triệu đồng/người, kinh phí từ nguồn ngân sách TP.