Đồng hành để có tương lai xanh
Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025, với lộ trình cụ thể từ tháng 7/2026, xe máy chạy xăng sẽ không được phép lưu thông trong Vành đai 1 Hà Nội. Muốn đạt được mục tiêu đó cần phải hỗ trợ người dân chi phí chuyển đổi sang xe máy điện và các loại phương tiện khác.
Khu vực bên trong Vành đai 1 Hà Nội vốn thuộc địa bàn 4 quận nội đô lịch sử cũ gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Việc cấm xe máy xăng không chỉ ảnh hưởng đến 1 triệu người dân trong khu vực này mà còn lan tỏa đến mọi khu vực khác của Thủ đô. Đây là bước ngoặt để Hà Nội chuyển đổi xanh, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn, phức tạp nếu không có giải pháp hài hòa, chắc chắn.
Thông tin về việc xe máy xăng có thể bị cấm lưu thông trong chưa đầy 1 năm nữa đã làm dấy lên những lo ngại từ đông đảo người dân. Mục tiêu chuyển đổi xanh giao thông là đúng đắn và được người dân Thủ đô ủng hộ mạnh mẽ. Nhưng vẫn còn đó những lo lắng về gánh nặng chi phí khi phải chuyển đổi phương tiện đột ngột, nhất là với những người có thu nhập trung bình và thấp.
Bởi vậy, giải pháp quan trọng nhất nhằm đạt được mục tiêu loại bỏ, thay thế xe máy xăng là Nhà nước phải hỗ trợ người dân một phần hoặc toàn phần chi phí đổi mới phương tiện đi lại. Lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã xác định, muốn đạt được mục tiêu hạn chế xe máy xăng bên trong Vành đai 1 vào tháng 7/2026 cần có sự đồng hành của người dân và nhất là các DN sản xuất xe điện.
Trong tương lai, khi đã hình thành mạng lưới phương tiện giao thông xanh, không chỉ người dân mà cả các DN cũng sẽ được hưởng lợi ích lâu dài, bền vững. Bởi vậy, giờ là lúc các DN sát cánh cùng Hà Nội trên chặng đường chuyển đổi xanh giao thông đầy khó khăn, thách thức, thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình với cộng đồng.
Mặt khác, việc chuyển đổi xanh giao thông không đơn thuần là sự hoán đổi loại hình phương tiện từ xe xăng sang xe điện. Đó còn là giảm thiểu phương tiện cá nhân, gia tăng tỷ lệ sử dụng vận tải hành khách công cộng (VTHKCC). Trong khi đó VTHKCC mới đáp ứng được khoảng 19% nhu cầu đi lại; con số 50 - 55% còn ở rất xa. Yêu cầu người dân từ bỏ xe cá nhân trong bối cảnh đó là rất khó khăn.
Vì vậy, song song với sự hỗ trợ thiết thực để người dân chuyển đổi xanh phương tiện giao thông, TP cần tập trung, nỗ lực hết sức đầu tư, nâng cao năng lực phục vụ của VTHKCC, đặc biệt là trong khu vực nội đô lịch sử từ Vành đai 1, Vành đai 2 trở vào. Bên cạnh đường sắt đô thị, xe buýt điện cần có thêm nhiều phương thức vận chuyển xanh, linh hoạt mới như xe đạp công cộng, xe buýt mini, xe điện trung chuyển khách du lịch, đưa đón cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên…
Có thể nói còn rất nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn cần giải quyết để Hà Nội có thể đạt mục tiêu loại bỏ xe xăng theo lộ trình mà Thủ tướng Chính phủ đề ra. Trên hành trình khó khăn đó, sự ủng hộ của Nhân dân Thủ đô và các DN có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự thành bại của chặng đường chuyển đổi xanh có ý nghĩa bước ngoặt này.

Transerco tăng sản lượng vận chuyển khách, tập trung chuyển đổi xanh
Kinhtedothi - Trong 6 tháng đầu năm 2025, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ... nên đã đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận. Trong đó, tổng sản lượng khách vận chuyển hành khách tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm trên 56% sản lượng khách toàn mạng lưới.

Hà Nội tiên phong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số giao thông công cộng
Kinhtedothi - Sáng 26/6, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ 2025 - 2030 với chủ đề: “Xây dựng Đảng bộ đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện; đổi mới, sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả và bền vững gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại”.

TP Hồ Chí Minh thành lập Tổ công tác tham mưu thực hiện chuyển đổi xanh
Kinhtedothi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được vừa ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác tham mưu triển khai các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi xanh của TP (Tổ công tác).