Nói không với thứ tiện lợi nhưng độc hại
Kinhtedothi - HĐND TP Hà Nội chính thức thông qua Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa, trong đó yêu cầu từ ngày 1/1/2026 các khách sạn, khu du lịch không sử dụng và lưu hành sản phẩm nhựa dùng một lần. Nhiều người cho rằng đây là một bước đi mạnh mẽ, cần thiết và đáng được lan tỏa rộng rãi.
Nhưng nếu nhìn sâu hơn, đây không chỉ là một quyết định hành chính – đó là biểu hiện của một đô thị đang dần trưởng thành trong tư duy phát triển bền vững.
Bấy lâu nay, rác thải nhựa – đặc biệt là nhựa dùng một lần – vẫn là một “ẩn họa” âm thầm bao phủ mọi ngóc ngách của đời sống đô thị. Từ siêu thị đến chợ cóc, từ khách sạn cao cấp đến những cửa hàng ven đường, chúng ta quá dễ dãi trong việc sử dụng và thải bỏ túi nilon, bao bì nhựa, vật dụng tiện lợi chỉ dùng trong tích tắc nhưng tồn tại cả thế kỷ trong môi trường. Bởi thế, Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn, thực hiện theo điểm d khoản 2 Điều 28 Luật Thủ đô 2024 vừa được 100% đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khóa XVI biểu quyết thông qua vào ngày 10/7 vừa qua, là cú hích cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Theo đó, việc đặt ra mốc thời gian cụ thể, loại bỏ hàng loạt sản phẩm nhựa dùng một lần, cho thấy tư duy “cầm tay chỉ việc” trong chính sách môi trường đang được TP áp dụng. Nó không còn là những khẩu hiệu hô hào chung chung, mà đã chuyển hóa thành những quy định rõ ràng, bắt buộc, có tính thực thi. Cụ thể: từ ngày 1/1/2026, các khách sạn, khu du lịch trên địa bàn Hà Nội sẽ không được sử dụng và lưu hành các sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm: bàn chải đánh răng, dao cạo râu, tăm bông, mũ tắm; bao bì nhựa dùng một lần đựng kem đánh răng, sữa tắm, sữa dưỡng thể, dầu gội, sữa dưỡng tóc. Kể từ 1/1/2027, các chợ và cửa hàng tiện lợi không được cung cấp miễn phí túi nilon khó phân hủy sinh học. Từ 1/1/2028, các cơ sở này phải dừng hoàn toàn việc lưu hành và sử dụng túi nilon khó phân hủy (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm), trừ trường hợp đóng gói hàng hóa,…
Đã đến lúc chúng ta không thể mãi viện cớ “giá rẻ”, “tiện lợi” hay “đã quen rồi” để dung túng cho một lối tiêu dùng gây hại. Không thể đòi hỏi một TP văn minh khi ta vẫn để lại những dấu vết nhựa dai dẳng khắp nơi, từ lòng sông, vỉa hè đến bãi rác ngoại thành. Dù chúng ta hiểu rằng, sự thay đổi hành vi tiêu dùng trong xã hội không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Nhưng để thay đổi, phải có điểm khởi đầu, phải có những giới hạn rõ ràng để “cái mới” có cơ hội hình thành. Giống như việc cấm hút thuốc nơi công cộng từng vấp phải hoài nghi, thì việc loại bỏ nhựa dùng một lần hôm nay cũng sẽ gặp những phản ứng ban đầu. Nhưng rồi, khi xã hội thích nghi, thói quen sẽ thay đổi, và môi trường sẽ được hưởng lợi.
Hà Nội đang lựa chọn một con đường khó nhưng cần thiết – dám nói không với thứ “tiện lợi độc hại” để bước đến một tương lai sạch hơn, xanh hơn. Và hành trình ấy cần sự tham gia của mọi tầng lớp, từ chính quyền, DN đến mỗi người dân. Muốn một Thủ đô xanh – phải bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất. Và đôi khi, chỉ là từ việc từ chối một chiếc bàn chải nhựa được đặt sẵn trong một phòng khách sạn.

Dấu ấn “Ngày hội đổi rác lấy quà” của SeABank
Kinhtedothi - Được triển khai lần đầu từ tháng 6/2025, đến tháng 7/2025, khối lượng rác thải tái chế được thu gom tại “Ngày hội đổi rác lấy quà “ do ngân hàng SeABank phối hợp với Chi nhánh Hoàn Kiếm, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) đã tăng lên đột biến.

TP Hồ Chí Minh: người hoạt động không chuyên trách được đảm bảo quyền lợi
Kinhtedothi - Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh vừa ban hành công văn khẩn gửi UBND các xã, phường và đặc khu về hướng dân giải quyết quyền lợi cho người hoạt động không chuyên trách ở chính quyền cấp xã khi thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp.

TP Hồ Chí Minh phân cấp trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng về UBND xã
Kinhtedothi - UBND cấp xã sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND TP Hồ Chí Minh về toàn bộ hoạt động quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.