Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội nhận mẫu xét nghiệm từ các quận huyện. Ảnh: Ngọc Tú |
Trung bình một bệnh viện 300 - 400 giường bệnh mỗi năm dùng hết 20 - 30 quả cầu lọc máu. Nhưng khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bệnh nhân suy hô hấp, thở máy, đặt nội khí, cần lọc máu tăng đột biến khiến toàn bộ quả lọc máu (loại bỏ cytokine, độc tố..) và thuốc chống đông máu Lovenox (enoxaparin) cũng tăng mạnh. Đơn cử số lượng quả lọc máu đấu thầu trong năm 2021 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư hiện đã được sử dụng hết trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng. Để phục vụ người bệnh, Phòng Vật tư và Khoa Dược bệnh viện phải vay vật tư y tế này của các đơn vị cung cấp và làm thủ tục đấu thầu mua bổ sung. Nhưng chắc chắn không thể kéo dài tình trạng vay mượn mãi như vậy. bởi không phải đơn vị nào cũng sẵn.Mới đây, trên Facebook thạc sĩ Phạm Thị Nguyệt Quyên - Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư viết: "Chúng tôi không ngại khó, không ngại khổ, nhân viên y tế sẵn sàng trong bộ đồ phòng hộ 5 - 6 tiếng chăm sóc bệnh nhân nhưng nếu không đủ vật tư y tế và thuốc điều trị cho bệnh nhân là điều đáng buồn và thật sự trăn trở của đội ngũ nhân viên y tế. Nếu trong một tháng nữa mà không có vật tư cung cấp thì bệnh nhân sẽ ra sao?"Bệnh viện đang lâm vào tình trạng có tiền nhưng vẫn không thể có ngay quả lọc máu và thuốc chống đông máu để phục vụ bệnh nhân vì phải qua thủ tục đấu thầu. Ngay cả các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí thì theo luật cũng không thể dùng tiền đó để mua quả lọc máu và thuốc chống đông máu. Mà bệnh tật thì không thể chờ đấu thầu. Bác sĩ Quyên khẩn thiết: “Chúng tôi khẩn cầu xin các anh/chị nếu có ý định ủng hộ thì hãy chuyển nhu yếu phẩm thành vật tư y tế thiết yếu mà bệnh viện đang cần để cứu sống cho bệnh nhân nặng đó là quả lọc máu và thuốc chống đông máu (những thứ mà bệnh viện không thể mua khi chưa thực hiện đấu thầu trong giai đoạn này). Mỗi một quả lọc được chuyển đến sớm thì cơ hội sống của bệnh nhân tăng lên. Hãy chung tay giúp chúng tôi cứu sống bệnh nhân".Trong 2 ngày, lời kêu gọi của chị Quyên đã được hàng trăm tài khoản Facebook trên cộng đồng chia sẻ. 50 quả cầu lọc máu đầu tiên đã được mua và chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư để giải quyết khó khăn trước mắt.Câu chuyện trên cũng là nút thắt mà nhiều bệnh viện công khác đang vướng. Thực tế, những quy định như vậy đều có lý và nó chống được tình trạng kê khống, nâng giá mua sắm trang thiết bị tại khá nhiều bệnh viện mà cơ quan điều tra vừa công bố trong thời gian vừa qua. Nhưng trong tình trạng “nước sôi, lửa bỏng” như hiện nay, rất cần cơ quan quản lý ban hành những quyết định phù hợp với tình hình chống dịch Covid-19. Mới đây, trong phiên họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: “Giao Bộ Y tế và Bộ Tài chính khẩn trương trao đổi, thống nhất, hướng dẫn, tháo gỡ nhanh các vướng mắc về tài chính cho các hoạt động phòng chống dịch, phù hợp với tình huống khẩn cấp, bảo đảm công khai, minh bạch, Bộ Y tế thông tin, hướng dẫn về giá cả các loại trang thiết bị, máy móc, vật tư… để các địa phương có cơ sở triển khai; không để ách tắc về thủ tục ảnh hưởng tới tinh thần “chống dịch như chống giặc”.