Về tình trạng gian lận thi cử trong thời gian qua, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, có đại biểu cho rằng đây là một loại tội phạm mới, cần điều tra làm rõ và xử lý triệt để và yêu cầu Bộ trưởng có hành động kiên quyết để góp phần ngăn chặn, xử lý vấn nạn này.
Cũng trong những ngày qua, câu chuyện về hơn 6.400 thí sinh ở Quảng Bình phải thi lại môn Ngữ văn vào chiều ngày 5/6, cũng khiến dư luận quan tâm, bức xúc. Do sai sót, thiếu trách nhiệm của những người ra đề và cán bộ coi thi mà những đứa trẻ tưởng đã qua một kì thi căng thẳng sau một năm học vất vả có thể thở phào nhẹ nhõm mà bước vào những ngày hè, lại phải thêm một buổi thi với biết bao áp lực, căng thẳng và mệt nhọc cả về thể chất lẫn tinh thần.
Cũng trong kỳ thi vào lớp 10 tại TP Hồ Chí Minh, một lỗi chính tả, được giải thích là do khâu đánh máy, trong đề thi Anh văn cũng đã làm các em cùng gia đình lo lắng, bất an. Sự việc rồi chắc chắn sẽ được làm rõ và xử lý nghiêm khắc, nhưng rõ ràng là sai lầm của người lớn đã làm khổ con trẻ. Đó là chưa kể đến hậu quả của việc này làm các em chán nản, mất lòng tin.
Dù ở những mức độ khác nhau, diễn ra ở những thời điểm khác nhau, nhưng các sự việc đều là biểu hiện của thái độ vô trách nhiệm của người lớn với con trẻ. Những người có liên quan, cán bộ ngành giáo dục, cha mẹ học sinh… ở các tỉnh để xảy ra vi phạm gian lận thi cử đã và sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của luật pháp. Còn sự việc ở Quảng Bình, được giải thích do bất cẩn, “vô tình” phạm lỗi. “Vui” hơn, sự cố ở TP Hồ Chí Minh là lỗi của “anh đánh máy”! Nhưng dù vô tình hay cố ý, những người lớn có trách nhiệm trong các vụ việc trên đã làm trái phương châm dành những gì tốt nhất cho con trẻ. Ngược lại, họ đã khiến chúng mệt mỏi, thậm chí tổn thương cả về tinh thần lẫn thể chất. Cuối cùng, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là các em. Hy vọng rằng với sự vào cuộc một cách công khai, minh bạch của các cơ quan chức năng như GD&ĐT, Công an… những khuất tất sẽ bị phanh phui, xử lý, dù vô tình hay cố ý!
Ở một góc độ khác, một câu hỏi đặt ra là những người thực hiện các hành vi như chạy điểm (không chỉ trong các kỳ thi), gian lận, khuất tất… nêu trên, từ quan chức, giáo viên và cả các vị phụ huynh có thực sự chỉ vì con trẻ? Nói vậy bởi không phải tất cả, nhưng không ít bậc cha mẹ muốn con học giỏi, có thành tích cao là để thỏa mãn tính tự mãn của chính mình. Nhà trường chấp nhận gian lận trong dạy và học, trong thi cử để có thành tích cao. Rõ ràng sự háo danh, bệnh thành tích… đã làm hại con trẻ, gây áp lực, thậm chí làm tổn thương các em.
Trở lại phương châm dành cho trẻ những gì tốt nhất. Dành cho trẻ những gì tốt nhất cũng có nghĩa là tạo điều kiện cho cho con em chúng ta học tập, vui chơi trong điều kiện tốt nhất có thể, phát triển cả về tinh thần và thể chất, chứ không phải nhân danh chúng làm những điều khuất tất, vi phạm đạo đức và pháp luật. Hãy nghĩ đến con em mình và cả thế hệ tương lai một cách tích cực như thế! Các bậc cha mẹ, thầy cô cùng những người có trách nhiệm đừng khiến con trẻ bị tổn thương và mất niềm tin vì những suy nghĩ và hành động sai trái của mình.