Đừng để làng nghề mai một

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng với những giá trị văn hóa đặc sắc kết tinh trong mỗi sản phẩm. Song, để những giá trị văn hóa vô giá ấy trường tồn và lan tỏa, TP cần có chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề.

Hà Nội có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng với những giá trị văn hóa đặc sắc kết tinh trong mỗi sản phẩm. Song, để những giá trị văn hóa vô giá ấy trường tồn và lan tỏa, TP cần có chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề. Trong đó, vấn đề quy hoạch làng nghề cần được thực hiện bài bản hơn.

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Đừng để làng nghề mai một - Ảnh 1

Làng nghề Hà Nội được đánh giá có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển. Điều đó có đúng thực tế không, thưa ông?

 - Với 1.350 làng nghề, Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất, chiếm tới gần 67% tổng số làng nghề của cả nước. Đặc biệt, từ tháng 8/2008, khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, nếu tính cả làng có nghề, Hà Nội có khoảng gần 2.000 làng nghề, trong đó có khoảng 280 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Đặc biệt, Hà Nội có những làng nghề mà không nơi nào có: Làng nghề nhiếp ảnh, làng may áo dài, làng làm đàn... Hoặc những làng nghề có từ nhiều thế kỷ: Làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, làng Sơn Đồng, tiện Nhị Khê, mây tre Phú Vinh, the La Khê... Hiện, Hà Nội có khoảng hơn 10 làng nghề nổi tiếng từ xa xưa vẫn đang tồn tại, trong đó có nhiều làng đang phát triển rất mạnh như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc. Điểm chung của làng nghề Hà Nội là đều nằm bên những dòng sông, đây cũng được coi là thế mạnh của làng nghề Hà Nội.

Vì thế, tiềm năng của làng nghề Hà Nội rất lớn, cả về nghề, về văn hóa, du lịch và đặc biệt là đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi. Do đó, sự phát triển của làng nghề Hà Nội hiện nay là khá bền vững, bởi những nét đặc trưng khác biệt so với các địa phương khác trên cả nước. Kể cả so với các làng nghề của các nước trên thế giới, Hà Nội có những phong thái riêng và truyền thống lâu đời. Vấn đề của Hà Nội hiện nay là quy hoạch chưa bền vững nên chưa phát huy được hết tiềm năng của làng nghề.  

Vậy, đâu là nguyên nhân của tồn tại trên, thưa ông?

 - Thứ nhất, Hà Nội đưa ra nhiều đề án, dự án với số kinh phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng, nhưng triển khai rất chậm. Thêm vào đó, đất đai đáp ứng cho quy hoạch gặp nhiều vướng mắc, chưa được giải quyết ổn thỏa. Điều đó chứng tỏ, tiềm năng có nhưng bước đi, cách làm chưa rõ ràng.
 
Dệt lụa tại làng nghề Vạn Phúc, Hà Đông.              Ảnh: Thanh Hải
Dệt lụa tại làng nghề Vạn Phúc, Hà Đông. Ảnh: Thanh Hải
 Thứ hai, quy hoạch thiếu đồng bộ. Mức độ đô thị hóa rất nhanh nhưng theo kiểu "ăn xổi, ở thì" chính là nguyên nhân làm mai một hoặc mất đi một số làng nghề. Ví dụ, the La Khê nổi tiếng là thế, song từ năm 2011, hơn 200 máy dệt the La Khê đã phải đóng cửa, người dân không dệt the nữa mà chuyển sang làm dịch vụ phục vụ lễ ở đền Bia Bà (làm đồ hàng mã, viết sớ...) bởi việc làm này có thu nhập đảm bảo được đời sống cho họ. Hay như làng Chuông, từ làm nón chuyển sang làm hương, làm đồ hàng mã… Đó là thực trạng báo động của các làng nghề truyền thống. Đáng buồn nữa là nhiều làng nghề có dấu hiệu mất đi như làng bông Trát Cầu (Thường Tín) không thể khôi phục được. Chúng ta xây dựng quy hoạch tổng thể nhưng lại thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu.

Bài toán quy hoạch đã được đặt ra, phải chăng việc triển khai còn chưa đúng hướng?

- Thực tế cho thấy, cách quy hoạch hiện nay vẫn mang tính phong trào, thiếu bài bản. Quy hoạch làng nghề phải xuất phát từ yêu cầu thực tế, phải mang tính cộng đồng, có sự tham gia của các tổ chức xã hội, các hiệp hội. Vấn đề là sắp xếp thế nào giữa nông nghiệp và công thương, giữa khuyến công và khuyến nông? Quy hoạch làng nghề phải song hành với quy hoạch nông thôn mới ra sao? Các ngành chức năng phải phối hợp chặt chẽ trong việc đề cao trách nhiệm xác định rõ hướng đi, cách làm đối với từng loại nghề và các làng nghề thuộc các lĩnh vực khác nhau.

Trách nhiệm của các ngành, các cấp cũng không rõ trong việc khai thác tiềm năng. Chẳng hạn như du lịch làng nghề ven sông Hồng đẹp như thế, trải dài như thế mà không khai thác được lợi thế du lịch gắn với các làng nghề ven sông. Tôi đã có lần sang Amsterdam (Hà Lan), TP này đã phát triển du lịch trên dòng sông hàng trăm năm nay. Trong khi đó, sông Hồng của ta vẫn liên tiếp xảy ra tình trạng vi phạm về xúc đất, hút cát...

Hà Nội cần phải trả lời những câu hỏi: Những nhà xây dựng quy hoạch có trách nhiệm như thế nào? Vai trò của người dân, của các tổ chức xã hội trong quy hoạch? Do đó, theo tôi, tiềm năng không thể mất đi được nếu như chúng ta làm tốt vấn đề về quy hoạch, nhất là vấn đề đất đai. Các nhà xây dựng quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng trong giữ gìn các làng nghề với giá trị văn hóa truyền thống. 
 
 
Đừng để làng nghề mai một - Ảnh 2

Thợ thủ công làng nghề gốm Bát Tràng đang tạo mẫu cho sản phẩm. Ảnh: Thanh Hải.
Vấn đề xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề thì sao, thưa ông?

- Trước hết cần phải khẳng định, Hà Nội có những bước tiến quan trọng trong chính sách phát triển thương hiệu, mẫu mã, bao bì. Tiêu biểu như sản phẩm gốm Bát Tràng, hiện nay rất đa dạng về mẫu mã, rồi các sản phẩm về da giày, may mặc, nhất là sản phẩm văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, theo tôi, sản phẩm làng nghề Hà Nội nhìn chung mẫu mã đơn điệu, cóp nhặt và tính thẩm mỹ chưa cao, chưa tinh. Chúng ta không có sáng tạo mới, còn có hiện tượng sao chép các mẫu mã của nhau, một người có thì cả làng có. Đó là cái thiếu cơ bản. Chính sách này đã được Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm, tổ chức nhiều cuộc thi về tay nghề nhằm khơi dậy tính sáng tạo, song vẫn không mấy hiệu quả.

Có thể khẳng định, sản phẩm đa dạng, phong phú nhưng không thể đi mãi với một lối mòn như thế. Chúng ta phải tìm một hướng luôn thay đổi, đổi mới liên tục. Sản phẩm phải tinh túy, chứa đựng nét văn hóa của dân tộc, phải dễ bắt mắt khách du lịch. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hiện còn kém hiệu quả và chưa được chú trọng. Chúng ta không chú trọng đến những chi tiết nhỏ, ví dụ như sản phẩm của Nhật Bản, một đôi đũa có thể bán tới 10 USD hoặc các sản phẩm gốm có ký tên nghệ nhân bán với giá cao hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, sản phẩm của chúng ta làm to quá, nặng quá nên không tiện bỏ túi và mang đi.

Theo tôi, Hà Nội cần xây dựng chiến lược để làm sao khách du lịch xem sản phẩm là họ mua ngay. Muốn thế, sản phẩm phải vừa tốt, vừa đẹp, phải mang hàm lượng thông tin văn hóa. Các nhà làm chính sách phải xây dựng chính sách bảo hộ bản quyền cho nghệ nhân và bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm. Phải sáng tạo và học hỏi nghiên cứu bao bì, xây dựng thương hiệu và phải đưa công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Quan điểm của ông về chiến lược, định hướng để bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề Hà Nội hiện nay?

- Việc cần làm của Hà Nội hiện nay là nên tập hợp, đánh giá chính xác tiềm năng các làng nghề hiện có, làng nào có thể phát triển được, làng nào mất đi nhưng có thể khôi phục lại được? Thực ra thì chính sách này đã có rồi, Sở Công Thương đã công bố rất rõ số lượng và hiện trạng các làng nghề trên địa bàn, song vẫn chưa sâu sát. Vì vậy, theo tôi, Hà Nội phải điều tra, tính toán lại để làm sao khôi phục được những nghề truyền thống.

Tiếp đó, phải đánh giá lại đội ngũ nghệ nhân, nhất là những nghệ nhân có "bàn tay vàng" thực sự mà họ được cả thế giới công nhận. Hà Nội cũng cần đưa văn hóa công nghệ truyền thống vào chiến lược phát triển và coi nó có vai trò quan trọng. Phải xác định rõ công nghệ truyền thống và công nghệ hiện đại cần gặp nhau ở đâu, giao thoa chỗ nào? Công nghệ truyền thống của ông cha ta đã có từ hàng ngàn năm, vì vậy chỉ nên hiện đại hóa chứ không thể làm mất đi công nghệ truyền thống.

Đừng để làng nghề mai một - Ảnh 3
Do đó, chúng ta phải nghiêm túc học hỏi công nghệ truyền thống để áp dụng vào công nghệ hiện đại sao cho hài hòa, chứ cứ hiện đại hóa mà gây ra gây ô nhiễm thì rất nguy hiểm. Bởi vậy, theo tôi, Hà Nội phải hiện đại hóa được công nghệ truyền thống nhưng đồng thời phải truyền thống hóa công nghệ hiện đại. Cụ thể, hiện đại những cái gì lạc hậu, mang tính thủ công; cải tiến một số công đoạn bằng cách đưa cơ khí vào sản xuất.

Một điều nữa, Hà Nội là Thủ đô của đất nước có 90 triệu dân, có vị trí chiến lược trong khu vực, thì sản phẩm làng nghề phải có hàm lượng văn hóa gồm: Văn hóa sản xuất, Văn hóa xã hội, Văn hóa sinh hoạt, Văn hóa tâm linh, Văn hóa nghệ thuật. Phải áp dụng cho tất cả các làng nghề thủ công, làng nghề hiện đại. Quan trọng nhất phải khơi dậy được tất cả nền nếp xưa để giáo dục con cháu, giáo dục cộng đồng,  khơi dậy lòng tự hào dân tộc về văn hóa nguồn cội cho thế hệ trẻ. 

Theo tôi, chúng ta phải điều tra cơ bản và đánh giá đúng thì mới bắt được đúng "bệnh". Chiến lược  phát triển làng nghề của Hà Nội là rất hay, rất trúng. Thực tế, đã có nhiều đề án do Sở Công Thương, Sở VHTT&DL xây dựng và triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, nếu Sở Công Thương, Sở KH&CN, Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với nhau, làng nghề còn phát triển mạnh hơn nữa, đặc biệt là huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội. 

Xin cảm ơn ông!

 
"Hà Nội là địa phương có số lượng nghệ nhân đông nhất nước với 22/37 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân quốc gia, trong đó có một nghệ nhân Nhân dân. Về số lượng nghề, cả nước có 53 nhóm nghề thì Hà Nội có tới 48 nhóm nghề và hơn 200 sản phẩm trong tất cả các ngành nghề." - Ông Lưu Duy Dần-Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần