Đừng để “nước đến chân mới nhảy”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vàng, USD và các đồng tiền đều đang biến động mạnh khiến không ít DN xuất nhập khẩu lao đao.

Công cụ nào giúp họ bảo toàn vốn và không bị ngưng trệ các hoạt động trao đổi hàng hóa khi thời điểm kết thúc năm cận kề?

Lỗ vì biến động tỷ giá

Mới đây, Tổng Công ty CP Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 với con số lỗ ròng lên đến 700 tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá đã làm cho chi phí tài chính của Viettel Global tăng đột biến hơn 11 lần, từ 201 tỷ đồng lên 2.260 tỷ đồng (199 tỷ đồng lãi vay và 2.057 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá). Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) cũng công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2015 với khoản lỗ bất ngờ gần 15 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, nợ vay dài hạn của MPC tăng vọt từ 500 tỷ đồng lên mức 2.975 tỷ đồng.
Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Công ty May Đức Giang.	  Ảnh: Trần Việt
Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Công ty May Đức Giang. Ảnh: Trần Việt
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), hàng loạt DN trên sàn niêm yết cũng đang thiệt hại nặng nề do có khoản vay bằng ngoại tệ lớn. Theo tính toán của một DN ngành thép, hiện DN có dư nợ vay 146 triệu USD, có thể chịu ảnh hưởng khi điều chỉnh tỷ giá. “Trong 2 năm qua, mọi việc khá trôi chảy bởi lãi suất vay tính bằng USD khá thấp, cộng với mức độ trượt tỷ giá được giữ không quá 2% mỗi năm, khiến lãi suất thực mà DN phải trả vẫn thấp hơn lãi suất nếu vay bằng tiền VND. Nhưng từ đầu năm đến giờ, tỷ giá thay đổi thực theo giá thị trường khoảng 5% khiến lãi suất thực tế mà DN phải trả với sản phẩm trên lên tới 9,5%/năm, mức lãi nằm ngoài mọi kế hoạch tính toán của DN” -đại diện DN chia sẻ.

Khi tỷ giá có thể tăng, chịu rủi ro lớn nhất là các nhà nhập khẩu. Để phòng ngừa rủi ro do biến động giá ngoại tệ, nhiều ngân hàng đã cung cấp dịch vụ bảo hiểm tỷ giá. Dù vậy, có đến 90% DN nhập khẩu không sử dụng sản phẩm bảo hiểm tỷ giá. Theo ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, tâm lý này xuất hiện bởi trong quá khứ, NHNN có chính sách quản lý khá chặt chẽ, như một cách “bao cấp” cho tỷ giá, khiến DN ỷ lại. Đến nay, khi thị trường đối mặt với biến động tỷ giá mạnh, nhiều DN đành phải mua với giá cao, và chịu lỗ.

Cần thay đổi nhận thức

Hiện trên thị trường có rất nhiều sản phẩm bảo hiểm rủi ro tỷ giá để DN lựa chọn. Thứ nhất, giao dịch kỳ hạn (forward). Ví dụ, DN mua 1 triệu USD kỳ hạn 1 tháng với tỷ giá giữa VND/USD chốt tại ngày ký kết hợp đồng giao dịch với NH là 22.500. Một tháng sau, khi DN cần USD để thanh toán tiền hàng hóa nhập khẩu, bất kể tỷ giá VND/USD khi ấy có tăng lên hay giảm đi, DN vẫn sẽ nhận 1 triệu USD với mức tỷ giá đã thỏa thuận với ngân hàng; Thứ hai, hoán đổi ngoại tệ (FX Swap): Có nghĩa một hợp đồng đồng thời mua và bán cùng một lượng ngoại tệ giữa hai bên, sau một thời gian nhất định, số tiền đó sẽ được hoán đổi ngược trở lại như ban đầu; Thứ ba, sản phẩm quyền chọn (Option), các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi như EUR, USD, JPY, CAD, GBP... đều có thể áp dụng các nghiệp vụ này.

Năm 2003, NHNN lần đầu tiên cho phép NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) được thực hiện thí điểm nghiệp vụ quyền lựa chọn trong kinh doanh ngoại hối. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 10 năm, số lượng DN tham gia bảo hiểm tại Eximbank vẫn khiêm tốn. Tại BIDV, Vietcombank, Agribank, HSBC cũng tương tự với doanh số chưa đáng kể so với doanh số nghiệp vụ truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai, đại điện Công ty Nippo Mechatronics Việt Nam cho hay, đến nay dịch vụ bảo hiểm tỷ giá vẫn khá xa lạ với Công ty. Cách mà DN lựa chọn để ứng phó khi tỷ giá có những biến động theo chiều bất lợi cho DN là thương thảo, chia sẻ lại khó khăn với phía đối tác, yêu cầu DN nhập khẩu hàng điều chỉnh giá mua sản phẩm. Tuy nhiên, công cuộc đàm phán không hề đơn giản. Nhiều trường hợp, đối tác không chấp nhận điều chỉnh giá cả thì DN đành chịu thua thiệt.

Còn theo bà Lê Nam Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Dệt Nam Thanh, phương án mua bảo hiểm tỷ giá, mặc dù DN đã biết từ lâu nhưng không để ý tới. Bởi thực tế, DN đang khá khó khăn, chật vật, không đủ năng lực tham gia loại dịch vụ này.

Lãnh đạo của HSBC cho biết, việc sử dụng các sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá chưa phổ biến đối với các DN Việt Nam, do DN chưa hiểu đầy đủ về các sản phẩm phái sinh và cân nhắc chi phí, cũng như có tâm lý cho rằng tỷ giá sẽ được điều hành ổn định trong mức dao động 2% hàng năm. Trong khi đó, nếu mua sản phẩm phái sinh kỳ hạn, trung bình mỗi năm DN sẽ mất chi phí tương đương 4% nên DN sẽ đặt câu hỏi tại sao phải mua kỳ hạn. Nhưng với tình hình mới hiện nay, chắc chắn các DN sẽ phải có những thay đổi về nhận thức phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Ông Phạm Thanh Hà - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ, sử dụng các công cụ phái sinh để ngăn ngừa rủi ro là hoạt động thường xuyên trong giao dịch quốc tế, là biện pháp cần thiết mà DN nên tìm hiểu, tham gia bởi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới, việc bị động trước tỷ giá là một cản trở không nhỏ để DN vươn xa hơn ra với thế giới. “Chúng tôi khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm phái sinh này” - ông Hà nói.
Các DN nên chủ động làm quen và sử dụng hoạt động phòng ngừa rủi ro nhiều hơn, không chỉ trong lĩnh vực tiền tệ mà cả trong lĩnh vực hàng hóa. Công cụ đó giúp các DN chủ động tính toán được chi phí, giá mua và giá bán của mình. Việc các DN, nhất là DNNN, chưa coi nghiệp vụ phòng tránh rủi ro tỷ giá quan trọng một phần là do cơ chế chính sách. Bản thân các DN này cũng không chịu áp lực phải thực hiện phòng tránh rủi ro tỷ giá. Hiện nay, các DN nếu bị lỗ do không phòng tránh rủi ro tỷ giá thì không ai quy kết trách nhiệm của người đứng đầu quản trị DN.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long