Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để rơm hóa rác

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Suốt quãng đường về quê, ông Tiệp thấy nhiều chỗ rơm chất thành từng đống, lửa khói bốc lên ngùn ngụt. Có chỗ rơm còn tươi, khói dày đặc khiến người đi đường cay xè mắt, không quan sát được phía trước nên phải lái xe thật chậm, ông bức xúc lắm.

Vừa về tới nhà em gái, ông Tiệp liền than thở: "Đường sá gì mà bừa bãi, toàn rơm với tro. Dân mình giờ không đun rơm nữa hay sao mà tôi thấy họ đốt rơm, lãng phí quá!". "Quê mình giờ đun than, đun gas nhiều chứ mấy ai đun rơm nữa đâu bác ạ? Trước đây, rơm được thu gom mang về nhà phơi khô, đánh thành cây để dùng dần, bây giờ thì khác, sau khi phụt lúa bằng máy tại cánh đồng, người dân thường đốt rơm ngay"- bà Phương giải thích với anh trai. Ông Tiệp tiếp lời: "Tôi thấy ở nhiều nơi, tuy rơm không được dùng làm chất đốt nhưng người dân vẫn gom rơm về để trồng nấm, vừa tận dụng được nguồn rơm rạ sẵn có, vừa có thêm thu nhập". "Mấy năm trước, thôn mình cũng có cán bộ về hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật trồng nấm nhưng rất ít bà con tham gia. Một số hộ gia đình làm theo, nhưng do "học một đằng, làm một nẻo", hiệu quả thấp nên trồng được vài vụ lại bỏ. Chính vì thế, rơm bỗng dưng trở thành rác, bác ạ!", bà Phương phân trần.

Nghe em gái nói, ông Tiệp thấy buồn lòng, tiếc nuối: "Đốt rơm không chỉ là lãng phí mà còn làm mất mỹ quan đường sá, cản trở giao thông gây ô nhiễm môi trường. Như vậy, có khác nào người nông dân lại phủ nhận những thành quả do chính mình làm ra".