Đừng ép con phải hoàn hảo

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều trường học vừa tổ chức họp phụ huynh tổng kết học kỳ I, thông báo kết quả học tập của học sinh. Trên mạng xã hội, “phong trào khoe con” lại rộ lên khiến nhiều bậc phụ huynh có con điểm kém đứng ngồi không yên, mắng nhiếc con không tiếc lời. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, đây là điều tối kỵ trong giáo dục con cái.

Cần làm bạn với con thay vì biến con hiện thực hóa các mục tiêu ngoài khả năng. Ảnh: Bảo Trọng
Chiếc áo khoác giữa ngày oi nóng
Mắt đượm buồn, cô Vũ Lan Anh – Hiệu trưởng trường THCS Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm, Hà Nội chậm rãi kể về những cô, cậu học trò là nạn nhân từ những sức ép “phải hoàn hảo” đến từ bố mẹ. Theo chia sẻ của cô Lan Anh, việc nhiều học sinh bị bố mẹ ép phải luôn đạt thành tích cao dù không quá nhiều nhưng cũng không phải hiếm gặp. Với trường hợp của em Trần Thu H. (học sinh lớp 8) thật sự là nỗi ám ảnh. “Trong một buổi chiều oi nóng, các bạn trong lớp đều mặc áo đồng phục ngắn tay nhưng riêng em H. lại chọn chiếc áo khoác cho mình. Tôi thấy quá lạ, gặng hỏi thì mới hay, em đã bị một trận đòn đau từ bố vì bị 9 điểm môn Tin học” - cô Lan Anh nhớ lại.
Để giúp các bên hiểu nhau hơn, nhà trường đã có sáng kiến tổ chức viết thư và cam kết không bóc thư của học trò. Theo đó, hàng tháng, học sinh sẽ viết cho bố mẹ mình những lá thư, trong đó nói lên những tâm sự, mong muốn của các con với bố mẹ. Ở chiều ngược lại, nhà trường liên hệ với các phụ huynh và đề xuất họ cũng viết thư gửi cho con cái mình. Lúc này, nhà trường sẽ làm trung gian cho hai bên, giúp bố mẹ và con cái gần nhau hơn.
Hiệu trưởng trường THCS Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm, Hà Nội) Vũ Lan Anh
Tan học, cô hiệu trưởng đã gọi riêng em lên để hỏi han tình hình. Sau khi được cô giáo động viên, em H. được đánh giá ngoan ngoãn đã nhắc đến những trận đòn từ bố. Theo H., mỗi lần không được điểm 10, thì ngay sau đó là những trận đòn từ bố. Nói về chiếc áo khoác lạ lẫm, H. kể: “Hôm trước con bị 9 điểm môn Tin, bố lập tức dùng gậy đánh con liên tiếp. Con đau lắm, chỉ biết lấy tay che mặt để còn đến lớp”. Và do xấu hổ với các bạn về những vết bầm tím khắp cơ thể, H. buộc phải chọn cho mình chiếc áo khoác dù những giọt mồ hôi lấm tấm lăn trên má vì quá nóng bức.
Cũng theo những chia sẻ của H., do quá hoảng sợ những trận đòn đau vì không được điểm 10, H. đã phải trộm tiền của bố mẹ để nhờ một bạn học giỏi ở lớp thi hộ, với mong muốn lấy điểm 10. Sự việc bại lộ, giữa 3 bên (cô giáo, phụ huynh, học sinh) đã có buổi nói chuyện. Tại buổi gặp, H. đã khai nhận hành vi sai trái của mình và nói: “Con đã trộm tiền của bố mẹ để thuê bạn học giỏi nhất lớp thi giúp con lấy điểm 10. Con biết mình đã rất sai rồi. Con xin lỗi cô. Con xin lỗi bố mẹ”. Theo cô Vũ Lan Anh, sau khi nghe xong lời nhận lỗi từ trò H., cả 3 bên đều khóc.
Chuyện chú gấu bông bị cắt nát trong đêm
Với trường hợp của học sinh Lê Mai L.T. (lớp 9, quận Long Biên, Hà Nội) còn nghiêm trọng hơn, khi em bị mất ngủ hơn 2 năm và bị trầm cảm nặng. Cô Hoàng Thị Lan (giáo viên chủ nhiệm của em T.) kể: “Tội nghiệp các con lắm! Có lần chứng kiến một học sinh với đôi mắt quầng thâm, vừa ăn được miếng cơm thì lăn vật ra bàn ngủ, miệng còn chưa kịp nhai. Gặng hỏi mãi mới biết, đã quá nhiều đêm con không ngủ”.
Theo cô Lan, T. sống trong một gia đình có nhiều người học giỏi, đặc biệt là dì ruột, còn mẹ là giáo viên một trường THPT ở Hà Nội. Ngay từ ngày bắt đầu vào trường, T. đã bị mẹ ép phải đạt thích tích cao, trong đó có bộ môn tiếng Anh phải đạt chuẩn IELTS 6.5. Không đạt được như kỳ vọng, người mẹ liên tục mắng mỏ con và so sánh con với những bạn học giỏi tiếng Anh khác. Đáng buồn hơn, trong lời kể của T., những lúc vui chơi ở nhà, nếu em trai T. khóc hoặc không muốn chơi với chị, người mẹ lập tức quay sang mắng xối xả bất kể T. đúng hay sai. Sau khi không thể tìm cho mình giải pháp giải tỏa, T. đã giam mình trong phòng và mang con gấu bông ra chọc nát, sau đó cắt, xé thành từng mảnh nhỏ. Những câu chuyện kể ra làm cứa lòng người lớn. 
“Đừng biến con mình là số 1”
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: “Các bậc phụ huynh đừng biến con mình là số 1. Đừng để những đứa trẻ nghĩ mình luôn giỏi hơn tất cả những người khác”. Theo ông Tài, cha mẹ cần có cái nhìn, cách hiểu đúng đắn về tâm lý lứa tuổi. Chẳng hạn ở lứa tuổi tiểu học, đây là lúc các em hình thành, phát triển mạnh mẽ về tâm sinh lý. Cũng ở lứa tuổi này, các em ở trong những điều kiện, sự tác động khác nhau sẽ phát triển khác nhau. “Cùng là độ tuổi lên 9, lên 10 nhưng có em phát triển năng lực này sớm, năng lực kia muộn. Do đó, khoa học đánh giá không thể cào bằng các em với nhau, không so sánh, đánh giá các em cùng thang bậc để đưa ra kết luận nào đó” – ông Tài phân tích.
Hiện, Bộ GD&ĐT đang áp dụng Thông tư 22/2016 quy định về tiêu chí đánh giá học sinh tiểu học. Theo đó, giáo viên sẽ đánh giá học sinh bằng những tiến bộ vào một thời điểm. “Chúng tôi hướng dẫn giáo viên đánh giá một học sinh tiến bộ ở thời điểm này so với thời điểm khác, bằng chính những nỗ lực của bản thân học sinh ấy, chứ không hề đánh giá, so sánh học sinh này với học sinh khác. Đó chính là tinh thần của Thông tư 22” – ông Thái Văn Tài cung cấp thêm.
Theo đại diện Bộ GD&ĐT, trẻ em cần được tôn trọng. Đừng quá xem trọng điểm số trong học bạ, đừng đặt lên những đôi vai bé bỏng trọng trách nặng nề mà đôi khi, có sự lồng ghép mong muốn, hoài bão của bố mẹ trong đó. Các bậc phụ huynh hãy cùng nhà trường, giáo viên giúp các con tự tin, biến các môn học thành niềm đam mê, để mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Hãy cùng giúp các em phát huy năng lực của cá nhân và nên hiểu rằng, kết quả học tập không đánh giá nhân cách, đạo đức hay đại diện cho tâm hồn.
Hãy ngừng nói “trăm sự nhờ cô”!
“Trăm sự nhờ cô” là câu cửa miệng của không ít bậc phụ huynh trong các buổi trao đổi, làm việc với giáo viên, nhà trường. Có một thực tế, nhiều bố mẹ không có thời gian dành cho con. Và như thế, nhà trường ngoài việc là nơi đào tạo, giáo dục học sinh, còn là nơi gửi gắm nốt "phần còn lại” của những người bố, người mẹ cho con cái mình. Họ làm ngày làm đêm, có nhiều tiền bạc, đầu tư cho con cái tham gia các khóa học ở khắp mọi nơi có thể. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn ép con cái tham gia 3 lớp học khác nhau trong ngày. Có em vừa kết thúc lớp học này, lập tức vội vã lên đường đến một lớp học khác.
Trong suy nghĩ của một số cha, mẹ các em, việc cố gắng tạo ra nhiều của cải vật chất để con cái theo các khóa học là sẽ giúp các em thành tài. Rồi cũng lại có một số phụ huynh như thể dùng con cái họ để thỏa mãn giấc mơ của chính bản thân mình.
Việc đặt ra những áp lực cho con cái trong học tập sẽ rất tốt, nếu đó là những mục tiêu được xây dựng khoa học, cùng các giải pháp hợp lý giúp các con phát huy tối đa khả năng bản thân. Nhưng, ở chiều ngược lại, những áp lực xấu xí, kiểu như “con phải đạt được thế này, thế kia” sẽ phản tác dụng, tạo ra những đứa trẻ trầm cảm, lì lợm hay rối loạn phương hướng. Ngoài việc học, các con cần có những niềm vui, sở thích của lứa tuổi. Các con cần những chuyến dã ngoại, những lần về quê, buổi sinh hoạt ngoại khóa vui vẻ.
Phụ huynh nên làm bạn với các con mình, đồng hành cùng những giấc mơ, hoài bão của con và hãy ngừng nói “trăm sự nhờ cô”. Thay vào đó, hãy thường xuyên tương tác với nhà trường, với con cái mình để cùng hướng tới chất lượng giáo dục tốt đẹp và sự phát triển tối ưu của các con trong niềm đam mê, yêu thích.
Cô Nguyễn Thị Tuyết trường THCS Gia Lâm, Hà Nội