Đừng lấy chồng vì chống ế

Khánh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi độ Tết về, tôi lại ngán ngẩm khi nghĩ đến cảnh về quê đi chúc Tết họ hàng, rồi ai cũng hỏi “bao giờ lấy chồng", không phải ngày thường họ không hỏi mà mật độ hỏi ngày Tết tăng cao, cứ như thể “năm mới là phải lấy chồng".

Với các cụ ở quê “trai lớn lấy vợ gái lớn gả chồng", nghĩa là ai cũng phải lấy vợ lấy chồng, tự nhiên lại lọt lại một đứa mãi không lấy chồng như tôi khiến mọi người không thể để ý. Và vì để ý nên thấy tôi là họ nhắc, thấy bố mẹ tôi là họ hỏi, đôi lúc bực quá tôi phải đáp lại “chuyện cháu lấy chồng hay không có liên quan gì đến cô/chú không mà sao hỏi cháu mãi thế". Và đương nhiên họ sẽ có một bài phân tích dài tám trăm trang về chuyện vì sao cần phải lấy chồng.
Cũng may bản thân tôi kiên định, tôi sẽ chỉ lấy chồng khi nào tôi gặp được đúng người và muốn gắn bó. Đã có quá nhiều tấm gương “lấy chồng chống ế" mà tôi đã thấy, hầu hết sau đó họ đều hối hận vì quyết định khi đó của bản thân.
 Ảnh minh họa.
Cô của tôi, cũng thuộc dạng ngoan ngoãn chăm chỉ ưa nhìn nhưng không hiểu sao mà “vô duyên" đến nỗi ở quê không thanh niên nào ngỏ ý muốn cưới xin. Thế là cô tôi trở thành gái ế của dòng họ, của làng xã. Đi ra đi vào, cứ thấy mặt cô là người ta nói đông nói tây, nói nhiều quá cô cảm thấy áp lực mệt mỏi, cuối cùng cô quyết định lấy một người đàn ông ở xã bên đã ly hôn vợ. Đến giờ khi đã có 2 mặt con, cô vẫn nói “nếu không phải ngày xưa người ta nói ra nói vào nhiều quá thì cô cũng không lấy chồng, lấy chồng muộn giờ lo con cái vất vả, chưa kể chồng thì không phụ được gì, một mình phải lo chèo chống gia đình, khác gì không chồng đâu".
Tại sao cô tôi không đến nỗi nào nhưng lại chấp nhận lấy một người chồng vô năng, là vì cái mác ế, đối với nhiều người gái ế giống như một món đồ quá hạn, cho không ai lấy, nên nếu có ai đó lấy thì đó là điều may mắn. Thế nên họ luôn bị xem thường. Nhưng đó là thời của cô tôi, cách tôi hơn 20 năm về trước. Còn thời của tôi bây giờ, cũng không hiếm những cô gái vì áp lực “chống ế" mà gật đầu lấy đại một ai đó, kết quả là về sống với nhau không được bao lâu thì ly hôn.
Phụ nữ ngày nay không như xưa nữa, phụ nữ ngày nay độc lập tự chủ về kinh tế, họ hoàn toàn có thể tự lo cho mình một cuộc sống tự do mà không cần phụ thuộc vào ai. Nên họ không chấp nhận chuyện lấy chồng để “chống ế". Và khi ai đó hỏi tôi “bao giờ lấy chồng?” thì cuộc đối đáp sẽ diễn ra như thế này:
- Bao giờ cho bác ăn cỗ?
- Bác thích ăn qua nhà cháu lúc nào cũng có cỗ cho bác ăn
- Bác muốn ăn cỗ cưới, lấy chồng đi chứ chờ đến bao giờ?
- Thế tại sao cháu phải lấy chồng?
- Để đẻ con
- Không lấy chồng cháu vẫn đẻ được mà!
- Thì lấy cho có người chăm lo, chứ ở một mình mãi à?
- Chắc gì lấy chồng được có người chăm, có khi mình còn phải chăm ngược lại ấy chứ.
- Thôi, lấy chồng đi, lỡ ốm đau có người lo.
- Cháu chỉ cần kiếm nhiều tiền là được, khi ấy khắc có người lo tận răng.
- Mày nói thế thì chịu.
Điều này cho thấy, trong quan điểm của phần đông người vẫn cho rằng, phụ nữ vô dụng, phải sống dựa vào đàn ông. Lấy chồng chẳng qua chỉ là cần tìm một chỗ dựa. Nhưng thực tế hiện nay, phụ nữ độc lập tự chủ, họ đâu cần dựa vào ai? Vậy tại sao lại phải tự đeo một cái gông mà mình không muốn?
Nói như vậy không có nghĩa tôi phản đối chuyện lấy chồng. Chồng đương nhiên sẽ lấy nếu gặp được một người phù hợp và bản thân mình cảm thấy muốn sống cùng họ cả đời một cách vui vẻ, chứ không phải lấy họ vì thấy mình cần phải lấy chồng.
Tết sắp đến, hy vọng những người thân anh chị cô dì chú bác, nếu có quan tâm đến con cháu mình thì hãy nói với họ rằng “cứ sống vui vẻ thoải mái đi, chồng con thích lấy thích đẻ lúc nào cũng được", chứ đừng vừa thấy mặt nhau đã hỏi “bao giờ lấy chồng", bởi vì câu hỏi này bạn có thể khiến họ không muốn gặp bạn, không muốn trở về với gia đình trong những kỳ nghỉ.
Gửi những cô gái vẫn đang tự do, ai nói gì là chuyện của họ, mình cần sống cuộc đời của mình, nếu bản thân còn cảm thấy có chút gì đó “lấn cấn" thì đừng vội quyết định. Cuộc đời của mình, đúng hay sai đều do bản thân mình chịu, sẽ không ai có thể sống dùm bạn được.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần