Lễ hội Xuân Nhâm Dần:

Dừng phần hội nhưng vẫn đảm bảo trang nghiêm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần, lễ hội trên địa bàn Hà Nội diễn ra theo đúng quy định, hoạt động phần hội được tạm dừng, các nghi lễ thực hiện nhỏ gọn, đảm bảo thành kính, trang nghiêm.

Thực hiện nghi lễ trang nghiêm

Ngày mùng 6/2 (mùng 6 Tết), đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội dâng hương tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh (TP Hà Nội) nhân kỷ niệm 1.982 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Trong không khí trang nghiêm, linh thiêng của Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội cùng các đại biểu đã dâng hương, tưởng nhớ, tri ân Hai Bà Trưng - hai nữ anh hùng kiệt xuất của dân tộc.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội dâng hương tưởng nhớ Hai Bà Trưng.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội dâng hương tưởng nhớ Hai Bà Trưng.

Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện các chỉ đạo của T.Ư, Hà Nội dừng tổ chức lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng, diễn ra vào mùng 6 Tết Nguyên đán hàng năm. Nghi lễ dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Hai Bà Trưng của Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội được thực hiện theo đúng các quy định về phòng dịch Covid-19.

Cùng ngày, tại Đền Thượng - Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Sóc (huyện Sóc Sơn), các nghi lễ dâng hương, tế lễ được thực hiện từ sáng sớm, với sự tham gia của lãnh đạo và đại diện Nhân dân địa phương.

Hàng năm, Hội đền Sóc diễn ra nhiều nghi lễ độc đáo, đậm màu sắc văn hóa truyền thống như: Lễ mộc dục, lễ rước phẩm vật, lễ dâng hương, lễ hóa voi và ngựa… cùng sự tham gia của nhiều làng lân cận cũng như đông đảo khách thập phương. Tuy nhiên trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần, để ngăn chặn những nguy cơ từ dịch Covid-19, hội đền Sóc năm nay tiếp tục tạm dừng, chỉ duy trì phần lễ tri ân các bậc tiên thánh. Trưởng thôn Vệ Linh (xã Phù Ninh, huyện Sóc Sơn) Nguyễn Công Huấn chia sẻ: “Dù có buồn vì thêm một hội Xuân lỗi hẹn, song chúng tôi xác định cần tuân thủ nghiêm các quy định để bảo vệ cộng đồng”.

Chùa Hương vắng lặng trọng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Chùa Hương vắng lặng trọng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Tại chùa Hương, trong ngày khai hội hàng năm (mùng 6 tháng Giêng), di tích đón khoảng 80.000 du khách. Nhưng năm nay, theo Trưởng ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển: “Chùa Hương không tổ chức lễ hội. Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn tạo điều kiện cho 1 - 2 đoàn đại diện cho Nhân dân địa phương, thực hiện các nghi lễ tại các di tích trong khu vực chùa Hương. Những người tham gia phải thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch”.

Trước đó, ngày 5/2 (mùng 5 Tết), lãnh đạo TP Hà Nội đã tới dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa nhân kỷ niệm 233 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2022). Theo Trưởng ban Quản lý Công viên Văn hóa Đống Đa Lê Ngọc Tú, các nghi lễ được thực hiện theo quy mô nhỏ, bảo đảm trang nghiêm, thành kính, tuân thủ đầy đủ yêu cầu về phòng, chống dịch. Thời gian này, công viên vẫn tiếp tục đóng cửa, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí như mọi năm.

Tập trung các biện pháp phòng, chống dịch

Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, từ lối chính vào khu di tích đền Sóc, UBND xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn) đã thiết lập chốt chặn với sự tham gia của lực lượng công an, dân quân, thanh niên tình nguyện; thực hiện nhiệm vụ thông báo đến các du khách về việc khu di tích sẽ tạm thời đóng cửa cho đến hết ngày 15/2/2022. Đồng thời, hướng dẫn, phân luồng các phương tiện di chuyển rời khỏi khu vực di tích.

Chốt chặn được thiết lập tại lối ra vào khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc.
Chốt chặn được thiết lập tại lối ra vào khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc.

Sáng 6/2, một bộ phận du khách chưa nắm bắt được thông tin về việc Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc đóng cửa vẫn đến với hy vọng được vào làm lễ, tham quan, du Xuân. Tuy nhiên, du khách đã được tuyên truyền, nhắc nhở để quay về. Đại diện UBND xã Phù Linh cho biết, hiện nay, chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục thông tin trên hệ thống phát thanh cơ sở về việc tạm thời đóng cửa khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc để phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, bố trí lực lượng túc trực thường xuyên, giám sát, nhắc nhở, hướng dẫn du khách chấp hành các quy định để bảo đảm an toàn.

Tương tự, tại chùa Hương, Trưởng Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết: Trong dịp Tết, một số người dân chưa biết về việc tạm dừng tổ chức lễ hội vẫn về chùa Hương. Vì vậy, Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn đã tuyên truyền để bà con trở về. Người dân dù có nhu cầu hành hương, vãn cảnh chùa ở khu vực Thiên Trù cũng không được phép vào chùa.

Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Sở VH&TT Hà Nội cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn TP và công bố rộng rãi đường dây nóng phản ánh thông tin liên quan đến hoạt động trên. Theo đó, Sở VH&TT Hà Nội đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra công tác phòng chống dịch trong hoạt động di tích và nghi lễ từ ngày 5/2. Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra tại nhiều địa bàn như Mỹ Đức, Sóc Sơn, Mê Linh… các địa phương đã thực hiện nghiêm túc việc  dừng tổ chức phần hội, chỉ thực hiện các nghi lễ. Ngay từ cổng vào và các khu vực quanh di tích đều được lập các chốt chặn, có lực lượng ứng trực, nhắc nhở, vận động người dân và du khách chấp hành nghiêm các quy định của khu di tích.

Thời gian tới, các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội sẽ tiếp tục siết chặt quản lý lễ hội; duy trì tuyên truyền vận động cũng như lập tổ kiểm tra, giám sát, nhắc nhở tại các địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần