Đừng tham bát bỏ mâm

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản gửi các đơn vị đề nghị kiểm soát chặt các nội dung kê khai khi đến nộp hồ sơ kê khai giá, kiên quyết không cho kê khai tăng giá cước khi không có đủ cơ sở.

Văn bản chỉ đạo trên của Sở GTVT được ban hành đúng vào thời điểm xuất hiện những lo ngại về việc sẽ có nhiều DN vận tải tăng giá cước trong bối cảnh giá xăng, dầu liên tục lập đỉnh trong thời gian qua. Giới quan sát cho rằng, động thái trên của Sở GTVT Hà Nội là rất kịp thời và cần thiết.

Thoạt nhìn, việc tăng giá cước vận tải khi giá xăng, dầu tăng cao là chính đáng và phù hợp với quy luật vận động của thị trường. Bởi đơn giản, giá xăng, dầu luôn chiếm 35 – 40% trong cơ cấu giá thành vận tải. Khi giá xăng, dầu có sự dao động thì cước vận tải cũng thường được điều chỉnh cho phù hợp. Điều này giúp các DN vận tải đảm bảo cơ cấu thu – chi, tránh thua lỗ trong làm ăn kinh doanh. Tuy nhiên, đó là về mặt lý thuyết. Còn trên thực tế, không phải khi nào giá cước vận tải cũng phải điều chỉnh lên xuống theo giá xăng, dầu. Đó là khi chúng ta cần giữ cước vận tải ở mức ổn định nhằm đảm bảo an sinh xã hội cũng như những mục tiêu khác cao hơn và mang tính bền vững.

Bởi thứ nhất, giá xăng, dầu trong nước tăng cao và liên tục “phá kỷ lục” trong thời gian qua do ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng, dầu thế giới, trong đó có một phần không nhỏ từ tình hình chiến sự Nga – Ukraine. Đây là tác nhân có ảnh hưởng nhanh, mạnh nhưng thường mang tính thời điểm và không có tính lâu dài. Bằng chứng là trong tuần vừa qua, giá dầu thô trên thế giới đã bắt đầu giảm.

Nguyên nhân thứ hai là việc tăng giá cước vận tải vào lúc này, nếu không được kiểm soát chặt chẽ và tính toán phù hợp hoàn toàn có thể dẫn đến những hiệu ứng xấu tới đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, điều dễ xảy ra nhất là sẽ có khả năng nhiều DN lợi dụng việc giá xăng, dầu tăng để “té nước theo mưa”, tăng giá cước một cách ồ ạt, vô tội vạ, gây nhiễu loạn thị trường vận tải.

Xin nhắc lại, trong chỉ đạo mới nhất, Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh phải kiểm soát chặt những nội dung kê khai của các đơn vị khi đến nộp hồ sơ kê khai giá, không cho kê khai tăng giá cước khi không có đủ cơ sở. Điều này có nghĩa là các DN vận tải phải kê khai giá cước ở mức hợp lý, nếu có tăng phải đúng cơ sở, đúng chi phí hợp lý phát sinh. Rõ ràng, chỉ đạo mà Sở GTVT Hà Nội đưa ra vừa giúp ngăn chặn được tình trạng DN lợi dụng giá xăng, dầu tăng để tăng giá cước ồ ạt đồng thời cũng định hướng cho các DN vận tải trong việc điều chỉnh giá cước sao cho phù hợp.

Hoạt động vận tải, đặc biệt với vận tải hành khách bằng ô tô mới vừa phục hồi sau dịch Covid-19 chưa được bao lâu và hiện vẫn đang đối mặt với rất nhiều chông gai. Trong bối cảnh hiện tại, khi các DN vận tải quyết định tăng giá cước hay không và tăng ở mức nào cũng cần phải cân nhắc và tính toán thật kỹ. Bởi, để có thể phục hồi một cách bền vững, lâu dài, điều quan trọng nhất với vận tải là hút khách trở lại. Tăng giá cước vào lúc này có thể giải quyết được vấn đề bù chi trước mắt nhưng sẽ là “con dao hai lưỡi” với các DN vận tải. Bởi khi DN "tham bát bỏ mâm”, tăng giá cước ồ ạt thì khách hàng có thể sẽ chuyển sang tìm phương án vận chuyển khác kinh tế hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần