Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dùng Toa căn bản thuốc Nam trị ho

Bác sĩ Nguyễn Phú Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Toa căn bản thuốc Nam được BS Nguyễn Văn Hưởng (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) cùng các vị lương y miền Nam tập hợp và đúc kết kinh nghiệm 10 vị thuốc đã sử dụng hiệu quả từ thời kháng chiến chống pháp đến nay trong điều trị các bệnh và chứng thông thường trong đó có chứng ho.

Bài thuốc gồm 10 vị: Rễ tranh, rau má, muồng trâu, cỏ mực, cỏ mần chầu, cam thảo đất, ké đầu ngựa, gừng, củ sả, vỏ quít.

Nếu người bệnh mới ho ta có thể gia các vị thuốc:

Húng chanh: Rau tần lá dày, rau thơm lông. Cây cỏ, sống lâu năm, cao 20 - 50cm. Lá mọc đối, dày cứng, dòn, mọng nước, mép khía răng tròn. Hai mặt lá màu xanh lục nhạt. Hoa nhỏ, màu tím đỏ mọc thành bông ở đầu cành. Công dụng: Chữa cảm, cúm, sốt cao, sốt không ra mồ hôi được, ho, hen, ho ra máu, viêm họng, khản tiếng, nôn ra máu, chảy máu cam. Ngày dùng 8 - 16g dạng thuốc sắc, thuốc xông hoặc giã nát, thêm chút muối gạn lấy nước uống hoặc ngậm nuốt từ từ.

Rẻ quạt: Xạ can, lưỡi đòng. Cây cỏ, sống nhiều năm, cao 0,5 - 1m. Lá hình dải, có bẹ mọc ốp vào thân và xòe ra như cái quạt. Gân lá song song mọc sít nhau. Cây được trồng ở nhiều nơi. Bộ phận dùng: Thân rễ; dùng tươi hay phơi hay sấy khô. Thân rễ chứa belamcandin, tectoridin, iridin, shekanin. Công dụng: Kháng khuẩn, tiêu viêm, tiêu đờm. Chữa ho, ho gà, viêm họng, khản tiếng viên amidan. Ngày 4 - 8g sắc uống.

Sâm đại hành: Hành đỏ, tỏi đỏ, sâm cau, tỏi lào. Cây cỏ, cao 30 - 40cm, sống nhiều năm, thường lụi vào mùa khô. Thân hành có màu đỏ tía. Lá hình mác dài, có bẹ, gốc và đầu thuôn nhọn, nhiều gân song song. Hoa màu trắng mọc thành chùm trên một cuống chung dài. Quả nang, nhiều hạt. Cây mọc hoang, được trồng ở nhiều nơi. Bộ phận dùng: Thân hành. Thu hái khi cây tàn lụi. Phơi hoặc sấy nhẹ. Thân hành chứa các hợp chất quinoid: eleutherin, isoeleutherin, eleutherol. Công dụng: Cầm máu trong chứng ho ra máu, kháng khuẩn, chống viêm trong viêm họng, ho gà, mụn nhọt. Ngày 4 - 12g dạng sắc, hãm.

Nếu người bệnh ho đã lâu ta có thể gia vị thuốc:

Dâu tằm: Cây được trồng để lấy lá nuôi tằm, quả nấu rượu và làm thuốc. Bộ phận dùng: Lá, vỏ rễ và quả. Dùng tươi hoặc phơi khô. Lá chứa acid amin tự do; protid, vitamin C, B1, D; acid hữu cơ: succinic, propionic, isobutyric..., tanin. Quả có đường, protid, tanin, vitamin C. Công dụng: Chữa cảm ho, mất ngủ: Ngày 6 - 18g lá sắc uống. Chữa hen suyễn, tiểu tiện ít, thấp khớp, đau nhức xương: Ngày 6 - 12g vỏ rễ sắc uống.

Mạch môn: Tóc tiên, lan tiên. Cây cỏ sống nhiều năm, không có thân. Rễ chùm phình lên thành củ. Lá hẹp, dài, mọc thẳng từ gốc, mặt trên xanh sẫm, mặt dưới trắng nhạt, nhiều gân song song. Hoa nhỏ màu lục nhạt, tập trung thành một chùm trên cuống chung dài. Quả mọng, màu tím. Cây mọc hoang ở núi đá vôi và được trồng ở khắp nơi làm cảnh và làm thuốc. Rễ củ của những cây trồng được hơn 2 năm. Thu hái từ tháng 9 - 12. Rửa sạch, cắt bỏ rễ nhỏ và hai đầu, tách bỏ lõi. Phơi hoặc sấy khô. Rễ củ chứa chất nhầy, đường glucosa, fucosa, rhamnosa, xylosa, (-sitosterol, ophiopogenin A, B, C, D, ruscogenin. Công dụng: Thuốc long đờm chữa ho, lao phổi, ho ra máu, thổ huyết, sốt nóng âm ỉ về chiều, chảy máu cam, táo bón. Ngày 6 - 20g rễ củ dạng thuốc sắc.

Ho là triệu chứng của nhiều bệnh, nếu không cải thiện được chứng ho bằng ngững thảo dược thuốc Nam, phải tìm ra bệnh để chữa tận gốc bệnh thì chứng ho sẽ được cải thiện.