Đừng vì tiếc một phút điện thoại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong các hành vi phạm luật khi tham gia giao thông trên đường, có một việc tưởng như đơn giản, nhưng lại là nguyên nhân của nhiều vụ TNGT thương tâm cướp đi sinh mạng của nhiều con người, đó là vừa nghe điện thoại vừa điểu khiển phương tiện giao thông.

 Chỉ một sai lầm nhỏ mà biết bao người lái xe đã phải trả giá, vì tiếc một vài phút dừng xe lại để nghe điện thoại đã khiến vợ mất chồng, con mất cha.

Hành vi nguy hiểm

Hiện nay, ra đường không khó để bắt gặp những người vừa lái xe vừa nghe điện thoại. Hành vi nguy hiểm đó xuất hiện ở tất cả các loại phương tiện giao thông trên đường bộ như ô tô, xe máy, thậm chí cả xe đạp. Có thể coi đây là một trong những lỗi phổ biến nhất vì hiện nay, mức độ phổ thông của điện thoại di động rất cao, hầu như ai cũng sở hữu ít nhất một chiếc, từ học sinh cho đến người đi làm.
Vừa điều khiển xe máy vừa sử dụng điện thoại rất dễ gây tai nạn giao thông.                      Ảnh: Phạm Hùng
Vừa điều khiển xe máy vừa sử dụng điện thoại rất dễ gây tai nạn giao thông. Ảnh: Phạm Hùng
Qua quan sát của chúng tôi, mỗi khi người lái xe, nhất là xe máy rút điện thoại di động ra nghe thì sự chú ý của họ trên đường đi giảm đi rất nhiều. Theo dõi một số người vừa nghe điện thoại vừa lái xe thì thấy, hầu hết các hành vi đó đều rơi vào giới trẻ ở độ tuổi 17 - 30. Nhiều bạn trẻ được hỏi thừa nhận, mỗi khi đang đi trên đường mà có cuộc gọi đến là họ lập tức rút điện thoại ra nghe ngay mà không chịu dừng xe lại, tấp vào lề đường. Không ít người đã bị ngã do sử dụng điện thoại trong khi chỉ lái xe bằng một tay nên không thể giữ thăng bằng. Nhẹ thì phải nghỉ học, nghỉ làm cả tuần do trật khớp và tổn thương đầu gối, nặng thì nằm viện cả tháng.

Trong một cuộc hội thảo về ATGT, các nhà khoa học đã phân tích rất kỹ về sự nguy hiểm khi nghe điện thoại lúc đang lái xe. Bình thường bộ não người phải dùng 100% sự tập trung cho việc lái xe thì mới đảm bảo an toàn, nhưng khi vừa nghe điện thoại vừa lái xe thì sự tập trung cho những tình huống trên đường chỉ còn là 30 - 40%. Do đó, nếu nghe điện thoại khi đang lái xe thì khả năng gặp tai nạn sẽ tăng lên đáng kể, do bộ não không thể xử lý tốt một lúc hai công việc.

Có thể nhiều người không tin, nhưng các lái xe nghe điện thoại xử lý tình huống còn chậm hơn lái xe uống rượu bia. Một cuộc nghiên cứu ở Anh đã chứng minh điều đó. Các nhà khoa học yêu cầu lái xe phanh gấp khi xe đang chạy với vận tốc 113km/giờ. Những tài xế có chút hơi men phải đi hơn 4m so với một lái xe bình thường mới dừng lại được, nhưng một người sử dụng điện thoại cầm tay phải chạy thêm 8m (gấp đôi quãng đường) trước khi dừng lại được. Kết quả kiểm tra não cho thấy, lái xe sử dụng điện thoại có phản ứng chậm hơn 30% so với tài xế có uống rượu bia.

Cần phạt nặng thay vì chỉ nhắc nhở

Nhiều người đều biết nguy cơ tai nạn cao khi vừa nghe điện thoại vừa lái xe, nhưng lại cố phớt lờ sự nguy hiểm đó, cố tiếc một vài phút, thậm chí vài giây để phải trả giá bằng cả cuộc đời. Không chỉ nghe điện thoại, nhiều lái xe hiện nay còn có "thú vui" vừa lái xe vừa soạn tin nhắn. Đây là việc làm rất nguy hiểm, thể hiện sự coi thường tính mạng của bản thân và những người ngồi sau. Ra đường, ngày nào cũng thấy những hình ảnh người lái xe, cả xe máy và ô tô nghe điện thoại, nhắn tin, thậm chí chat. Khi bị nhắc nhớ, phần lớn những người có hành động nguy hiểm đó không thèm quan tâm, một số người quay sang cãi lại, gây sự vì cho rằng đã can thiệp vào việc riêng của họ. Đó là những lời nhắc nhở của người dân thường, còn khi CSGT "tuýt còi", một số người vi phạm bỏ chạy. Đây là tình trạng đáng báo động ở một bộ phận người tham gia giao thông cố tình coi thường luật pháp.

Bên cạnh đó, có một nguyên nhân khác làm tăng hành vi vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại. Với tình trạng mật độ giao thông đông và ùn tắc ở Hà Nội như hiện nay thì khi CSGT phát hiện thấy một người lái xe đang nghe điện thoại, họ cũng rất khó gọi người đó vào xử phạt vì nếu làm vậy có thể gây ùn tắc. Phần lớn người vi phạm lỗi này chỉ bị CSGT nhắc nhở nên sinh ra tâm lý chủ quan, coi nhẹ.

Muốn chấm dứt tình trạng nghe điện thoại trong khi lái xe, nhất thiết phải kiên quyết xử phạt và phạt nặng, vì đây là hành vi rất nguy hiểm cho ATGT. Bên cạnh việc xử phạt quyết liệt, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục tại các trường học, cơ quan, tổ chức bằng cách phát động thành một phong trào rộng rãi "không dùng điện thoại khi lái xe".

Một cuộc điện thoại thường chỉ kéo dài khoảng một phút, thậm chí chỉ vài chục giây, số thời gian đó cũng giống như việc dừng xe trước đèn đỏ mà ta vẫn làm hàng ngày mà thôi. Đừng vì tiếc một phút, vội một chút mà phải trả giá bằng chính tính mạng của mình!