Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Được, mất nếu Mỹ bắn hạ tên lửa của Triều Tiên

Lan Hương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố cân nhắc “tất cả các lựa chọn” nhưng quyết định bắn hạ tên lửa sẽ không được đưa ra một cách đơn giản.

Vụ phóng tên lửa bay qua Nhật Bản của Triều Tiên đã gia tăng áp lực lên Washington về việc bắn hạ các vụ thử tên lửa tiếp theo mặc dù giới chức Mỹ cũng lo ngại về các leo thang nguy hiểm với Bình Nhưỡng.
Mối quan tâm đang đổ dồn vào khả năng đánh chặn tên lửa Triều Tiên của Mỹ sau vụ cuộc phóng tên lửa đạn đạo hôm 29/8.
 
Việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa Hwasong-12 tầm trung qua đảo Hokkaido ở phía Bắc Nhật Bản đã cho thấy, quyết tâm theo đuổi các biện pháp trừng phạt và các cuộc tập trận phô diễn lực lượng xung quanh bán đảo Triều Tiên không mấy tác dụng trong việc ngăn cản lãnh đạo Triều Tiên ngừng các vụ phóng tên lửa.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vừa cam kết, quân đội sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa nào gây ra nguy hiểm đến lãnh thổ Mỹ hay các nước đồng minh.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng không có gì đảm bảo rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Washington, bao gồm các tàu chống tên lửa đạn đạo Aegis trong khu vực và các Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) đặt tại Guam và Hàn Quốc sẽ bắn trúng mục tiêu, dù các bài kiểm tra cho thấy kết quả thành công gần đây.
Một nỗ lực thất bại sẽ khiến Mỹ “bẽ mặt” và có thể kích động Triều Tiên - đã tiến hành 2 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công Mỹ trong năm nay.
Washington đã chi 40 tỷ USD trong 18 năm nghiên cứu và phát triển thành hệ thống phòng thủ tên lửa nhưng chưa bao giờ đưa vào sử dụng trong điều kiện thời chiến.
Một số chuyên gia lưu ý rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ giờ đây đã nhắm đến việc bắn hạ một tên lửa, hoặc có thể là một số nhỏ các tên lửa. Nhưng nếu công nghệ tên lửa của Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển, hệ thống phòng thủ của Washington có thể bị choáng ngợp.
Michael Elleman, một chuyên gia về tên lửa tại trung tâm nghiên cứu ở Washington, Mỹ cho biết, sẽ không đáng ngạc nhiên lắm nếu hệ thống phòng thủ không bắn phá thành công tên lửa của Triều Tiên.
"Việc phòng thủ tên lửa không cung cấp một lá chắn bảo vệ chống lại tên lửa mà giống như phòng không. Các hệ thống này được thiết kế để giảm thiểu thiệt hại mà có thể gây ra, "ông nói.
Một quan chức Mỹ nói rằng quân đội sẽ đặc biệt thận trọng khi bắn hạ một tên lửa của Triều Tiên để đảm bảo không gây ra mối đe dọa trực tiếp vì nguy cơ thương vong gây ra với dân thường là vô cùng lớn.
Bên cạnh đó, nếu Mỹ quyết định bắn hạ tên lửa nước này cũng phải đối mặt với khả năng trả đũa rất cao từ Bình Nhưỡng.
Các quan chức tình báo và quân đội Mỹ cảnh báo, Triều Tiên có thể phóng một loạt các tên lửa và pháo binh vào các căn cứ quân sự của Mỹ và Hàn Quốc để phản ứng lại bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào.