[Được, mất trái phiếu doanh nghiệp] Bài 4: Nhiều lỗ hổng trên thị trường

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt nhà đầu tư bỏ tiền tỷ mua trái phiếu vì tin tưởng, trái phiếu DN được Ủy ban Chứng khoán cấp phép, thông tin công khai trên website Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, DN tiếng tăm…

Tuy nhiên, thực tế, trái phiếu DN (TPDN) phát hành riêng lẻ chỉ được bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hình thức tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý không cấp phép phát hành. Rất nhiều lỗ hổng trên thị trường trái phiếu vẫn đang tồn tại và cần được điều chỉnh, hoàn thiện để bảo vệ nhà đầu tư.

>>> Bài 1: “Hô biến” thành nhà đầu tư chuyên nghiệp

>>> Bài 2: Trong mê trận trái phiếu doanh nghiệp

>>> Bài 3: Gian nan hành trình đòi lại tiền

Khoảng trống quản lý, giám sát thị trường

Thời gian qua, không thể phủ nhận, TPDN đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả của DN bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Thông tin từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng khối lượng phát hành TPDN trong nước 3 tháng đầu năm 2022 đạt xấp xỉ 40.000 tỷ đồng; năm 2021, đạt trên 658.000 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2020.

Tính chung 5 năm qua, thị trường TPDN Việt Nam tăng trưởng bình quân 46%/năm. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng cũng khiến kênh huy động vốn này bộc lộ nhiều bất cập.

Theo các chuyên gia, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán cần đưa ra các giải pháp để ngăn ngừa, “tiền phòng - hậu kiểm”, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và các công ty hoạt động trên các thị trường tài chính.
Theo các chuyên gia, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán cần đưa ra các giải pháp để ngăn ngừa, “tiền phòng - hậu kiểm”, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và các công ty hoạt động trên các thị trường tài chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng cho biết, những vụ việc vừa qua, đặc biệt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 đợt phát hành trái phiếu do che giấu thông tin đã bộc lộ bất cập, đặc biệt về cơ chế chính sách để bị lợi dụng.

“Đó là sự thiếu minh bạch thông tin, điều kiện phát hành lỏng lẻo, sử dụng vốn sai mục đích, chuyển nhượng vốn lòng vòng, tỷ lệ an toàn tài chính, tiêu chí đánh giá xếp hạng... của DN phát hành và sự giám sát, kiểm tra, quản lý của cơ quan chủ quản và các cơ quan tổ chức liên quan chưa chặt chẽ, hiệu quả, quyết liệt... Vẫn còn những khoảng trống pháp lý để quản lý, giám sát thị trường. Nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch TPDN” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) Hoàng Hải Anh, hiện, khung quy định pháp luật chưa thực sự đạt hiệu quả quản lý, giám sát và định hướng dòng vốn. Cách thức triển khai phát triển thị trường trái phiếu chưa được đánh giá hết mức độ ảnh hưởng khi bắt đầu. Bên cạnh đó, nhận thức của nhà đầu tư về rủi ro của các loại TPDN và thông tin cung cấp đến nhà đầu tư chưa thực sự minh bạch.

Một trong những lỗ hổng lớn của thị trường TPDN Việt Nam hiện nay là sự phân biệt chưa hiệu quả giữa thị trường công khai và thị trường phát hành riêng lẻ. Thị trường công khai là nơi trái phiếu đủ điều kiện được bán cho tất cả nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân hay nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trái phiếu phát hành trên thị trường này cần phải có tiêu chuẩn cao trong việc công bố thông tin và cần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, trong trường hợp này là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ngược lại, thị trường phát hành riêng lẻ là nơi trái phiếu chỉ được bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp có đủ năng lực tài chính và kỹ thuật để phân tích thông tin cũng như đưa ra quyết định đầu tư. Ngoài ra, hạn chế khác trên thị trường TPDN Việt Nam là tính minh bạch nói chung chưa như kỳ vọng. Việc xếp hạng tín nhiệm trái phiếu chưa đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường. Do đó, thiếu sự giám sát đầy đủ giúp các nhà đầu tư đánh giá rủi ro của trái phiếu.

Vá lỗ hổng thế nào?

Phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa nhận những bất cập trong vận hành thị trường TPDN hiện nay. "Chúng tôi đã nhận diện được lỗ hổng trong các quy định pháp luật và đã có nhiều cảnh báo. Những động thái xử lý vừa qua của cơ quan chức năng là cần thiết để làm trong sạch thị trường, giúp đi vào nền nếp" - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ.

Góp ý để phát triển thị trường minh bạch, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường chứng khoán nói chung, thị trường trái phiếu DN nói riêng.

Cần chủ động rà soát và tiếp tục hoàn thiện thể chế, sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế.

Cùng với đó, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu.

“Ngoài ra, cần sớm phát triển các thể chế xếp hạng tín nhiệm DN và trái phiếu DN ở Việt Nam để đa dạng hóa căn cứ khách quan, độ tin cậy cho việc ra quyết định của các nhà đầu tư đồng thời giúp minh bạch hóa thị trường. Theo tinh thần đó, Bộ Tài chính cần đưa ra các giải pháp để ngăn ngừa, “tiền phòng - hậu kiểm” để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và các công ty hoạt động trên các thị trường tài chính” - TS Nguyễn Minh Phong nói.

Bộ Tài chính cũng đang đề xuất một số chính sách để tăng công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị trường TPDN. Đó là thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu cũng như DN phát hành. Đồng thời hướng dẫn cụ thể về điều kiện phát hành, hồ sơ chào bán, trong đó yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu.

Bên cạnh đó, quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng nhà đầu tư cá nhân mua các TPDN có tính an toàn, công khai, minh bạch hơn. Đặc biệt, bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Bổ sung quy định về trách nhiệm nhằm chấn chỉnh các tổ chức cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp.

Dự thảo Nghị định đã lấy ý kiến rộng rãi qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin của Bộ Tài chính, ý kiến của các bộ, ngành liên quan, ý kiến bằng văn bản và đối thoại trực tiếp với thành viên thị trường. Hiện nay, Nghị định đang được hoàn thiện để gửi Bộ Tư pháp thẩm định trình Chính phủ ban hành.

 

"“Gợn đục khơi trong”, “bắt sâu nhổ cỏ”, xử lý các vi phạm trên thị trường là cần thiết. Song “đánh chuột không được làm vỡ bình” cũng là yêu cầu thực tế đặt ra cấp thiết trong quản lý quá trình phát triển lành mạnh và bền vững các thị trường vốn nói chung, thị trường trái phiếu DN nói riêng ở nước ta." - Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong

"Những vi phạm trong phân phối TPDN cho nhà đầu tư cá nhân của một số ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán một phần do buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, phần khác do cả nhà phát hành, kênh phân phối lẫn nhà đầu tư cá nhân đều hưởng lợi từ đó. Tổ chức lại kênh phân phối, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong phân phối TPDN phát hành riêng lẻ nhằm bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư chân chính là nội dung quan trọng trong lành mạnh hóa thị trường." - TS Vũ Đình Ánh

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần