Dương Bá Trạc - hào sảng một đời yêu nước

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dương Bá Trạc (1884 - 1944) xuất thân là nhà nho, đỗ đạt khi còn rất trẻ nhưng từ chối quan trường để dấn thân vào con đường duy tân và cứu nước đầy gian khổ hy sinh.

Cuộc đời và sự nghiệp cứu nước của ông đầy hào sảng: “Sáu mươi tuổi lòng son tóc bạc, người vị quốc vốn là người bất tử, cốt sao trả nợ giang sơn” (Bùi Kỷ).

Dương Bá Trạc (1884 - 1944) xuất thân là nhà nho, đỗ đạt khi còn rất trẻ nhưng từ chối quan trường để dấn thân vào con đường duy tân và cứu nước đầy gian khổ hy sinh. Cuộc đời và sự nghiệp cứu nước của ông đầy hào sảng: “Sáu mươi tuổi lòng son tóc bạc, người vị quốc vốn là người bất tử, cốt sao trả nợ giang sơn” (Bùi Kỷ).

Dương Bá Trạc (1884 - 1944)
Dương Bá Trạc (1884 - 1944)

Cả một đời “cốt sao trả nợ giang sơn”

Dương Bá Trạc, hiệu Tuyết Huy, sinh ngày 27/3 năm Giáp Thân (22/4/1884) tại làng Phú Thị, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, trong một đình nhà nho yêu nước.

Rất thông minh, 14 tuổi Dương Bá Trạc đã đi thi, 16 tuổi đỗ cử nhân khoa Canh Tý (1900). Không thi tiếp, không đến chốn quan trường mà ông sớm dấn thân vào sự nghiệp canh tân đất nước.

Năm 1904, nhân Phan Chu Trinh ra Bắc vận động duy tân, Dương Bá Trạc đã cùng cụ lên thăm Đề Thám ở Yên Thế. Năm 1906, khi Phan Chu Trinh từ Nhật trở về, ông lại cùng cụ Phan đi nhiều tỉnh ở miền Bắc để diễn thuyết về chủ nghĩa duy tân tự cường. Tiếp đó, ông lại cùng Tăng Bạt Hổ đi diễn thuyết ở miền Trung, đến huyện Tam Kỳ, Tiên Phước (Quảng Nam) để khảo sát tình hình phong trào duy tân tại đây, đến tận làng Phú Lâm xem trường học duy tân của Lê Cơ. Trong những chuyến đi này ông đã kết giao với rất nhiều người yêu nước đồng chí hướng.

Cuối năm 1906, một số nhà nho ở Hà Nội xúc tiến việc thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục. Dương Bá Trạc nhiệt tình tham gia. Chiều rằm tháng Giêng Đinh Mùi (1907), Dương Bá Trạc diễn thuyết hô hào bỏ lối học cử nghiệp mà noi gương duy tân của Nhật Bản. Ông và Lương Trúc Đàm bị bắt nhưng sau đó được thả.

Tháng 5/1907 mới có giấy phép, nhưng từ đầu năm các nho sĩ đã cho khai trương Đông Kinh Nghĩa Thục. Dương Bá Trạc rất năng nổ, tham gia ba/bốn ban của trường là Cổ động, Giáo dục, Tu thư. Ngoài ra, ông còn sốt sắng tham gia việc quyên góp cho thanh niên đi xuất dương và vẫn giữ mối liên hệ khá chặt chẽ với nghĩa quân Đề Thám.

Sau khi hiệu Hồng Tân Hưng, Đồng Lợi Tế, Đông Thành Xương - những địa điểm liên lạc và cũng là cơ sở gây quỹ của Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa, Dương Bá Trạc cùng các đồng chí lập căn cứ ở rừng núi, mua sắm vũ khí, luyện tập quân sự để chờ cơ hội khởi nghĩa. Bản thân ông nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ Thái Lan về.

Hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục hướng tới mục đích duy tân văn hóa, giáo dục để tự cường giải phóng dân tộc nên có vai trò rất to lớn và nhanh chóng có ảnh hưởng đến phong trào duy tân trong cả nước. Mô hình Đông Kinh Nghĩa Thục nhanh chóng được nhiều địa phương áp dụng.

Chính quyền thuộc địa phát hiện thấy Đông Kinh Nghĩa Thục “đượm một tinh thần yêu nước rất kích động”, là “một phong trào chống đối… lan rộng từ đô thị đến tận vùng thôn quê hẻo lánh” nên đã nhanh chóng tìm cách đối phó bằng cách rút lại giấy phép, giải tán nhà trường, tịch thu tài liệu, cấm các thành viên hoạt động và tiến tới bắt giam các yếu nhân của trường.

Tháng 8/1907, nhân có vụ “Hà thành đầu độc”, sau đó là vụ “xin sưu chống thuế” ở Trung kỳ, chúng đã thẳng tay đàn áp các nhân sĩ yêu nước có liên quan đến nhà trường. Các nhà nho của Đông Kinh Nghĩa Thục, trong đó có cha con Dương Trọng Phổ - Dương Bá Trạc bị bắt và đày ra Côn Đảo.

Năm 2010, Dương Bá Trạc mới được về đất liền nhưng bị an trí ở Long Xuyên.

Mặc dù bị quản thúc, nhưng Dương Bá Trạc đã sớm bắt liên lạc với Nguyễn Thượng Khách (1872 - 1945), các chí sĩ yêu nước bị “an trí” khác và các nhóm chí sĩ yêu nước ở Nam Kỳ.

Tại Long Xuyên, Dương Bá Trạc lấy nghề dạy học, bốc thuốc làm kế sinh nhai. Cũng giống như thời kỳ hoạt động ở Đông Kinh Nghĩa Thục, Dương Bá Trạc đã khéo léo đem tinh thần yêu nước truyền sang các học trò.

Dương Bá Trạc, Nguyễn Thượng Khách liên lạc với Võ Hoành đang bị an trí ở Sa Đéc, đồng thời vận động các điền chủ yêu nước thành lập một công ty canh nông làm cơ sở kinh tài cho phong trào yêu nước.

Để che mắt nhà cầm quyền, Dương Bá Trạc xin phép cho người em thứ tư của mình từ Bắc Kỳ mang một số tá điền vào hợp tác làm ruộng, mục đích là để người em này thay ông trong việc giao thiệp. Công việc vận động đang thuận lợi thì đến năm 1914, nhân có vụ phá khám lớn Sài Gòn, Dương Bá Trạc bị tình nghi nên bị bắt giam mấy tháng. Người em của ông cũng bị trục xuất về Bắc. Mấy tháng sau, Dương Bá Trạc bị đưa ra tòa nhưng ông tự bào chữa và trắng án.

Khoảng giữa năm 1914, Lương Ngọc Quyến từ Trung Quốc về, muốn nhân lúc Pháp sa lầy trong Chiến tranh thế giới thứ nhất để mưu việc khởi nghĩa giành độc lập. Lương Ngọc Quyến về tới Sài Gòn - Chợ Lớn và xuống Long Xuyên liên lạc với Dương Bá Trạc và Nguyễn Thượng Khách để mưu sự khởi nghĩa. Đáng tiếc là sau đó Lương Ngọc Quyến bị bắt ở Hương Cảng nên kế hoạch không thành.

Tháng 1/1917, Dương Bá Trạc được ân xá, cho về Hà Nội.

Vang “Tiếng gọi đàn”

Trở về Hà Nội, chính quyền thực dân định bố trí ông một chức vụ quan trọng nhưng ông đã cự tuyệt. Bị thúc ép, ông đành nhận làm một chân bỉnh bút của mục “chữ Hán, dịch Hán văn” cho Tạp chí Nam Phong với chủ đích sẽ lợi dụng diễn đàn này để bộc lộ tư tưởng, tình cảm, ngấm ngầm kêu gọi tinh thần yêu nước của đồng bào, thúc đẩy duy tân để cứu nước. Từ một nhà hoạt động yêu nước, ông đã trở thành một nhà nghiên cứu với nhiều công trình có giá trị.

Trong các bài “Bàn về vấn đề học chữ Hán”, “Khảo về sự thi cử ở nước ta”, ông đã khảo cứu rất kỹ lịch sử của vấn đề và đưa ra những nhận định rất chính xác về việc phải duy tân lại nền giáo dục/học thuật nước nhà. Các công trình quan trọng nhất là “Việt sử khảo” và “Việt sử luận”.

"Việt sử khảo" gồm nhiều bài viết, đăng trên tạp chí Nam Phong, có các chương: Lập quốc địa vị; Nhân chủng; Tiến hóa trình độ; Quốc dân đối ngoại tính chất; Lịch triều chính trị. Mỗi chương lại chia làm nhiều mục. Sau mỗi chương mục ông đều có những nhận xét rất khách quan, xác đáng từ cái nhìn biện chứng lịch sử.

“Việt sử luận” lúc đầu cũng đăng tải trên tạp chí Nam Phong, sau đó đăng tiếp trên tạp chí Tri Tân. Trong công trình này, ông đưa ra các sự kiện, các vấn đề lịch sử để phân tích, bình luận nhằm hướng tới một cái nhìn khách quan về lịch sử và để gợi ý, nêu gương cho mọi người, mọi thời soi xét.

Là thành viên của hội Khai Trí Tiến Đức, Dương Bá Trạc tham gia biên soạn Việt Nam tự điển và Việt Nam văn phạm.

Khoảng 1932 - 1935, Dương Bá Trạc còn là chủ bút tờ tạp chí Văn học và khoảng 1935 - 1936 là chủ bút tờ báo Đông Tây do em trai Dương Tự Quán làm chủ nhiệm.

Ngoài ra, ông còn là sáng lập viên của Hội Phật giáo Bắc Kỳ, viết bài cho báo Đuốc tuệ, bên ngoài là xiển dương Phật giáo, bên trong làm chỗ liên lạc, tập hợp bạn bè đồng chí hướng cứu nước.

Năm 1937, ông dự định thành lập Hội Dân Ích và ra báo Nam Việt công dân, đã được Toàn quyền cấp phép nhưng Ty liêm phóng gây khó dễ nên phải đình lại.

Nguyễn Bá Trạc còn viết khá nhiều thơ văn. Năm 1924, Nghiêm Hàm ấn quán - Hà Nội in truyện thơ Trai lành gái tốt. Năm 1937, nhà xuất bản Đông Tây xuất bản tập thơ “Nét mực tình” gồm 73 bài thơ nôm và quốc ngữ. Ông còn nhiều thơ văn đăng trên các báo Trung Bắc Tân văn, Đông Tây, Văn học… nhưng chưa tập hợp và xuất bản được.

 Ngày 23/9/1940, quân Nhật tràn vào Đông Dương. Để chuẩn bị cho việc cai trị lâu dài, người Nhật đã bằng nhiều thủ đoạn chuẩn bị một số “nhân sự” cho chính quyền thân Nhật sau này. Dương Bá Trạc là một đối tượng đã bị chúng bắt lừa gạt và bắt cóc (cùng với Trần Trọng Kim) ở Sài Gòn rồi đưa sang giam lỏng ở Chiêu Nam (Singapore) từ năm 1943 cho mục đích này.

Bị giam lỏng ở Chiêu Nam nhưng tấm lòng ông luôn hướng về cố quốc. Trước khi bị đưa đi Chiêu Nam, ông viết: “Nhắn nhủ đồng bào mau đứng dậy/Xuân sang ta đón quốc hồn về”. Ở đất khách, bị bệnh ung thư phổi, ông vẫn “Nghĩ quốc sự lòng như lửa đốt”. Dương Bá Trạc tạ thế ngày 26/10 năm Giáp Thân (11/12/1944). Trước lúc lâm chung, ông để lại hai bài thơ Nhớ mẹ  Lưu gửi các bạn cùng một bài Di bút gửi con cháu.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần