Hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport System - ITS) là ứng dụng kỹ thuật công nghệ điện tử, tin học, viễn thông… vào công tác tổ chức quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả.
Nền tảng đô thị thông minh
Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 8 triệu phương tiện tham gia giao thông, gồm: 6,7 triệu xe máy, 1 triệu ô tô các loại và 0,2 triệu xe điện. Chưa kể đến khoảng 1,2 triệu phương tiện đến từ tỉnh thành khác lưu thông trên địa bàn.
Với tốc độ phát triển đô thị của Hà Nội, cùng mật độ dân số cao đã tạo ra nhu cầu rất lớn về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện di chuyển.
Theo Sở GTVT Hà Nội, tốc độ tăng trưởng phương tiện giai đoạn 2019 - 2023 là trên 10%/năm đối với ô tô, 3%/năm đối với xe máy. Tuy nhiên, diện tích đất cho giao thông bình quân hằng năm chỉ tăng 0,26 - 0,3%. Trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%. Sự chênh lệch đó tất yếu dẫn đến quá tải hạ tầng giao thông ngày càng trầm trọng.
GS.TS Lê Hùng Lân (nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT) chia sẻ: “Hệ thống kết cấu hạ tầng vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) phát triển chậm, chưa theo đúng kế hoạch đặt ra, dẫn tới số lượng phương tiện cá nhân tăng rất nhanh. Từ đó kéo theo hàng loạt các vấn đề đối với hệ thống giao thông như ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm không khí…”.
TS Lê Xuân Trường (Trường Đại học GTVT) cho rằng: “Để giải quyết các thách thức mà hệ thống giao thông đang gặp phải, cần triển khai rất nhiều các giải pháp đồng thời như quy hoạch đô thị, quy hoạch hệ thống giao thông, cơ chế chính sách thực hiện quy hoạch, chuyển đổi phương thức quản lý, khai thác và vận hành...
Với sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật điện tử, ITS là yếu tố then chốt tạo nên hệ thống giao thông bền vững, đổi mới phương thức quản lý hệ thống giao thông vận tải”.
Hệ thống giao thông thông minh cung cấp thông tin theo thời gian thực và giải pháp điều khiển giao thông linh hoạt bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm thời gian và chi phí đi lại, bảo vệ môi trường.
Sự phát triển của hệ thống giao thông thông minh trên thế giới đã chứng minh hiệu quả về giảm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông từ 30 - 35%, giảm từ 10 - 15% ùn tắc và tai nạn giao thông, cũng như giảm từ 10 - 20% lượng khí thải CO2.
“Đầu tư phát triển ITS đòi hỏi rất nhiều nguồn lực về tài chính cũng như công nghệ, và thực hiện trong nhiều giai đoạn. Do đó phát triển ITS cần phải được lập kế hoạch một cách bài bản, khoa học, và gắn với sự phát triển của hệ thống giao thông đô thị trong đó có hệ thống VTHKCC” - GS.TS Lê Hùng Lân khẳng định.
Phát triển từ đường sắt đô thị
TS Lê Xuân Trường (Trường Đại học GTVT) cho biết: “Sự phát triển của VTHKCC trong đó có đường sắt đô thị (ĐSĐT) với các công nghệ, kỹ thuật hiện đại đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của hệ thống ITS”.
Hiện nay, VTHKCC của Thủ đô chủ yếu vẫn dựa vào xe buýt và mới chỉ đáp ứng chưa được 20% nhu cầu của người dân. Trong khi đó, ĐSĐT được coi là xương sống của hệ thống VTHKCC. Phát triển ĐSĐT tức là phát triển hệ thống vận tải công cộng nhanh, khối lớn với các kỹ thuật, công nghệ vận hành hiện đại.
GS.TS Lê Hùng Lân chia sẻ: “Hà Nội đã quy hoạch 9 tuyến ĐSĐT, đưa vào vận hành tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông, với một trung tâm điều hành (OCC). Trong thời gian tới, khi tuyến Nhổn - Ga Hà Nội chính thức đưa vào vận hành, sẽ có một OCC khác. Như vậy, trong tương lai, khi tất cả các tuyến ĐSĐT được vận hành đầy đủ, cần có 1 trung tâm điều hành đường sắt tích hợp”.
Trung tâm điều hành ĐSĐT tích hợp (NOCC) sẽ đảm bảo và nâng cao an toàn, an ninh, tính thuận tiện và tính cơ động. NOCC mang có khả năng cung cấp thông tin theo thời gian thực cho hành khách, nâng cao chất lượng dịch vụ cho VTHKCC.
Đồng thời, NOCC sẽ phối hợp và hợp nhất quản lý vận hành đối với tất cả các tuyến, đảm bảo quản lý được rủi ro, thảm họa, tối ưu hóa được mạng lưới ĐSĐT, nâng cao khả năng phối hợp giữa các phương thức vận tải.
NOCC kết nối với trung tâm điều hành giao thông tích hợp đảm bảo khả năng làm giàu thông tin, phân tích nhu cầu, cung cấp thông tin theo thời gian thực cho hành khách. Đây là các yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển hoàn thiện của hệ thống ITS.
“Phát triển hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt với ĐSĐT là một bộ phận cấu thành và rất quan trọng để phát triển hệ thống ITS thành phố. Sự kết nối giữa các OCC với NOCC và trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp đảm bảo được các mục tiêu đặt ra đối với sự phát triển hệ thống giao thông thông minh TP Hà Nội” - GS.TS Lê Hùng Lân khẳng định.