Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường sắt tìm “nguồn sống” từ du lịch

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi tốc độ phục hồi sản lượng vận tải sau dịch bệnh Covid-19 còn khá chậm, còn hạn chế về hạ tầng lạc hậu vẫn đang đè nặng thì du lịch được coi là “nguồn sống” mà ngành đường sắt có thể hi vọng nhất lúc này.

Ngành đường sắt có thể tận dụng nguồn lực từ chính hạ tầng sẵn có để phát triển du lịch.
Ngành đường sắt có thể tận dụng nguồn lực từ chính hạ tầng sẵn có để phát triển du lịch.

Vẫn dò dẫm tìm đường

Đại dịch Covid-19 đã đi qua được khoảng 1 năm, cũng như nhiều ngành vận tải khác, đường sắt đã có những bước phục hồi ấn tượng. Báo cáo tài chính của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam năm 2022 cho thấy, doanh thu của DN đạt hơn 7.718 tỷ đồng, bằng 113,8% so cùng kỳ và đạt 115,8% kế hoạch năm.

Qua đó, giúp giảm lỗ 407 tỷ đồng so năm 2021. Tuy rằng lợi nhuận sau thuế của VNR năm 2022 vẫn âm 130,5 tỷ đồng nhưng nhìn chung, đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng của ngành đường sắt trong vài năm trở lại đây.

Tình hình kinh doanh của VNR có sự tăng trưởng là nhờ sự phục hồi nhanh của hoạt động vận tải, bao gồm cả vận tải hành khách và vận tải hàng hóa. Trong đó, vận tải hành khách năm 2022 của VNR đạt 4,52 triệu lượt hành khách lên tàu, bằng 310,7% cùng kỳ. Cùng với đó, vận tải hàng hoá cũng đạt 5,7 triệu tấn, bằng 100,8% cùng kỳ; luân chuyển đạt 4.624,2 triệu tấn.Km, bằng 109,8% cùng kỳ năm 2021.

Chất lượng dịch vụ của ngành đường sắt cũng ngày một cải thiện với tỷ lệ tàu đi đúng giờ đối với tàu khách Thống nhất chạy tuyến Bắc - Nam đạt 98,9%; đến đúng giờ đạt 77,4%. Tàu khách khu đoạn đi đúng giờ đạt 97,7% (tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2021); đến đúng giờ đạt 84,6% (tăng 3,6% so cùng kỳ năm 2021).

Từng đó chỉ số là đủ để thấy ngành đường sắt đã thật sự phục hồi sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào những con số trên mà đã khẳng định VNR đã “sống lại” thì chưa hoàn toàn đúng, Thực tế, ngay cả khi Covid-19 chưa xuất hiện, ngành đường sắt cũng đã đối diện với vô vàn khó khăn, thậm chí, có thời điểm tưởng chừng phải đứng trước bờ vực sụp đổ. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ những hệ lụy do sự lạc hậu từ hạ tầng đến bộ máy tổ chức, mô hình kinh doanh của lĩnh vực vận tải lâu đời này.

Chính bởi vậy, sau khi bước qua “cửa tử” đại dịch, ngành đường sắt vẫn đang tiếp tục công cuộc dò dẫm tìm đường, tìm hướng đi phù hợp nhất để tồn tại và phát triển trong lúc chờ đợi một cú hích thật sự đến từ đột phá trong đầu tư xây dựng hạ tầng. Cho đến khi “siêu dự án” đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam chính thức triển khai, ngành đường sắt vẫn phải tự tìm “nguồn sống” để tiếp tục “nuôi” mình trong thời gian tới.

Chất lượng dịch vụ đang ngày một được cải thiện cũng là một tiền đề quan trọng để đường sắt khai thác sâu hơn vào lĩnh vực du lịch.
Chất lượng dịch vụ đang ngày một được cải thiện cũng là một tiền đề quan trọng để đường sắt khai thác sâu hơn vào lĩnh vực du lịch.

Khai thác nguồn lực nội tại

Một trong những “nguồn sống” đầy tiềm năng đang được ngành đường sắt khai phá và bước đầu mang lại những hiệu quả đáng kể nhất chính là du lịch.

Trên thực tế, từ rất lâu rồi, du lịch vẫn là ngành có mối liên hệ gần gũi và mật thiết với nhiều lĩnh vực vận tải, trong đó, nổi bật nhất là đường sắt và hàng không. Tuy nhiên, lâu nay, nguồn tài nguyên này mới chỉ được ngành đường sắt khai thác ở mức mối quan hệ hợp tác cộng sinh với mức độ vừa phải. Tức là, đường sắt chỉ đóng vai trò đơn thuần là đơn vị vận tải hành khách đi tham quan du lịch chứ chưa tham gia sâu vào lĩnh vực này với tư cách là chủ thể du lịch.

Vào giữa năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức Lễ phát động Kích cầu du lịch bằng đường sắt. Bằng việc phối hợp với các công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch trọn gói đi lại bằng tàu hỏa đến cá điểm thăm quan du lịch như: Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Vinh, Lào Cai... và các điểm du lịch có tuyến đường sắt đi qua, ngành đường sắt mong muốn thu hút nhiều hơn hành khách sử dụng dịch vụ vận tải bằng đường sắt làm công cụ để tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước.

Bên cạnh đó, trong thời gian 2 tháng (tháng 7 và tháng 8/2020), Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đã dành 2.000 chỗ cho các đơn vị tham gia Liên minh Kích cầu để xây dựng sản phẩm tour charter (thuê nguyên chuyến). Đồng thời, các DN tham gia liên minh kích cầu này cũng cùng cam kết đưa tới cho khách hàng chương trình tour với mức giá thống nhất. Du khách sẽ được trải nghiệm dịch vụ chất lượng cao khi đi tàu hỏa, nghỉ tại khách sạn 3 - 5 sao, thăm các điểm đến nổi tiếng. Đây là một trong những hoạt động điển hình của đường sắt trong chiến lược tham gia sâu hơn vào lĩnh vực du lịch chứ không đơn thuần chỉ là đơn vị vận chuyển khách du lịch như trước.

Mới đây nhất, trang du lịch nổi tiếng Lonely Planet đã bình chọn tuyến đường sắt Thống Nhất của Việt Nam là một trong 8 tuyến đường sắt có hành trình du lịch ngoạn mục bậc nhất thế giới. Với chiều dài khoảng 1.730km, tuyến đường sắt Bắc - Nam hội tụ đủ những tiêu chí của một tuyến tàu hỏa tuyệt vời khi vừa đi qua các thành phố lịch sử, vừa băng qua cung đường ven bờ biển tuyệt đẹp. Cũng vì hành trình trải nghiệm giúp du khách những cảm xúc mới khi ngắm cảnh đẹp của đất nước nên nhiều năm gần đây, du lịch bằng đường sắt đang được nhiều du khách lựa chọn.

Đây hứa hẹn sẽ là một gợi ý rất đáng giá cho ngành đường sắt có thể khai thác nguồn lực của chính mình. Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành đường sắt hoàn toàn có thể tổ chức những gói du lịch trải nghiệm trên chính tuyến đường sắt Bắc -  Nam của mình để thu hút khách du lịch. Khi đó, đường sắt sẽ thật sự là chủ thể của dịch vụ du lịch, khai thác “nguồn sống” thực sự từ du lịch bằng chính nguồn lực hiện có của mình.

Ông Phùng Xuân Khánh  - Giám đốc Công ty Lữ hành Tiên Phong Travel nhận định, du lịch bằng phương tiện đường sắt đang ngày càng có sức hút đối với du khách. Điển hình là trong mùa du lịch hè 2023, dịch vụ này nhận được sự quan tâm của một lượng lớn khách du lịch khi từ tháng 5/2023 đến nay, DN lữ hành của ông Phùng Xuân Khánh đã phục vụ hơn 200 khách đặt tour du lịch bằng đường sắt.

Theo ông Phùng Xuân Khánh, nếu giữa các đơn vị đường sắt, lữ hành, dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống có sự liên kết chặt chẽ hơn để có chính sách về giá tốt hơn cho khách thì các tour du lịch đường sắt sẽ còn có sức hút lớn hơn nữa đối với du khách trong thời gian tới.

Đồng quan điểm trên, ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO cho biết, từ năm 2020 đến nay, nhiều đơn vị lữ hành khai thác hiệu quả tour du lịch đường sắt. “Các sản phẩm trọn gói từ vận chuyển tàu, nghỉ dưỡng, ăn uống được kết nối linh hoạt nên chất lượng tour du lịch đường sắt cơ bản làm hài lòng du khách” – ông  Trương Quốc Hùng cho hay.

 

Mới đây, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phát động phong trào "Đường tàu - Đường hoa" với kế hoạch tổ chức trồng hoa tại các khu ga, hai bên đường sắt và địa điểm làm việc trên tuyến đường sắt. Cụ thể, tại các khu ga, trụ sở làm việc của các đơn vị đường sắt, các cung cầu, cung đường, trạm chắn, dải đất dọc hai bên đường sắt... sẽ nghiên cứu trồng một loại hoa mang đặt trưng vùng miền, tạo điểm nhấn đặc thù giúp du khách dễ nhận diện các khu ga, cung đường theo cây trồng. Dự kiến việc này sẽ triển khai thực hiện trên 34 tỉnh thành có đường sắt đi qua, cơ bản theo mô hình xã hội hóa trong 3 năm (từ tháng 3/2023 đến tháng 3/2025).