Đường Trường Sơn huyền thoại xác lập 5 kỷ lục

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 30/10, trong chương trình Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 21 diễn ra tại White Palace Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam sẽ công bố 54 kỷ lục mới nhất của Việt Nam được ghi nhận và xác lập từ tháng 1 đến tháng 10/2011.

Đặc biệt trong số đó ghi nhận 5 kỷ lục đầu tiên của Việt Nam về đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đó là: 

Con đường có độ cao cao nhất và độ dài dài nhất: Con đường nằm trên dãy núi Trường Sơn kéo dài qua lãnh thổ ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Tại Việt Nam, đỉnh cao nhất là 2.178m.

Tuy được khai phá trước đó, nhưng đường trên dãy Trường Sơn chỉ được đặc biệt khai phá vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp (từ tháng 2/1942) và thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Năm 1973 con đường được Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam chính thức đổi tên là đường Hồ Chí Minh.

Trước ngày mở chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, đường Trường Sơn có 6 trục dọc với tổng chiều dài là 18.710km, gồm cả 5.980km đường ngang và 5.020km đường vòng tránh.

Đường có nhiệt độ thấp nhất, lượng mưa nhiều nhất, độ bốc hơi ít nhất: Con đường ở độ cao 1.000m-1.800m, nhiệt độ trung bình dưới 13 độ C, lạnh nhất 3-6 độ C, nóng nhất cũng chỉ 14 độ C.

Lượng mưa hàng năm khoảng 2.500mm, lượng bốc hơi không quá 500mm. Đường quanh năm có mây mù che phủ, do đó mặt đường đất luôn ẩm ướt, trơn trượt.

Mùa mưa bắt đầu từ cuối tháng 5 dương lịch, mưa như trút tới 300- 400mm/ngày. Tháng 7 thường có lũ lớn làm tắt nghẽn giao thông, kéo đến hết tháng 9. Từ tháng 11 là mùa khô kéo dài hơn 6 tháng.

Con đường duy nhất được báo chí, văn thơ, âm nhạc trong và ngoài nước nói đến nhiều nhất: Tại Việt Nam, trong thời kỳ chiến tranh hàng ngàn bài báo, bài thơ, truyện ngắn, truyện dài..., hàng chục ca khúc nổi tiếng viết về con đường này để ca ngợi tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân Việt Nam. 

Có 105 chính khách Phương Tây đã nói nhiều về “đường mòn Hồ Chí Minh.” Các nhà xuất bản lớn trên thế giới đã phát hành hàng trăm tác phẩm nói về cuộc chiến tranh Việt Nam với “con đường mòn” huyền thoại. Rất nhiều tờ báo, tạp chí lớn ở phương Tây đã  đăng những phóng sự  về việc Mỹ bị thất bại trong hoạt động ngăn chặn “con đường mòn” ở Việt Nam.

Con đường giữ vai trò chiến lược trọng yếu nhất trong cuộc kháng chiến cứu nước: Đã có trên 40.000 công binh, thanh niên xung phong… đào đắp trên 28 triệu m3 đất đai kiến thiết một hệ thống cầu đường gần 20.000km đường ôtô, 500km đường sông, 1.400km đường ống xăng dầu… như trận đồ bát quái xuyên rừng núi. Từ đó, chi viện 1,3 triệu tấn vũ khí, vật chất thiết yếu, đưa trên 2 triệu lượt người chi viện cho Miền Nam. Trong đó có 3 quân đoàn chủ lực, 5 sư đoàn, gồm lực lượng binh khí kỹ thuật: xe tăng, pháo binh hạng nặng, tên lửa…  Là căn cứ chiến lược trực tiếp của 3 chiến trường: miền Nam, Đông Bắc Campuchia, Hạ Lào với chiều dài trên 1.000km, chiều rộng 100km gồm 21 tỉnh của 3 nước.

Con đường thực hiện mệnh lệnh thần tốc, táo bạo nhất để giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến cứu nước. Nhận rõ vai trò huyết mạch của con đường, đối phương tập trung 70% lực lượng, phương tiện vũ khí kỹ thuật hiện đại, với 111.135 trận không kích, 1.263 cuộc hành quân bằng các loại chiến tranh công nghệ cao. Bộ đội Trường Sơn đã tiêu diệt và bắt sống gần hai vạn tên địch, bắn rơi 2.458 máy bay các loại, bảo đảm giao thông thông suốt.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn-Hồ Chí Minh đã bảo đảm cho đại quân cả bộ binh và binh khí kỹ thuật nặng, bí mật bất ngờ từ Bắc tiến vào Nam, tạo ưu thế đột biến của đòn chiến lược quyết định trong Đại thắng Mùa Xuân năm 1975./.