Kinhtedothi - Sáng nay 28/8, Tòa án Hải Phòng mở phiên tòa xử sơ thẩm xét xử bị cáo Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng) về tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp mức án đối với 2 bản án, bị cáo Dương Tự Trọng phải chịu mức án 17 năm 3 tháng tù giam.
Theo cáo trạng, từ năm 2001 đến 2002, Dương Tự Trọng khi đó là Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Hải Phòng đã có quan hệ thân thiết với Đồng Xuân Phong - cán bộ Đội Chống buôn lậu, Cục Hải quan Hải Phòng.
Ngày 16/1/2009, Phong bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội Buôn lậu.
Phong bỏ trốn nên bị truy nã toàn quốc. Quyết định truy nã Phong được Công an TP HCM gửi đến Công an Hải Phòng.
Ngoài ra, Công an TP HCM cũng cử cán bộ trực tiếp phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự Hải Phòng và Công an phường Hoàng Văn Thụ (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) xác minh, truy bắt Phong. Mặc dù Phong thường xuyên trốn tại Hải Phòng song không bắt được.
Ngày 22/4/2011, Phòng Cảnh sát Truy nã Hải Phòng báo cáo về việc rà soát những kẻ trốn truy nã, trong đó có Phong, gửi trực tiếp đến Dương Tự Trọng.
Thời điểm này, bị cáo Trọng đã giữ chức Phó Giám đốc Công an Hải Phòng - Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra phụ trách Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra gồm: Phòng cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát kinh tế, Phòng cảnh sát truy nã, Phòng cảnh sát ma tuý…
Bị cáo Dương Tự Trọng trong phiên xử sáng nay tại TAND Hải Phòng.
|
Mặc dù từ năm 2010, biết rõ Phong bị truy nã nhưng Dương Tự Trọng không có ý kiến chỉ đạo, cũng như không tổ chức, triển khai lực lượng tiến hành truy bắt theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Chiều 17/5/2012, anh trai của Dương Tự Trọng là Dương Chí Dũng thông báo cho em trai biết, mình đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố tạm giam. Bị cáo Trọng đã hướng dẫn anh trai mình về nhà bạn gái ở Hà Nội trốn và chờ người đến đón.
Ngày 18/5/2012, tại Hà Nội, bị cáo Trọng đã trao đổi với Vũ Tiến Sơn (Phó phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Hải Phòng) việc Dương Chí Dũng bị khởi tố, tạm giam và nhờ điện cho Phong cùng phối hợp tổ chức đưa Dũng bỏ trốn.
Cùng theo yêu cầu của ông Trọng, Sơn điện thoại cho Trần Văn Dũng (tức Dũng “Bắc Kạn”) để cùng với Phong tham gia vụ đưa cựu Cục trưởng Hàng hải Việt Nam bỏ trốn sang Campuchia.
Ngoài hành vi phạm tội nêu trên, Dương Tự Trọng đã có hành vi yêu cầu cán bộ cấp dưới làm giả 2 giấy minh nhân dân (CNMD) mang tên Dương Trọng Tuấn và Dương Đức Trung.
Trong đó, giấy CMND mang tên Dương Đức Trung có thông tin trùng khớp với thông tin tên cha trong giấy khai sinh cho 2 con gái của chị Hoàng Kim Nhung – bạn gái của cựu phó giám đốc Công an TP Hải Phòng.
Tuy nhiên, xét việc đăng ký 2 giấy khai sinh cho 2 con của chị Nhung từ năm 2008 và năm 2011 trước thời điểm tháng 4/2012 (thời điểm Dương Tự Trọng yêu cầu cấp dưới làm làm cho Dương Tự Trọng 2 CMND này). Do vậy không có căn cứ kết luận Dương Tự Trọng đã dùng CMND giả để đăng ký khai sinh cho 2 con của chị Nhung.
Do vậy, đối với một số cán bộ Công an Hải Phòng đã vi phạm quy định về việc cấp phát CMND, nhưng họ đều thực hiện theo yêu cầu của Dương Tự Trọng; không biết Dương Tự Trọng sử dụng 2 CMND này vào mục đích khác. Quá trình làm việc với cơ quan điều tra đã khai báo rõ ràng, thừa nhận đã vi phạm, nên cơ quan an ninh điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự là có căn cứ.
Đối với Vũ Tiến Sơn, mặc dù có quan hệ với Đồng Xuân Phong từ năm 2004-2005, đến năm 2009 biết Phong có liên quan đến vụ án buôn bán hàng xuất nhập khẩu do Công an TP HCM thụ lý và phải ra khỏi ngành Hải quan, nhưng không biết Phong đang bị truy nã (dù giữ chức vụ Phó trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hải Phòng), Vũ Tiến Sơn không được phân công theo dõi công tác truy nã).
Trong quá trình phối hợp với Đồng Xuân Phong tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, Vũ Tiến Sơn không biết Phong bị truy nã. Chỉ đến khi Dương Chí Dũng bị bắt (9/2012), qua phương tiện thông tin đại chúng, Vũ Tiến Sơn mới biết Phong bị truy nã về tội Buôn lậu. Do đó, cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công an không xem xét xử lý hình sự đối với Vũ Tiến Sơn là có căn cứ.
Theo cáo buộc của VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa, hành vi của Dương Tự Trọng đã phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tội danh và hình phạt quy định tại khoản 1, điều 281, Bộ luật hình sự.
Trong phần thẩm vấn, Chủ toạ Trần Thị Thu Hà hỏi: Bị cáo có lần nào gọi điện cho Phong kêu ra đầu thú?
Trọng khai: Bị cáo chưa liên hệ, thậm chí còn nhắc nhở anh em, động viên Phong ra đầu thú.
Chủ tọa thẩm vấn, trong lời khai của Phong, vào năm 2010, có lần bị cáo đã gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe, khuyên Phong ra đầu thú? Dương Tự Trọng nói rằng: “Bị cáo bận quá, không còn đủ thời gian tắm làm sao mà có liên hệ”.
Nói về trách nhiệm đối với đối tượng truy nã, bị cáo Trọng cho biết, Phòng Truy nã có danh sách rà soát những đối tượng truy nã, Trọng có được đọc danh sách nhưng không thể lọc hết các đối tượng.
Trọng cho biết, đối với Đồng Xuân Phong, đến khi đưa anh trai sang Campuchia thì mới biết có sự tham gia của đối tượng truy nã này.
Tham gia thẩm vấn bị cáo Dương Tự Trọng, đại diện VKS đặt vấn đề: “Bị cáo nghĩ thế nào về việc Sơn sau khi điện thoại có bảo bị cáo nói chuyện với Phong?”
Bị cáo Dương Tự Trọng khẳng định không phủ nhận lời khai của Sơn. “Tuy nhiên thời điểm đó, biết là Đồng Xuân Phong bị cáo hơi sốc”, cựu phó giám đốc Công an TP Hải Phòng nói.
Nói về việc sử dụng Đồng Xuân Phong trong việc giúp đỡ Dương Chí Dũng bỏ trốn, Dương Tự Trọng khẳng định: “Trong hoàn cảnh đó, bị cáo vẫn sẽ sử dụng Đồng Xuân Phong dù biết đối tượng này đang bị truy nã”.
Kết thúc phần xét hỏi, tòa bước sang phần tranh luận. Mở đầu phần tranh luận, đại diện VKS bắt đầu phần luận tội.
Giữ quyền công tố tại phiên tòa, đại diện VKS cho rằng, Dương Tự Trọng có quen biết với Đồng Xuân Phong ở thời điểm Phong là cán bộ của Hải quan. Sau này biết Phong bị truy nã, bị cáo Dương Tự Trọng đã có vận động Phong ra đầu thú. Lời khai này của Dương Tự Trọng phù hợp với lời khai của Đồng Xuân Phong.
Việc anh trai của Dương Tự Trọng trốn truy nã, Trọng phải nhờ Vũ Tiến Sơn liên lạc với một số người nhằm tổ chức đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn, trong đó có Đồng Xuân Phong. Lời khai này của Đồng Xuân Phong, Vũ Tiến Sơn, Dương Tự Trọng phù hợp với nhau.
Do đó, VKS cho rằng, bị cáo Trọng trước khi tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, Dương Tự Trọng đã biết Đồng Xuân Phong bị truy nã nhưng vẫn nhờ Phong giúp Dương Chí Dũng. Cho nên truy tố của cáo trạng theo VKS là đúng người đúng tội. Tuy nhiên VKS đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Dương Tự Trọng. Theo đó, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Dương Tự Trọng mức án 12-18 tháng tù giam.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng – người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Dương Tự Trọng nêu quan điểm, với hành vi liên quan đến Đồng Xuân Phong, giúp sức tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, những hành vi này đã được đưa ra xét xử trong vụ án “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. Vụ án này đã xét xử phúc thẩm và đã có hiệu lực.
Theo quan điểm của luật sư thì Đồng Xuân Phong là mắt xích trong vụ án Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Bản án này đã quy kết trách nhiệm hình sự đặc biệt nghiêm trọng đối với bị cáo Dương Tự Trọng, trong đó có lý do lôi kéo Đồng Xuân Phong tạo thành một mắt xích tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. “Đây là sự trùng lặp trái với điều 107, Bộ luật tố tụng hình sự”.
Luật sư Hưng cũng biện luận rằng, trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, nếu đòi hỏi một phó giám đốc Công an tỉnh, thành phố phải đọc báo cáo rồi trực tiếp chỉ đạo kế hoạch, tổ chức thực hiện truy bắt đích danh một trong hàng ngàn tội phạm truy nã ghi trong danh sách, thực sự không khả thi. Kể cả xét đến cùng thì chức năng nhiệm vụ của người lãnh đạo không quy định cụ thể….
Từ luận điểm của mình, ông Hưng đề nghị HĐXX đình chỉ vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” đối với bị cáo Dương Tự Trọng.
Sau khi thực hiện các phần tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX bước sang phần nghị án.
HĐXX bước vào phần tuyên án. Theo chủ tọa, tại phiên tòa, bị cáo không thừa nhận tội danh nhưng thừa nhận hành vi. Bị cáo biết Phong bị truy nã, nhưng vì tình cảm nên không thực hiện bắt Phong. Tại tòa, bị cáo Trọng thừa nhận lời khai của Đồng Xuân Phong và Sơn – cựu Phó Phòng Hình sự là đúng.
Do vậy, HĐXX cho rằng, cáo trạng quy kết tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ là đúng người, đúng tội.
HĐXX cũng bác đề nghị đình chỉ vụ án của luật sư Nguyễn Đình Hưng.
Theo chủ tọa phiên tòa, hành vi của bị cáo Trọng làm mất niềm tin của nhân dân vào lực lượng công an nhân dân. Tuy nhiên xét những yếu tố giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Trọng cũng như nhân thân, gia đình bị cáo, HĐXX tuyên phạt 15 tháng tù giam.
Tổng hợp mức án đối với 2 bản án, bị cáo Trọng phải chịu mức án 17 năm 3 tháng tù giam.
Trước đó, cuối tháng 5/2014, bị cáo Dương Tự Trọng bị Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội tuyên phạt 16 năm tù giam về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. Người được bị cáo Trọng thực hiện tổ chức đưa ra nước ngoài là anh trai Dương Chí Dũng – cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam – cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trong khi đang bị truy nã.Cựu Đại tá Công an đang thi hành án tại trại giam B14 Bộ Công an.