Tuyến đường từ cầu Vĩnh Tuy nối dài theo đường Minh Khai – Trường Chinh đến Ngã Tư Sở đi qua địa bàn 4 quận: Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân. Đây là một trong những tuyến chịu áp lực giao thông lớn nhất của Hà Nội, một phần do mật độ dân cư trong khu vực, đặc biệt là hai bên tuyến đường rất lớn, trong khi lòng đường nhỏ hẹp, nhiều nút thắt, không đồng đều, không đáp ứng được nhu cầu lưu thông thực tế. Mặt khác, từ khi cầu Vĩnh Tuy được xây mới, lưu lượng giao thông từ phía Long Biên, Gia Lâm... ra vào nội thành qua tuyến đường này lại càng gia tăng nhanh chóng. Áp lực lớn, khả năng đáp ứng lưu thông lại quá nhỏ, tuyến đường Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở thường xuyên rơi vào cảnh UTGT nặng nề, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Chị Nguyễn Lệ Thuỷ, phố Minh Khai, phường Minh Khai (Hai Bà Trưng) cho biết, dù nơi làm việc chỉ cách nhà khoảng 4km nhưng sáng nào cũng phải đi làm từ 6 rưỡi để tránh tắc đường. Đi muộn chỉ mươi phút thôi là phải mất hàng tiếng đồng hồ mới đến được cơ quan.
Không chỉ thường xuyên ùn tắc, bộ mặt đô thị trên tuyến đường, nhất là khu vực Vĩnh Tuy - Minh Khai, cũng đang trong tình trạng nhếch nhác, tạm bợ. Dù đường nhỏ nhưng lưu lượng người qua lại rất lớn nên hai bên hè đường Minh Khai cửa hàng, cửa hiệu mọc lên san sát, buôn bán khá sầm uất. Hầu hết các cửa hàng tại đây đều là loại nhỏ lẻ, chật hẹp, không có chỗ để xe, thiếu diện tích bày bán. Do đó, tiểu thương đua nhau lấn chiếm vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường khiến tình hình giao thông càng thêm phức tạp, căng thẳng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Hơn nữa còn khiến bộ mặt đô thị nơi đây biến dạng, méo mó, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Các chuyên gia cho rằng, tuyến đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở có vai trò rất quan trọng với hướng lưu thông từ phía Đông TP vào khu vực trung tâm, kết nối một số trục đường chính khác như Giải Phóng - QL1; Nguyễn Trãi - QL6... Chừng nào tuyến đường còn chưa được mở rộng, nâng cấp, đây còn là nút thắt, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ mạng lưới giao thông đô thị của Thủ đô.
Ấn định ngày khởi côngDự án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đã được cơ quan chức năng của Hà Nội nghiên cứu từ năm 2012. Tuy nhiên do nhiều vướng mắc khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng, đến nay Dự án mới chính thức ấn định được thời điểm khởi công vào ngày 22/4. Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, Dự án sẽ bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần dưới thấp từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng.
Đoạn tuyến đi bằng sẽ có chiều dài trên 3km; điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng. Sau khi hoàn thành, tuyến đường Minh Khai nhỏ hẹp hiện nay sẽ được mở rộng ra từ 53,5 – 63,5m với 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ; vỉa hè mỗi bên rộng từ 4 - 6m. Dải phân cách giữa rộng 4m sẽ dùng làm nơi bố trí trụ đường Vành đai 2 trên cao.
Đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao có điểm đầu tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy; điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở, phía đường Trường Chinh. Tổng chiều dài đoạn tuyến xấp xỉ 5,1km; với các hạng mục: Cầu chính (bề mặt 19m), cầu dẫn (bề mặt 7m) và các nhánh dẫn kết nối với đường bên dưới tại 3 vị trí là cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở.
Dự án được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư, loại hợp đồng BT; có tổng vốn đầu tư vào khoảng 9.400 tỷ đồng, trong đó 4.194 tỷ đồng chi cho giải phóng mặt bằng. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và UBND TP Hà Nội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào đầu tháng 3 vừa qua. Đơn vị được giao đầu tư, thực hiện Dự án là Tập đoàn Vingroup; Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội sẽ đại diện cho TP quản lý và theo dõi việc thực hiện Dự án.
Bất ngờ về tiến độChuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ, sau nhiều năm chờ đợi, ông khá bất ngờ về tiến độ Dự án đường Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. “Chủ trương đầu tư đã có từ năm 2012, nhưng đến tận năm 2015 vẫn vướng mắc và chia nhỏ thành 2 tiểu dự án. Năm 2016, khi TP bắt đầu nghiên cứu sáp nhập 2 tiểu dự án vào làm một, đến nay mới chỉ chưa đầy 2 năm đã có thể khởi công được. Đó trước hết là kết quả từ sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo TP Hà Nội” - ông Thắng nhìn nhận.
Nhiều người dân trong khu vực còn cho biết đã chuẩn bị sẵn tâm lý chung sống cùng quy hoạch treo thêm nhiều năm nữa như một số dự án khác. Vậy nhưng sự thay đổi mạnh mẽ trong cách làm của Chính quyền TP đã khiến họ phải ngỡ ngàng. Ông Dương Đức Tuấn, phố Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân) cho hay: “Tuyến đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đã cùng lúc được khởi công xây dựng cả đường trên cao lẫn dưới thấp, đem lại cho chúng tôi kỳ vọng sau nhiều năm chờ đợi mỏi mòn. Càng thi công xong sớm chừng nào càng giúp dân đỡ khổ vì tắc đường chừng đấy”.
Tiến sĩ Thạch Minh Quân (Đại học GTVT) phân tích, một trong những trở ngại lớn nhất của các công trình giao thông tại Hà Nội là vấn đề giải phóng mặt bằng. Nhưng tại dự án Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, công tác giải phóng mặt bằng đã diễn ra khá êm thuận, người dân đồng tình ủng hộ với tỷ lệ rất cao. “Điều đó chứng tỏ chủ đầu tư đã thật sự lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, tìm ra những hướng giải quyết tích cực để người dân đồng thuận. Đây là thành công rất lớn giúp Dự án đẩy nhanh được tiến độ” – ông Quân đánh giá.