Duy trì hoạt động của các thiết chế văn hóa: Thí điểm mô hình giao tư nhân quản lý

Bài, ảnh: Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/2, Đoàn đại biểu Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có buổi làm việc và giám sát về việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở với Sở VH&TT Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Theo đánh giá, mặc dù Hà Nội đang cố gắng đi vào những đánh giá có chất lượng nhưng vẫn chưa giảm bớt được bệnh thành tích trong các phong trào.
Tỷ trọng phong trào không đi đôi chất lượng
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Khắc Lợi – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội thông báo kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt thành tích qua nhiều con số đáng kể. Việc đăng ký, bình xét, công nhận Gia đình văn hóa (GĐVH) hàng năm tại các địa phương với tỷ lệ tham gia và đăng ký đạt trên 95% (so với tổng số hộ dân). Năm 2016, có 86% số hộ gia đình đạt danh hiệu GĐVH. Năm 2002 toàn TP có 15,9% làng đạt danh hiệu làng văn hóa thì đến năm 2016 con số này đạt 55,6%. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tại khu vực nội thành đạt tỷ lệ 85% tỷ lệ điện táng người, và ngoại thành dao động từ 45 - 50%.

Sân vận động Hàng Đẫy sẽ được thí điểm giao cho Tập đoàn T&T vận hành quản lý. Ảnh: Khánh Huy

Tuy nhiên, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội thừa nhận: “Chất lượng của phong trào toàn dân còn mang tính hình thức. Các chỉ tiêu trong phong trào đạt tỷ lệ cao nhưng vẫn còn người nghiện, đánh lộn lẫn nhau, xả rác bừa bãi gây ô nhiễm… thì vẫn có bệnh thành tích trong các phong trào này. Đám cưới không tổ chức rềnh rang, diễn ra trong một ngày hiện mới chỉ đi vào đời sống của cán bộ đảng viên trong cơ quan thuộc TP Hà Nội, còn một bộ phận người dân và một số đảng viên tại cơ quan T.Ư sinh sống tại Hà Nội chưa thật sự gương mẫu”. Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng đánh giá: “Không chỉ riêng Hà Nội, mà tại nhiều địa phương khác, tỷ lệ của các phong trào ngày càng được tăng cao nhưng thực trạng xã hội lại giảm đi từ suy giảm đạo đức, đánh lộn, chém, cướp lẫn nhau…”. Các đại biểu cho rằng, Hà Nội năng động trong công tác triển khai phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng được nhiều hình mẫu tốt, quyết liệt thực hiện các văn bản ban hành trong công tác chỉ đạo điều hành nhưng cũng tồn tại nhiều hạn chế.
Hướng đi mới
Hiện nay, Hà Nội có 25 thiết chế văn hóa thể thao thuộc quản lý của UBND TP Hà Nội cùng 2.094 nhà văn hóa thôn, 1.491 nhà văn hóa tổ dân phố. Theo đánh giá của lãnh đạo Sở VH&TT, các thiết chế này vừa thiếu lại vừa thừa. Ở các quận nội thành thiếu quỹ đất xây dựng thiết chế, huyện ngoại thành có quỹ đất lại không có tiền đầu tư. Tuy nhiên, Sở VH&TT chủ trương không khuyến khích xây dựng các thiết chế khi chưa có điều kiện, chỉ nên quy hoạch, dành quỹ đất hướng đến đầu tư trong tương lai.
Vấn đề lớn nhất nằm ở các thiết chế văn hóa lớn đang hoạt động không hiệu quả, nguồn tiền đầu tư không thấm vào đâu so với yêu cầu. Hiện nay, một năm TP chi cho 600 - 700 triệu đồng để duy trì hoạt động sân vận động Hàng Đẫy. Số tiền này không đủ chăm sóc cỏ, đảm bảo công tác vệ sinh. Chính vì vậy, Thường trực Thành ủy vừa đồng ý với đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội về chủ trương thí điểm giao Công ty CP Tập đoàn T&T đầu tư sửa chữa, xây dựng bãi đỗ xe ngầm và vận hành quản lý, sử dụng, vận hành sân vận động Hàng Đẫy, đáp ứng các tiêu chí sân vận động chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, các đơn vị đang thực hiện xây dựng đề án theo yêu cầu của Thành ủy và UBND TP. Theo ông Động, không chỉ sân vận động Hàng Đẫy, mà tới đây TP Hà Nội còn đề xuất giao cho công ty tư nhân cùng quản lý và khai thác một số thiết chế văn hóa như Trung tâm Văn hóa Kim Đồng, Nhà hát Thăng Long, Nhà thuyền Hồ Tây… dưới hình thức thành lập HĐQT. “Thành lập HĐQT giao cho tư nhân cùng quản lý để đỏ đèn các cơ sở văn hóa, thể thao nhiều hơn nhưng phải phục vụ cho văn hóa, không biến nó thành chung cư” – ông Động nhấn mạnh.
Bà Hoàng Thị Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, theo kế hoạch, Đoàn sẽ giám sát thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tại Hà Nội từ ngày 20 - 24/2. Không chỉ chất vấn, lắng nghe các ý kiến từ UBND TP Hà Nội, MTTQ TP, Liên đoàn Lao động TP mà Đoàn còn có buổi làm việc với Sở VH&TT Hà Nội, và cơ quan quản lý của nhiều quận, huyện xung quanh vấn đề này. Sau đợt làm việc, Đoàn sẽ có báo cáo cụ thể với Quốc hội, đánh giá về hiệu quả và kết quả thực hiện ở cơ sở, cũng như việc thực thi, đưa các văn bản của pháp luật đi vào đời sống như thế nào.
            

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần