Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Duyệt Chỉ giới đường đỏ Vành đai 3,5 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 6

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký ban hành Quyết định số 6216/QĐ-UBND phê duyệt Chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 6, tỷ lệ 1/500, huyện Hoài Đức và quận Hà Đông.

Quyết định nêu rõ, tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 6 có chiều dài khoảng 6,7km, đi qua địa bàn huyện Hoài Đức và quận Hà Đông. Điểm đầu tuyến (Điểm A) giao với đường Đại lộ Thăng Long; Điểm cuối tuyến (Điểm B) giao với đường Quốc lộ 6. Đây là đường cấp đô thị (loại đường trục chính đô thị). Đoạn tuyến đường Vành đai 3,5 từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 6 có quy mô mặt cắt ngang điển hình rộng B=42m-63m, cụ thể chia thành các đoạn có mặt cắt ngang như sau: Đoạn đầu tuyến từ Điểm A-l-2-3-4 (dài khoảng 3,6km), chiều rộng mặt cắt ngang điển hình B=63m, gồm các đoạn có thành phần như sau: đối với các đoạn qua khu đô thị hai bên đường Lê Trọng Tấn (đã xây dựng) gồm 6 làn xe chính rộng 2x10,5m, dải phân cách giữa rộng 5m, đường gom hai bên rộng 2x7,5m, dải phân cách giữa đường chính với đường gom rộng 2x8m (có thiết kế hè đi bộ), hè mỗi bên rộng 2x3m. Đối với đoạn chưa xây dựng phần đường gom hai bên, hè mỗi bên rộng 2x6m, dải phân cách giữa đường chính với đường gom rộng 2x5m. Đoạn còn lại (dài khoảng 3,lkm) chiều rộng mặt cắt ngang điển hình B=42m, gồm: 6 làn xe rộng 2xl0,5m, dải phân cách giữa rộng 5m, hè hai bên rộng 2x8m. Trên đoạn tuyến này dự kiến bố trí thành phần đường trên cao 4-6 làn xe rộng khoảng 18m. Thành phần, cấu tạo mặt cắt ngang đường sẽ được xác định chính xác theo dự án đầu tư xây dựng được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Dọc tuyến dự kiến có 4 nút giao thông khác mức chính, gồm: nút giao với đường Đại lộ Thăng Long; nút giao với đường sắt quốc gia hiện có (tuyến đường sắt đô thị số 6); nút giao đường Tố Hữu, đường Quốc lộ 6 (thuộc đoạn tuyến có đường trên cao). Giải pháp kết nối, tổ chức giao thông và chỉ giới đường đỏ tại khu vực nút giao với đường Đại lộ Thăng Long và tại các khu vực đường nhánh dẫn lên xuống của tuyến đường trên cao sẽ được xác định cụ thể theo đồ án, dự án riêng được cấp thẩm quyền phê duyệt. Các nút giao của đường Vành đai 3,5 với các đường cấp đô thị khác dự kiến theo quy hoạch sẽ được xây dựng nút giao khác mức trực thông theo hướng đường ngang và được thực hiện theo dự án riêng. Các nút giao giữa đường Vành đai 3,5 với các đường quy hoạch còn lại dự kiến theo quy hoạch được xác định là giao bằng.

Chỉ giới đường đỏ nút giao với các đường ngang, nút giao khác mức thể hiện trong hồ sơ được Sở Quy hoạch-Kiến trúc ký xác nhận theo quyết định này chỉ xác định sơ bộ và sẽ được xác định cụ thể trong quá trình lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường hoặc các dự án đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Dọc tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 6 theo quy hoạch có tuyến đường sắt đô thị số 7 đi ngầm. Khi nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị, tại các khu vực bố trí ga đường sắt cho phép được mở rộng cục bộ chỉ giới đường đỏ theo yêu cầu sử dụng của dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị để xây dựng các lối lên xuống và các công trình phụ trợ.