Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Xử lý tài sản công khi sắp xếp đơn vị hành chính

Rõ tiêu chí, cơ chế để tránh lãng phí

Kinhtedothi - Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt và đúng quy định trong xử lý tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) là bước đi quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, giảm lãng phí, thất thoát. Trong đó, việc xây dựng các cơ chế, hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng theo hướng minh bạch và thống nhất sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn.

Nguồn lực lớn cho phát triển

Theo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh năm 2025, sau sắp xếp, cả nước có 34 ĐVHC cấp tỉnh gồm 6 TP trực thuộc T.Ư và 28 tỉnh. Tổng hợp của Bộ Nội vụ cho thấy, tổng số trụ sở công cấp tỉnh của 52 tỉnh, TP thực hiện sắp xếp là 38.182; trong đó tiếp tục sử dụng 33.956 trụ sở, dôi dư 4.226 trụ sở. Tại Hà Nội, theo rà soát của Sở Tài chính, TP đang quản lý hơn 5.200 trụ sở và cơ sở hoạt động sự nghiệp với tổng diện tích đất khoảng 27 triệu mét vuông, diện tích nhà khoảng 17 triệu mét vuông, trong đó, xác định được 291 cơ sở dôi dư cần xử lý sau sắp xếp. Đây là nguồn lực lớn cho phát triển nếu được quản lý và khai thác hiệu quả.

Nhiều trung tâm hành chính cấp quận, huyện sẽ được sử dụng làm trụ sở cơ quan Nhà nước cấp xã mới sau sáp nhập. Trong ảnh: Trụ sở UBND quận Nam Từ Liêm hiện nay. Ảnh: Phạm Hùng

Các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra, không ít trụ sở cơ quan, đơn vị dôi dư sau sắp xếp lại ĐVHC trước đây không được kiểm kê, phân loại đầy đủ, không có phương án sử dụng kịp thời, để hoang hóa nhiều năm. Điều này khiến các tòa nhà xuống cấp nhanh chóng, làm tăng chi phí khi cần sử dụng lại hoặc chuyển đổi công năng. Lần này, việc bố trí, sử dụng trụ sở, xử lý tài chính, tài sản công được chú trọng thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp. Từ cuối tháng 2 đến nay, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết về xử lý tài sản công khi sắp xếp tổ chức bộ máy. Bộ cũng đã thành lập đoàn công tác với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, trực tiếp đến các địa phương kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn xử lý tài sản công.

Tại các địa phương, nhiệm vụ này cũng được thực hiện khẩn trương, đưa ra các phương án, kế hoạch sắp xếp, bố trí, sử dụng phù hợp. Tại Hà Nội thời gian qua, TP đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như rà soát, đánh giá thực trạng toàn bộ cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn; phối hợp với các bộ, ngành T.Ư để xử lý hàng loạt bất cập trong quản lý, đặc biệt là tình trạng trụ sở bỏ hoang, sử dụng sai mục đích hoặc không hiệu quả. Đáng chú ý, TP đã phân cấp, ban hành các cơ chế tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động đề xuất phương án sử dụng hoặc thu hồi, bố trí lại. Lãnh đạo TP đã nhấn mạnh, Hà Nội sẵn sàng bố trí quỹ đất phù hợp nếu các bộ, ngành có nhu cầu thực sự, đây là bước khởi đầu quan trọng để sử dụng hiệu quả nguồn lực công.

Quyết tâm chính trị cao, thống nhất hành động từ T.Ư đến địa phương theo hướng phân cấp, phân quyền, có hành lang pháp lý và hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, sẽ thúc đẩy hiệu quả quá trình kiểm kê, đánh giá, phân loại, sắp xếp tài sản công.

Cụ thể cơ chế, tiêu chí để gỡ vướng

Cùng với các giải pháp đang được đẩy mạnh để xử lý hiệu quả tài sản công, thực tế tại Hà Nội cũng như các địa phương cho thấy, việc sắp xếp các trụ sở dôi dư vẫn gặp khó do quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công đang trong quá trình hoàn thiện (dự kiến ban hành trước 1/7). Mặc dù T.Ư định hướng ưu tiên sử dụng cơ sở dôi dư vào các mục đích giáo dục, y tế, công trình cộng đồng, nhưng tại nhiều khu vực ngoại thành - nơi có quỹ đất lớn, nhu cầu về các thiết chế này đã cơ bản được đáp ứng. Đồng thời, vẫn thiếu hướng dẫn khi chuyển đổi công năng các công trình công lập làm cơ sở y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa - thể thao...

Hà Nội kiến nghị sớm ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công để có căn cứ lập phương án xử lý tài sản dôi dư ngay sau khi hoàn tất sắp xếp ĐVHC các cấp. TP cũng đề xuất các bộ, ngành T.Ư tiếp tục rà soát cơ sở nhà, đất không còn nhu cầu sử dụng trên địa bàn để chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý theo quy định.

Nhiều ý kiến cho rằng, đối với các trụ sở công dôi dư, ưu tiên số một cho việc chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, công trình công cộng, tuy nhiên, để đi vào thực chất, mỗi địa phương cần đánh giá đúng thực tế và đưa ra quyết định phù hợp. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và phù hợp thực tiễn. Quy định rõ về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, quy trình xử lý tài sản dôi dư và cơ chế giám sát việc sử dụng. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài sản công là một giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh), từ thực tế của lãng phí hiện nay, trong đó có lãng phí tài sản công, cần sự đột phá trong thể chế, góp phần sử dụng hiệu quả các nguồn lực về đất công, tài sản công đang dôi dư. Tuy nhiên, để thực hiện được, cần có một thống kê công khai, minh bạch về những đất công, tài sản công dôi dư và đưa lên website để người dân theo dõi, giám sát. Với những tài sản công dôi dư, ưu tiên trước hết là có cơ chế để chuyển đổi công năng, cho xây dựng trường học, bệnh viện. Hai lĩnh vực này đang quá tải trong khi nhu cầu của người dân rất lớn.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương), việc sử dụng các trụ sở là tài sản công thế nào còn phụ thuộc vào tình hình thực tế tại mỗi địa phương. Có hai hướng để xử lý, nhưng dù phương án nào cũng phải hướng đến việc khai thác hiệu quả và tránh lãng phí. Hướng thứ nhất là nếu địa phương nào thiếu trường học, bưu điện, thư viện, bệnh viện…, trước mắt có thể tận dụng trụ sở dư thừa để làm; còn nếu chuyển đổi thành trường học, bệnh viện thì phức tạp, tốn kém hơn nhiều. Hướng xử lý thứ hai là tổ chức đấu giá để các DN khai thác nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, tái đầu tư những trụ sở mới khang trang, bảo đảm cho nguồn nhân sự lớn sau sáp nhập.

Với trụ sở dôi dư sau sắp xếp, các ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, cần cơ chế, phương án phù hợp với từng địa phương, công năng sử dụng phải phù hợp với từng trụ sở để tái sử dụng cho hợp lý. Nếu cứ chuyển đổi rồi phải bỏ kinh phí đầu tư sửa chữa cải tạo, còn lãng phí, tốn kém hơn. Do vậy cần có phương án đánh giá, đề xuất xử lý phù hợp với tài sản công dôi dư và tối ưu công năng tài sản. Xử lý vấn đề tài sản công không thể ngày một, ngày hai, căn cứ thực tiễn và yêu cầu, việc có những quy định phù hợp, sẽ đáp ứng việc sắp xếp, giải quyết tài sản công hợp lý, tránh lãng phí.

Trích dẫn
Trích dẫn 1
Việc sắp xếp, sáp nhập dẫn đến số lượng trụ sở dôi dư không nhỏ, đây là nguồn lực lớn nên phải có phương án sử dụng hiệu quả, để cấp xã mới có thể đi vào hoạt động hiệu quả từ 1/7, đồng thời, giải bài toán tránh lãng phí các trụ sở. Việc các địa phương chuyển đổi công năng ưu tiên cho giáo dục, văn hóa, y tế là cần thiết, nhưng cần tiêu chí, cơ chế rõ ràng. Sau khi sắp xếp theo ưu tiên, số dư còn lại có thể bán đấu giá để phát triển hiệu quả nguồn lực đất đai, đây cũng là cơ sở rất quan trọng để tránh lãng phí nguồn lực, bảo đảm cho sự phát triển.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội Tạ Văn Hạ

Nam Định: sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Nam Định: sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy phát triển công trình xanh

Thúc đẩy phát triển công trình xanh

20 Jun, 04:28 AM

Kinhtedothi - Với đề xuất dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng (VLXD) được đưa ra như một phần quan trọng trong chiến lược phát triển công trình xanh. Không chỉ giúp minh bạch chất lượng sản phẩm, đây còn là chìa khóa để thúc đẩy DN đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường và hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận vật liệu tiết kiệm năng lượng, hiệu quả dài hạn.

Gỡ những nút thắt xử lý phế thải xây dựng

Gỡ những nút thắt xử lý phế thải xây dựng

19 Jun, 09:05 AM

Kinhtedothi - Trong guồng quay đô thị hóa chưa từng có, Hà Nội đang khoác lên mình tấm áo mới hiện đại mỗi ngày. Nhưng đằng sau sự lộng lẫy của những tòa cao ốc, những tuyến đường vành đai là một vấn đề nhức nhối mang tên chất thải rắn xây dựng (CTRXD).

Đẩy mạnh số hóa quy hoạch Thủ đô

Đẩy mạnh số hóa quy hoạch Thủ đô

18 Jun, 06:07 AM

Kinhtedothi - Hà Nội đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quy hoạch đô thị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững, thông minh.

Băn khoăn với một số quy định mới

Băn khoăn với một số quy định mới

17 Jun, 10:34 AM

Kinhtedothi - Trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 103/2024/NĐ-CP của Chính phủ, có 2 điều khoản mới là Điều 50 và 51 đang làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng DN và chuyên gia, khi yêu cầu người sử dụng nộp bổ sung tiền sử dụng, tiền thuê đất cho quãng thời gian chờ xác định giá, kèm thêm mức 5,4%/năm như một khoản “phí phạt” vô hình. Việc này đặt ra câu hỏi: liệu chính sách này có hợp lý, trong bối cảnh pháp luật về đất đai còn nhiều vướng mắc?

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ