ECB: Lạm phát là mối đe dọa lớn nhất với châu Âu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với dự kiến chuẩn bị công bố tăng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 7/2008, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phát đi thông điệp rằng họ coi lạm phát, chứ không phải vấn đề nợ công, là mối đe dọa lớn nhất đối với kinh tế châu Âu.

KTĐT - Với dự kiến chuẩn bị công bố tăng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 7/2008, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phát đi thông điệp rằng họ coi lạm phát, chứ không phải vấn đề nợ công, là mối đe dọa lớn nhất đối với kinh tế châu Âu.

Trong bối cảnh Hy Lạp và Ireland đã phải nhận cứu trợ tài chính quốc tế, còn Bồ Đào Nha đang chịu những sức ép giải cứu tương tự, động thái tăng lãi suất có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, ECB tin rằng ngân hàng này có thể từng bước thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm tránh tạo ra những tổn thương nghiêm trọng đối với thị trường tài chính. ECB khẳng định đối phó với lạm phát là rất quan trọng để ngăn chặn tình trạng vật giá leo thang hình xoắn ốc.

Tỷ lệ lạm phát tại Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức 2,6% trong tháng Ba vừa qua, vượt mục tiêu 2% mà ECB đặt ra trong dài hạn, và chưa có dấu hiệu ngừng tăng trong bối cảnh giá dầu mỏ, lương thực và nhiều loại hàng hóa khác đang trên đà đi lên.

Các thị trường dự báo, lãi suất mà ECB cho các ngân hàng thương mại vay sẽ tăng thêm 0,25 điểm phần trăm, so với mức lãi suất thấp kỷ lục 1% mà ECB duy trì từ tháng 5/2009 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Một số nhà phân tích còn cho rằng, từ giờ tới cuối năm, ECB có thể tăng lãi suất thêm 2 lần nữa. Chuyên gia kinh tế Carsten Brzeski tại Ngân hàng Đức ING nói: "Do lạm phát cao hơn và kinh tế đang trên đà phục hồi, đợt tăng lãi suất này của ECB có thể sẽ mở đường cho chu kỳ tăng lãi suất trở lại."

Tuy nhiên, các quốc gia đang phải vật lộn với thâm hụt ngân sách tăng cao và khủng hoảng nợ như Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha lại không hề "chào đón" đợt tăng lãi suất sắp tới của ECB.

Thông tin về đợt tăng lãi suất đã đẩy tỷ giá đồng euro lên trên 1,41 USD/euro và tạo ra nhiều sức ép đối với các "mắt xích yếu" trong Eurozone này./.