Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Cách châu Âu triệt tiêu đường dây thuốc giả trị giá hơn 12 triệu USD

Kinhtedothi – Thuốc giả là một vấn nạn toàn cầu, gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và làm suy yếu hệ thống y tế. Tuy nhiên, việc xử lý các mạng lưới sản xuất và phân phối thuốc giả ngày càng phức tạp do hành tung tinh vi và quy mô xuyên quốc gia.

Thuốc và nguyên liệu bị thu giữ trong chiến dịch truy quét thuốc giả SHIELD V của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol). Ảnh: Europol

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) đã công bố kết quả chiến dịch SHIELD V, chiến dịch truy quét thuốc giả lớn nhất từ trước tới nay tại châu lục này. Hoạt động diễn ra từ tháng 4 đến tháng 11/2024 với sự tham gia của 30 quốc gia thành viên.

Theo báo cáo được công bố vào cuối tháng 1/2025, chiến dịch đã thu giữ hơn 3,4 triệu viên thuốc, gần 175.000 ống tiêm, 426.000 bao bì thuốc giả và hơn 4 tấn nguyên liệu dược phẩm bất hợp pháp. Tổng giá trị tang vật bị thu giữ vượt 11,1 triệu euro, tương đương hơn 12 triệu USD.

Lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ 418 đối tượng, triệt phá 4 phòng thí nghiệm ngầm và mở rộng điều tra đối với 52 tổ chức tội phạm có liên quan. Europol cho biết đây là các mạng lưới hoạt động chuyên nghiệp, thường xuyên lợi dụng mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử và dark web (trang web ngầm) để phân phối thuốc giả đến tay người tiêu dùng.

Các mặt hàng bị làm giả phổ biến bao gồm thuốc điều trị tiểu đường Ozempic, thuốc giảm cân Wegovy, thuốc ung thư đắt tiền và các dòng thuốc giảm đau đặc trị. Ngoài thủ đoạn tráo nhãn mác và giả mạo bao bì, các đối tượng còn sử dụng kênh vận chuyển xuyên biên giới để trốn tránh sự kiểm soát.

Tại Hy Lạp, chính phủ đã ban hành quy định mới yêu cầu tất cả thuốc kê đơn phải có mã định danh và thiết bị chống giả. Thuốc được hoàn trả – tức là thuốc do người bệnh trả lại cho nhà thuốc vì lý do đổi đơn hoặc sai liều – bắt buộc phải giữ nguyên tính toàn vẹn ban đầu và không được phép đưa trở lại lưu hành nếu không đảm bảo điều kiện. Ngoài ra, các cơ sở tái đóng gói phải tuân thủ quy trình cấp phép và bị giám sát chặt chẽ bởi Cơ quan Dược phẩm Quốc gia (EOF), nhằm ngăn ngừa việc lợi dụng quy trình này để tuồn thuốc giả vào hệ thống.

Trên mặt trận công nghệ, một startup châu Âu tên là Lightly đã phát triển thiết bị "Catcher" sử dụng công nghệ UV-Fingerprint, cho phép phát hiện thuốc giả tại chỗ. Thiết bị này hoạt động bằng cách quét bề mặt viên thuốc dưới tia cực tím và đối chiếu với mẫu vân thuốc (fingerprint) được nhà sản xuất cung cấp trước. Dù chưa được triển khai rộng rãi tại sân bay hay kho dược, thiết bị này đang được thử nghiệm bởi các lực lượng thực thi pháp luật như một công cụ hỗ trợ điều tra nhanh tại hiện trường.

Hội nghị Pharma Supply Chain Security 2025 (Hội nghị An ninh Chuỗi cung ứng Dược phẩm 2025) diễn ra tại London tháng 3/2025 cũng đưa ra loạt khuyến nghị về thực thi sở hữu trí tuệ, phối hợp doanh nghiệp - chính quyền, và xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro trong chuỗi cung ứng dược phẩm. Các nội dung chính bao gồm cách thức ngành dược phối hợp với các tổ chức chuyên môn trong ngăn chặn hàng giả, cũng như các biện pháp công nghệ và pháp lý nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của sản phẩm.

Về mặt pháp lý, Hội nghị MEDICRIME 2025 (Hội nghị về Công ước Phòng chống Tội phạm liên quan đến Sản phẩm Y tế 2025) đã đề cập đến tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám sát chuỗi cung ứng và phát hiện dấu hiệu bất thường liên quan đến thuốc giả. Tuy nhiên, AI mới chỉ được đề xuất như một giải pháp tiềm năng, chưa được sử dụng trên diện rộng.

Cuối tháng 1/2025, Europol cũng công bố báo cáo tổng thể về mối đe dọa từ tội phạm dược phẩm, đánh giá tác động ngày càng nghiêm trọng của thuốc giả tới thị trường y tế và sức khỏe cộng đồng tại châu Âu và toàn cầu. Báo cáo này nhấn mạnh rằng các đối tượng phạm tội ngày càng khai thác sâu các nền tảng số và chuỗi cung ứng toàn cầu để hợp thức hóa các sản phẩm giả mạo.

Song song với thực thi pháp lý, chiến dịch truyền thông "Stay on Top" (Luôn cảnh giác) tiếp tục được triển khai với khẩu hiệu: “Thuốc giả được làm bởi tội phạm thật sự”, nhằm kêu gọi người dân chỉ sử dụng thuốc từ nguồn hợp pháp và cảnh giác với các hình thức quảng cáo, mua bán thuốc không rõ nguồn gốc trên mạng.

Cuộc chiến chống thuốc giả tại châu Âu trong năm 2025 đang bước vào giai đoạn toàn diện, từ pháp lý, công nghệ đến truyền thông. Trong đó, sự tỉnh táo của người tiêu dùng và phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia sẽ là yếu tố then chốt giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và niềm tin vào hệ thống y tế.

Tiêm kích F-35 bay tại Mỹ nhưng truyền được dữ liệu tới tận châu Âu

Tiêm kích F-35 bay tại Mỹ nhưng truyền được dữ liệu tới tận châu Âu

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ