Đình đốn vận tải biển ở châu Âu: lời cảnh báo đến toàn cầu
Kinhtedothi - Các cảng biển lớn ở châu Âu đang rơi vào tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng thời gian qua, kéo theo những hệ lụy sâu rộng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo báo cáo từ Drewry, một công ty tư vấn hàng hải có trụ sở tại London (Anh), thời gian chờ đợi để cập cảng tại Bremerhaven (Đức) đã tăng vọt 77% từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 5 năm nay. Cùng thời điểm, thời gian chờ tại cảng Hamburg cũng tăng 49%, trong khi cảng Antwerp (Bỉ) chứng kiến mức tăng 37%. Các cảng như Rotterdam của Hà Lan và Felixstowe của Anh cũng không nằm ngoài vòng xoáy, với thời gian chờ đợi kéo dài đáng kể.
Nguyên nhân chính của tình trạng này đến từ hai yếu tố: thiếu hụt lao động và mực nước thấp trên sông Rhine, một tuyến đường thủy quan trọng của châu Âu. Thiếu hụt lao động, đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ gần đây, đã khiến cảng Bremerhaven rơi vào tình trạng quá tải.
Trong khi đó, mực nước thấp trên sông Rhine đã hạn chế nghiêm trọng khả năng vận chuyển bằng sà lan từ các cảng như Antwerp và Rotterdam, làm trầm trọng thêm áp lực lên hệ thống logistics nội địa. Tại Antwerp, một cuộc đình công toàn quốc vào ngày 20/5 càng làm tình hình thêm căng thẳng, khi những nơi đóng vai trò "cửa ngõ" ra biển quan trọng như cảng Kallo và đê chắn sóng Boudewijn đều bị gián đoạn, dù sau đó đê chắn sóng Boudewijn đã được khôi phục hoạt động vào buổi tối cùng ngày.

Tình trạng tắc nghẽn trầm trọng ở các cảng biển châu Âu kéo theo những hệ lụy sâu rộng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Adobe Stock
Hậu quả của tình trạng này không chỉ dừng lại ở châu Âu. Các cảng lớn khác trên toàn cầu, như Thâm Quyến (Trung Quốc), Los Angeles và New York (Mỹ), cũng đang chứng kiến số lượng tàu container chờ cập cảng tăng mạnh kể từ cuối tháng 4. Tại Thâm Quyến, số tàu chờ có thời điểm lên tới 50, trong khi Los Angeles ghi nhận 42 và New York là 14 tàu. Những con số này cho thấy một cuộc khủng hoảng logistics đang lan rộng, đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hệ lụy tới chuỗi cung ứng và thương mại
Tắc nghẽn cảng biển đang tạo ra "hiệu ứng domino", làm suy giảm độ tin cậy của chuỗi cung ứng, đẩy chi phí logistics tăng cao và gây khó khăn cho vận chuyển nội địa.
Các nhà xuất nhập khẩu buộc phải duy trì lượng hàng tồn kho lớn hơn để đối phó với thời gian giao hàng kéo dài, trong khi các hãng tàu phải áp dụng các khoản phụ phí tắc nghẽn để bù đắp chi phí. Chẳng hạn, Tập đoàn MSC Mediterranean Shipping, hãng tàu container lớn nhất thế giới, đã thông báo áp dụng phụ phí tắc nghẽn từ ngày 1/6 cho tất cả hàng hóa vận chuyển từ Bắc Âu đến vùng Viễn Đông.
Tình hình càng trở nên phức tạp khi tuyến thương mại xuyên Thái Bình Dương cho thấy dấu hiệu của mùa cao điểm sớm, được thúc đẩy bởi việc Mỹ tạm hoãn áp thuế 145% lên hàng hóa Trung Quốc trong 90 ngày, dự kiến hết hiệu lực vào ngày 14/8. Điều này đã kích thích nhu cầu vận chuyển tăng đột biến, khiến giá cước vận chuyển giao ngay trên các tuyến từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Los Angeles (Mỹ) tăng 27% từ đầu tháng 5, từ 2.590 USD lên 3.197 USD vào ngày 22/5.
Tương tự, giá cước từ Thượng Hải đến New York (Mỹ) cũng nhảy vọt từ 3.500 USD lên 4.527 USD trong cùng kỳ, phản ánh nhu cầu tăng cao và các đợt tăng giá cước chung thành công vào ngày 15/5. Bên cạnh đó, các hãng tàu cũng lên kế hoạch áp dụng thêm các đợt tăng giá cước và phụ phí mùa cao điểm từ ngày 1/6.
Không chỉ vậy, căng thẳng thương mại toàn cầu còn làm gia tăng bất ổn, nhất là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đe dọa áp thuế 50% lên hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1/6. Dù Tổng thống Trump sau đó đã nhượng bộ, khi hoãn thời điểm áp thuế đến ngày 9/7 để tạo điều kiện đàm phán, điều này vẫn làm dấy lên nhiều lo ngại về một mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại.
Theo công ty tư vấn Oxford Economics, việc ông Trump áp thuế 50% lên hàng hóa từ EU sẽ gây thiệt hại nặng nề cho các nước như Đức, Cộng Hòa Ireland, Italia, Bỉ và Hà Lan, vốn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang Mỹ. Bloomberg Economics thì ước tính, các mức thuế này có thể khiến xuất khẩu EU sang Mỹ giảm hơn một nửa, làm trầm trọng thêm áp lực lên các cảng biển và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tìm lối thoát trong bất ổn
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược chuỗi cung ứng linh hoạt và bền vững. Rolf Habben Jansen, Giám đốc điều hành công ty vận tải container Hapag-Lloyd AG, nhận định dù đã có một số dấu hiệu cải thiện tại các cảng châu Âu, phải mất thêm 6 đến 8 tuần để tình hình được kiểm soát.
Ông Jansen cũng cảnh báo việc các tàu biển đột ngột chuyển hướng qua Kênh đào Suez, nhằm tránh các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ kể từ cuối năm 2023, có thể gây ra tắc nghẽn nghiêm trọng hơn. Để tránh điều này, các hãng tàu cần chuyển đổi dần dần, đảm bảo các cảng không bị quá tải.
Trong khi đó, Torsten Slok, Nhà kinh tế trưởng của Công ty quản lý tài sản Apollo Management, đặt câu hỏi liệu các mức thuế 30% hiện tại của Mỹ lên hàng Trung Quốc có còn quá cao, hay các doanh nghiệp Mỹ đang chờ đợi thêm các đợt cắt giảm thuế trước khi tăng cường nhập khẩu. Sự không chắc chắn này càng làm tăng rủi ro cho các quyết định chi tiêu và đầu tư, tạo ra một “gánh nặng chi phí” cho hoạt động kinh tế toàn cầu, theo nhận định của Oxford Economics.
Ngành vận tải biển đang đứng trước một mùa Hè đầy biến động, khi các yếu tố địa chính trị, từ căng thẳng thương mại đến xung đột ở Biển Đỏ, kết hợp với những hạn chế về cơ sở hạ tầng như thiếu hụt lao động và mực nước thấp. Để vượt qua khủng hoảng, các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, từ tình trạng tắc nghẽn cảng, lịch trình hủy chuyến đến năng lực vận chuyển.
Chỉ với những dữ liệu này, các nhà xuất nhập khẩu mới có thể đưa ra quyết định sáng suốt, giảm thiểu rủi ro và điều hướng hiệu quả trong bối cảnh bất ổn ngày càng gia tăng. Tình trạng đình trệ tại châu Âu không chỉ là vấn đề khu vực, mà là một tín hiệu cảnh báo rõ ràng cho toàn bộ hệ thống thương mại toàn cầu.

Khí thải từ ngành hàng không châu Âu đang đẩy nhanh khủng hoảng khí hậu
Kinhtedothi - Một nghiên cứu mới công bố cho thấy ngành hàng không châu Âu đang trở thành một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn nhất khi lượng khí thải CO₂ từ các chuyến bay đã gần đạt mức đỉnh trước đại dịch Covid -19.

Châu Âu trở thành điểm đến mới của giới học thuật quốc tế
Kinhtedothi - Giữa lúc nhiều thay đổi chính sách tại Mỹ đang gây lo ngại trong cộng đồng khoa học, các quốc gia châu Âu đã chủ động triển khai loạt sáng kiến nhằm thu hút nhân tài toàn cầu, khẳng định vai trò trung tâm học thuật cởi mở và ổn định.

Châu Âu đối mặt khủng hoảng thiếu hụt y tá nghiêm trọng
Kinhtedothi - Châu Âu đang đối diện cuộc khủng hoảng thiếu hụt nhân lực y tế khi hàng triệu y tá nghỉ hưu, trong khi người trẻ không muốn gia nhập ngành. Bulgaria là điểm nóng với tỷ lệ y tá giảm mạnh, đe dọa toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe.