Châu Âu đối mặt khủng hoảng thiếu hụt y tá nghiêm trọng
Kinhtedothi - Châu Âu đang đối diện cuộc khủng hoảng thiếu hụt nhân lực y tế khi hàng triệu y tá nghỉ hưu, trong khi người trẻ không muốn gia nhập ngành. Bulgaria là điểm nóng với tỷ lệ y tá giảm mạnh, đe dọa toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Lực lượng lao động y tế tại châu Âu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có, khi tình trạng thiếu hụt nhân sự y tế ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Theo ước tính, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ thiếu khoảng 1,2 triệu nhân viên y tế trong những năm tới, bao gồm bác sĩ, y tá và nữ hộ sinh. Đặc biệt, tình trạng thiếu y tá đang trở thành vấn đề cấp bách, với tỷ lệ nhân viên nghỉ hưu tăng nhanh, trong khi số lượng người trẻ gia nhập ngành lại quá ít.
Bulgaria là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng này. Trong vòng một thập kỷ, nước này đã mất hơn 10% số y tá, phần lớn trong số đó di cư sang các quốc gia EU khác để tìm kiếm mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Bulgaria mà còn phản ánh xu hướng chung của toàn châu Âu, nơi mà các hệ thống y tế đang gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nhân sự y tế.

Châu Âu đối mặt khủng hoảng thiếu hụt y tá nghiêm trọng. Ảnh: European Parliament
Thiếu hụt y tá
Cuộc khủng hoảng thiếu hụt y tá tại châu Âu bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân phức tạp. Đầu tiên, lực lượng y tá tại nhiều quốc gia đang nhanh chóng già đi, khi số người nghỉ hưu tăng vọt mà nguồn nhân lực trẻ bổ sung lại quá ít. Đặc biệt, điều kiện làm việc khắc nghiệt đã làm giảm sức hấp dẫn của nghề y tá với giới trẻ. Họ phải đối mặt với giờ làm việc kéo dài, tỷ lệ bệnh nhân cao, mức lương thấp và áp lực tinh thần liên tục. Hệ quả là sự kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần khiến nhiều y tá rời bỏ nghề, dẫn đến vòng luẩn quẩn thiếu hụt nhân lực ngày càng trầm trọng.
Elza, một y tá tại Bệnh viện Nhà nước Blagoevgrad ở Bulgaria, là một minh chứng điển hình cho thực trạng này. Mặc dù đam mê công việc, cô phải làm việc tại hai nơi để đủ trang trải cuộc sống.
“Tôi luôn muốn trở thành y tá. Đó là công việc của mẹ tôi, và tôi tự hào vì nối nghiệp bà. Nhưng chúng tôi nhận được rất ít tiền, phải làm việc quá giờ và thường xuyên đối mặt với căng thẳng. Tôi thực sự mệt mỏi”, cô chia sẻ. Tình trạng của Elza không phải là ngoại lệ. Nhiều y tá trẻ đã rời bỏ nghề vì áp lực và điều kiện làm việc quá khắc nghiệt.
Vấn đề không chỉ dừng lại ở việc thiếu nhân sự, mà còn là sự bất bình đẳng trong phân bổ nhân lực y tế giữa các quốc gia EU. Các nước giàu có hơn như Đức, Pháp hay Hà Lan thường thu hút y tá từ các quốc gia nghèo hơn như Bulgaria, Romania hay Ba Lan, nhờ mức lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng “chảy máu chất xám” trong ngành y tế của các nước Đông Âu.
Milka Vassileva, Chủ tịch Hiệp hội Chuyên gia chăm sóc sức khỏe Bulgaria, khẳng định rằng để giữ chân y tá, mức lương khởi điểm phải ít nhất gấp ba lần mức lương tối thiểu hiện tại. “Công việc của y tá rất quan trọng và cần được công nhận tương xứng,” bà nhấn mạnh. Nhưng bà cũng cảnh báo tài chính không phải là giải pháp duy nhất.
Để giữ chân nhân lực y tế, cần phải cải thiện điều kiện làm việc, giảm áp lực tinh thần và tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp, giúp y tá cảm thấy được trân trọng và có động lực gắn bó lâu dài với nghề.
Ủy ban châu Âu đã nhận thức được vấn đề này và đang triển khai một sáng kiến kéo dài ba năm nhằm cải thiện chất lượng đào tạo và thu hút sinh viên vào ngành y tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chỉ riêng giải pháp tài trợ là không đủ. Các quốc gia thành viên EU cần phối hợp xây dựng một chiến lược toàn diện, bao gồm cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo mức lương cạnh tranh và tạo điều kiện phát triển chuyên môn cho nhân viên y tế.
Đọc thêm: Ấn Độ khẩn trương tập trận phòng thủ toàn quốc giữa nguy cơ xung đột với Pakistan
Khủng hoảng nguồn nhân lực y tế tại châu Âu không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là vấn đề về an ninh y tế. Nếu không có giải pháp kịp thời, các bệnh viện sẽ ngày càng thiếu nhân viên, chất lượng chăm sóc giảm sút và sức khỏe cộng đồng bị đe dọa. Đã đến lúc EU và các quốc gia thành viên phải nhìn nhận vấn đề này như một ưu tiên hàng đầu, đưa ra các chính sách cụ thể, thiết thực để bảo vệ và phát triển lực lượng lao động y tế - những người đang ở tuyến đầu bảo vệ sức khỏe cho cả khu vực.

Khí thải từ ngành hàng không châu Âu đang đẩy nhanh khủng hoảng khí hậu
Kinhtedothi - Một nghiên cứu mới công bố cho thấy ngành hàng không châu Âu đang trở thành một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn nhất khi lượng khí thải CO₂ từ các chuyến bay đã gần đạt mức đỉnh trước đại dịch Covid -19.

Châu Âu trở thành điểm đến mới của giới học thuật quốc tế
Kinhtedothi - Giữa lúc nhiều thay đổi chính sách tại Mỹ đang gây lo ngại trong cộng đồng khoa học, các quốc gia châu Âu đã chủ động triển khai loạt sáng kiến nhằm thu hút nhân tài toàn cầu, khẳng định vai trò trung tâm học thuật cởi mở và ổn định.

Châu Âu lo ngại khi Mỹ tính cắt giảm ngân sách cho NASA
Kinhtedothi - Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang đánh giá tác động từ đề xuất ngân sách mới của Mỹ, trong đó cắt giảm đáng kể khoản tài trợ dành cho chương trình Mặt trăng Artemis mà ESA là một đối tác quan trọng.