Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Phản ứng cứng rắn từ Moscow khi Đức “cởi trói” vũ khí cho Ukraine

Kinhtedothi - Giới chức Nga cảnh báo, việc chính quyền Berlin và các đồng minh phương Tây thông báo dỡ bỏ hạn chế về vũ khí tầm xa cho Ukraine là dấu hiệu của "sự leo thang nghiêm trọng".

Tuyên bố bất ngờ của Thủ tướng Đức Friedrich Merz khi khẳng định Berlin và các đồng minh đồng ý dỡ bỏ giới hạn về tầm bắn đối với vũ khí viện trợ cho Ukraine ngay lập tức vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía Nga.

Phát biểu trong một diễn đàn do kênh WDR tổ chức hôm 26/5, Thủ tướng Đức Merz cho biết, không còn "bất kỳ hạn chế nào" đối với các cuộc tấn công sử dụng vũ khí tầm xa do Anh, Pháp, Đức và Mỹ cung cấp cho Ukraine. "Điều này có nghĩa là Ukraine hiện có thể tự vệ, bao gồm cả các cuộc tấn công vào các mục tiêu quân sự ở Nga”- ông Merz cho hay, đồng thời khẳng định việc dỡ bỏ hạn chế này là bước đi cần thiết để Kiev có khả năng đáp trả các cuộc tấn công từ phía Nga.

Phản ứng trước thông báo trên của Thủ tướng Đức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 27/5 cảnh báo, bất kỳ cuộc tấn công nào của Ukraine bằng tên lửa Taurus vào lãnh thổ Nga sẽ bị coi là hành động gây chiến của Đức. “Nếu tên lửa Taurus bắn trúng các mục tiêu trong lãnh thổ Nga, điều đó đồng nghĩa với việc Đức đã trực tiếp tham chiến. Đây là một ranh giới rất rõ ràng” - bà Zakharova nhấn mạnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, Ảnh: Tass

Trước đó, cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng quyết định của một số nước châu Âu dỡ bỏ các hạn chế tầm bắn tên lửa từ Ukraine nhằm vào lãnh thổ Nga là tiềm ẩn nguy hiểm và phản tác dụng. “Nếu điều này là đúng, thì đây là một sự leo thang và leo thang nghiêm trọng, làm suy yếu nghiêm trọng nhất những nỗ lực giải quyết hòa bình đã được thực hiện”, ông Peskov nói, ám chỉ đến các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp đầu tiên sau 3 năm giữa Nga và Ukraine vào đầu tháng này.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng động thái của Thủ tướng Đức Merz được xem là một phần trong chiến dịch có chủ đích nhằm gây ảnh hưởng đến chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc hỗ trợ quân sự cho Kiev. Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Nga Rodion Miroshnik nhấn mạnh: “Phát ngôn của Thủ tướng Đức Merz và chiến dịch truyền thông đi kèm là nhằm thuyết phục ông Trump tiếp tục viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine”

Chung quan điểm trên, Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc, ông Dmitry Polyansky, cho biết, giọng điệu của Đức hiện nay chủ yếu mang tính chiến thuật truyền thông, nhằm tạo ấn tượng với ông Trump rằng chính Nga là bên cản trở hòa bình. “Đây không phải là cam kết hỗ trợ thực chất, mà là một phần của cuộc chiến ngôn từ”, ông Polyansky phát biểu trên kênh truyền hình Zvezda.

Cùng ngày, Thượng nghị sĩ Nga Natalia Nikonorova, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, cũng cảnh báo rằng mọi tuyên bố của phương Tây về việc viện trợ tên lửa tầm xa cho Ukraine đều buộc Nga phải điều chỉnh kế hoạch quốc phòng.

“Người châu Âu cần hiểu rằng mỗi phát ngôn như vậy đều ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai chiến lược vùng đệm an ninh của chúng tôi. Ưu tiên hàng đầu là bảo vệ người dân Nga” - bà Nikonorova nói với hãng tin Tass. Thượng nghị sĩ Nga cho rằng phương Tây đang nỗ lực tìm cách đạt thỏa thuận ngừng bắn 30 ngày để tái vũ trang cho Ukraine.

Trong khi đó, giới chuyên gia quân sự Nga nhận định rằng việc phương Tây “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do họ viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga không làm thay đổi cục diện, bởi Moscow vẫn có khả năng vô hiệu hóa các loại vũ khí này.

Ông Yevgeny Buzhinsky, Chủ tịch Hội đồng điều hành Viện nghiên cứu PIR-Center, Giáo sư Trường Kinh tế Cao cấp và cựu trưởng đoàn đàm phán kiểm soát vũ khí của quân đội Nga giai đoạn 2001–2009, nói với Sputnik: “Bất kể Kiev sử dụng tên lửa Taurus, Storm Shadow hay SCALP, Nga sẽ tiếp tục bắn hạ tất cả những loại tên lửa này”.

Theo chuyên gia Buzhinsky, Vấn đề thực sự của tên lửa Taurus không nằm ở tầm bắn 500 km, mà như Thủ tướng Đức Merz đã chỉ ra: Ukraine không thể sử dụng nếu không có quân đội Đức vận hành. "Điều này khiến Đức trở thành bên trực tiếp tham chiến trong cuộc xung đột Nga-Ukraine”, ông cho hay.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ