Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài 1:

El Nino tiếp tục duy trì, Ninh Thuận đối diện với hạn hán nghiêm trọng

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện tượng El Nino sẽ còn tiếp tục duy trì và đạt mức đỉnh điểm trong tháng 5, tháng 6/2024. Tình trạng nắng nóng và không mưa khiến một số khu vực trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đối mặt với nguy cơ thiếu nước.

Chờ đợi một cây mưa

Vừa kết thúc vụ lúa Đông – Xuân, ông Reo (54 tuổi) người dân tộc Raglai ngụ xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc tỉnh Ninh Thuận cho biết, nhiều năm làm nông nhưng chưa vụ Đông – Xuân nào vất vả như vụ năm nay do thiếu nước kéo dài.

Ông Reo cho biết hạn hán kéo dài khiến việc chăm sóc cây lúa thêm phần khó khăn. (Ảnh: Trung Nhân)
Ông Reo cho biết hạn hán kéo dài khiến việc chăm sóc cây lúa thêm phần khó khăn. (Ảnh: Trung Nhân)

Ông Reo cho biết, từ tháng 10 âm lịch 2023 đến nay khu vực này chưa có một cơn mưa nên thiếu nước phục vụ nông nghiệp. Thông thường trước Tết Nguyên Đán vẫn có vài cơn mưa và bắt đầu tháng 3 âm lịch sẽ xuất hiện mưa nhưng đến nay khu vực này vẫn chưa đón cơn mưa nào.

“Để tưới đồng ruộng chúng tôi phải dẫn nước từ mương thủy lợi hồ Sông Trâu. Ruộng nào gần hệ thống mương thủy lợi thì việc lấy nước đỡ cực, còn ở xa thì kéo ống dẫn nước về ruộng rất vất vả” – ông Reo cho biết.

Những người nông dân khu vực này cũng cho biết thêm đang cân nhắc gieo vụ lúa Hè – Thu vì nước tưới tiêu đang thiếu, trong khi đó, hiện tượng nắng nóng và không mưa vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Được biết, Thuận Bắc là huyện giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa nơi ít chịu ảnh hướng nắng nóng nhất so với các địa phương khác thuộc địa bàn Ninh Thuận, nhưng 5 hồ thủy lợi trên địa bàn huyện này cũng đã tiệm cận mực nước chết.

Hồ Ông Kinh nước cạn trợ đáy, người dân dễ dàng đi lại dưới lòng hồ. (Ảnh: Trung Nhân)
Hồ Ông Kinh nước cạn trợ đáy, người dân dễ dàng đi lại dưới lòng hồ
. (Ảnh: Trung Nhân)

Khắc nghiệt hơn khu vực xã Phước Chiến là xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải. Đây là khu vực người dân trồng hành tím với quy mô lớn và chăn nuôi dê, cừu nhưng đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Bà Phạm Thị Kim Loan (43 tuổi) nhà ngay cạnh hồ Ông Kinh cho biết, đã mấy tháng rồi khu vực này không có mưa, người dân dùng bơm hút nước hồ Ông Kinh để tưới tiêu đến nay hồ cũng trơ đáy. Nhà bà Loan có mấy ô trồng hành (mỗi ô từ 1.000 đến hơn 1.800m2) nhưng gia đình bà hiện chỉ chăm sóc một ô vì thiếu nước tưới.

“Cả khu vực này thiếu nước, gia đình tôi bơm trữ nước ở giếng từ 18h đêm hôm trước đến sáng hôm sau cũng chỉ được 7-8 khối đủ tưới 1-2 sào hành nhưng chi phí điện mỗi tháng tăng thêm khoảng 1,4 triệu đồng. Nếu có mưa thì việc trồng trọt đỡ hơn rất nhiều” – bà Loan chia sẻ và cho biết thêm, khu này không có đường nước sinh hoạt nên phải mua nước bình (20 lít) để uống và nấu ăn, các việc khác sử dụng nước bơm từ giếng.

Theo người dân sống gần hồ Ông Kinh, khi có nước hồ họ dẫn đường ống đưa nước về các giếng hoặc ao ở nhà để trữ và tưới hành. Nhưng hạn hán, nước hồ cạn nên phải dùng bơm chạy bằng dầu hoặc bằng điện để lấy nước. Chi phí sinh hoạt và trồng trọt mỗi tháng tăng rất cao.

Ông Mười đứng bên hệ thống bơm tên lửa với các mũi khoan sâu 150m để bơm nước tưới tiêu. (Ảnh: Trung Nhân)
Ông Mười đứng bên hệ thống bơm tên lửa với các mũi khoan sâu 150m để bơm nước tưới tiêu. (Ảnh: Trung Nhân)

Cách nhà chị Loan không xa là nhà ông Lâm Học Mười – một người trồng hành và chăn nuôi gia súc, ông Mười cho biết, hiện ông không canh tác hành và để đất trống vì nắng nóng và thiếu nước. Năm ngoái thiếu mưa nên nước hồ tích trữ không được bao nhiêu, giờ lại thêm hiện tượng El Nino khiến việc thiếu nước trầm trọng.

 “Nếu đến tháng 4 âm lịch có mưa, trời mát thì sẽ tiến hành trồng hành. Hiện nay nắng nóng và thiếu nước xuống giống rất dễ chết, thua lỗ” – ông Mười chia sẻ. Cũng theo ông Mười để tưới tiêu và sinh hoạt nhà ông có 3 lỗ khoan khoảng 150m và dùng 3 máy bơm hỏa tiễn 3hp. Để bơm nước đủ nước phải dụng điện 3 pha nên chi phí tiền điện mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng” – ông Mười chia sẻ.

Cũng theo ông Mười, nhiều khi bơm hụt nước, máy bơm cứ chạy nên cháy máy thiệt hại 4-5 triệu đồng/máy. “Nếu thị trường có vấn đề, hành rớt giá thì người dân sẽ thua lỗ nặng vì tiền bơm nước không đủ chi phí sản xuất” – ông Mười cho biết.

Hạn hán vẫn chưa đạt đỉnh

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Trương Khắc Trí – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở NNPT-NT) tỉnh Ninh Thuận cho biết, theo dự báo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Ninh Thuận (Số: 02/HH-NTHU, ngày 1/4/2024) hiện tượng El Nino sẽ còn tiếp tục duy trì và đạt mức đỉnh điểm trong tháng 5, tháng 6/2024.

Do thiếu nước và nắng nóng, nhiều hộ dân không xuống giống trồng hành dù giá hành đang cao. (Ảnh: Trung Nhân)
Do thiếu nước và nắng nóng, nhiều hộ dân không xuống giống trồng hành dù giá hành đang cao. (Ảnh: Trung Nhân)

Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2024, lượng dòng chảy trên các sông, suối thiếu hụt từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ.

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, hiện nay mực nước tại các đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đa số đều thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Tính đến ngày 15/4, dung tích trữ tại 23 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 176,17 triệu m3, chiếm 42,2% tổng dung tích thiết kế (thấp hơn cùng kỳ năm 2022 là 13,7% và năm 2023 là 21,1%).

Hiện nay hồ Ông Kinh và hồ CK7 đã cạn trơ đáy; 3 hồ xuống mực nước chết là Sông Biêu, Bầu Ngứ và Suối Lớn. Ngoài ra, một số hồ khả năng sẽ hạ thấp đến dưới mực nước chết trong thời gian đến gồm hồ Bầu Zôn, Tà Ranh, Tân Giang, Phước Nhơn, Lanh Ra.

Ông Trương Khắc Trí cho biết, tình trạng nắng nóng sẽ tiếp tục diễn ra ngày càng gay gắt hơn trong 3 tháng tới, khiến cho mực nước tại một số hồ chứa tiếp tục giảm thấp. Nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ tại các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam.

Những vũng nước còn sót lại tại đáy hồ Ông Kinh. (Ảnh: Trung Nhân)
Những vũng nước còn sót lại tại đáy hồ Ông Kinh. (Ảnh: Trung Nhân)

Theo thông tin từ UBND tỉnh Ninh Thuận, khi hạn hán kéo dài, nhiều diện tích nông nghiệp phải dừng sản xuất, nguy cơ thiếu đói sẽ xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, các khu vực có khả năng thiếu nước sinh hoạt cần phải chở nước phục vụ cho người dân khoảng 1.484 hộ/5.836 khẩu. Cụ thể như xã Phước Tiến (huyện Bác Ái) 252 hộ/948 khẩu; thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) 85 hộ/334 khẩu; xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn) 1.147 hộ/4.554 khẩu.

Ngoài ra, các khu vực có nguy cơ thiếu nước khi hạn hán kéo dài như khu vực Phương Cựu (Phương Hải), Khánh Tân (Nhơn Hải), Xóm Bằng (Bắc Sơn) có nguy cơ thiếu nước khi suối Kiền Kiền bị cạn; khu vực Đá Hang (Vĩnh Hải) thiếu nước sinh hoạt khi hồ Nước Ngọt hết nước; khu vực Tập Lá (Phước Chiến) khi suối Tập Lá hết nước; khu vực Phước Thành thiếu nước khi suối Lạnh hết nước…