Bộ trưởng Năng lượng của các nước châu Âu sẽ nhóm họp trong ngày hôm nay (26/10) tại Luxembourg để thảo luận về phản ứng của họ đối với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại cũng như ngăn chặn tình trạng tăng giá điện kỷ lục trong tương lai.
Trong bối cảnh giá khí đốt và điện của châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục vào mùa Thu, chính các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã có đòn bẩy để đối phó trong ngắn hạn. Hầu hết các nước EU đều đã lên kế hoạch dự phòng để bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm giảm thuế năng lượng và trợ cấp cho các hộ gia đình nghèo nhất.
Các nước EU vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm giải pháp dài hạn nhằm bảo vệ khối trước những đợt tăng giá đột biến của nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.
Trong những tháng gần đây, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu tăng vọt tới 600% khiến nguồn cung ở châu Âu bị thiếu trầm trọng. Tình trạng mất điện trên diện rộng buộc các doanh nghiệp và nhà máy phải đóng cửa. Cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài được dự báo sẽ khiến cho mùa Đông năm nay ở "lục địa già" thêm khắc nghiệt.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng điện và khí đốt hiện tại, các quốc gia bao gồm Tây Ban Nha, Pháp, CH Séc và Hy Lạp đã hối thúc EU phải thiết kế lại các quy tắc thị trường điện của mình.
Tuy nhiên, 9 quốc gia bao gồm Đức - nền kinh tế và thị trường điện lớn nhất châu Âu - hôm 25/10 đã “dội gáo nước lạnh” lên những đề xuất khi tuyên bố họ sẽ không hỗ trợ các cải cách thị trường điện của EU.
Ngày 25/10, Đức, Đan Mạch, Ireland và 6 quốc gia châu Âu khác cho hay họ sẽ không hỗ trợ cải cách thị trường điện của Liên minh châu Âu (EU).
Trong một tuyên bố chung, các quốc gia này nói rằng do tình trạng giá tăng đột biến có tác động lên toàn cầu, EU nên hết sức thận trọng trước khi can thiệp vào việc điều chỉnh thị trường năng lượng nội khối.
Các nước nhấn mạnh đây sẽ không phải là một biện pháp giúp giảm thiểu giá năng lượng đang tăng cao hiện nay liên quan đến thị trường nhiên liệu hóa thạch.
Trước đó, Tây Ban Nha đã dẫn đầu những lời kêu gọi cải tổ thị trường điện bán buôn để đối phó với giá điện tăng đột biến tại châu Âu. Nước này cho rằng hệ thống hiện thời không hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của khối.
Ủy ban châu Âu cho biết họ sẽ điều tra xem liệu thị trường điện của EU có hoạt động tốt hay không. Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng cho thấy một hệ thống khác sẽ giúp các quốc gia phòng vệ tốt hơn trước tình trạng chi phí năng lượng “phi mã”.
Ngay trước thềm cuộc họp của bộ trưởng năng lượng EU, bà Kadri Simson - phụ trách chính sách năng lượng EU, ngày 26/10 cho biết các nước thành viên cần phải tìm giải pháp ngay lập tức để bảo vệ khối khỏi những đợt biến động về giá năng lượng trong những năm tới.
"Tôi hy vọng sẽ nghe được thông điệp rõ ràng hơn từ các bộ trưởng EU, những kỳ vọng của họ đối với các biện pháp trong trung hạn - điều này cũng có nghĩa là chúng ta phải bắt đầu hành động ngay bây giờ, mặc dù thực tế là kết quả chỉ được kiểm chứng trong nhiều năm sau đó", bà Kadri Simson nói trước khi dự cuộc họp của bộ trưởng năng lượng EU.
Trong khi đó, cùng ngày Bộ trưởng Năng lượng Luxembourg Claude Turmes cho biết đề xuất của Tây Ban Nha về việc các nước EU cùng đặt mua chung khí đốt sẽ không giải quyết được tình trạng giá năng lượng tăng đột biến gần đây. "Tôi cho rằng biện pháp khả thi nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại là đầu tư hiệu quả và tiếp tục tập trụng phát triển năng lượng tái tạo” - Bộ trưởng Turmes cho hay.
Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh EU, diễn ra ngày 21-22/10 ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã không đạt được tiến triển đáng chú ý nào khi tiếp tục tìm cách giữ giá năng lượng trong tầm kiểm soát./.